150916/tsvh.mp3
|
H/A: Xin chào quý vị và các bạn, tôi là Hùng Anh.
D/H: Thưa quý vị và các bạn, ngày 15/9 năm nay là ngày rằm tháng 8 theo âm lịch, tức là Tết Trung Thu, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Ngọ là ba ngày lễ cổ truyền lớn nhất, mang đậm màu sắc dân tộc nhất ở Trung Quốc.
H/A: Vâng. Các tháng theo âm lịch Trung Quốc được tính theo chu kỳ tròn khuyết của mặt Trăng. Người Trung Quốc thích mặt Trăng, cho rằng có thể gửi gắm tình cảm nhớ nhung qua mặt Trăng, cho nên người Trung Quốc cúng Trăng, ngắm Trăng và ăn bánh Trung Thu vào Tết Trung Thu, ngày rằm tháng 8, lúc mặt Trăng tròn nhất.
D/H: Vâng. Ở Trung Quốc, kể đến mặt Trăng thì mọi người nhớ ngay tới Hằng Nga, câu chuyện Hằng Nga lên cung Trăng là truyện cổ tích ai ai cũng biết.
H/A: Vâng. Ngoài truyện cổ tích nổi tiếng về mặt Trăng ra, Trung Quốc cũng có nhiều bài thơ về Trăng, các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Trương Cửu Linh, Đỗ Phủ, Tô Thức, v.v. đều có thơ vịnh nguyệt.
D/H: Vâng. Quý vị và các bạn thân mến, nhân dịp Tết Trung Thu, trong tiết mục "Tuần san Văn hóa" hôm nay, Hùng Anh và Duy Hoa xin giới thiệu truyện cổ tích Trung Quốc "Hằng Nga lên cung Trăng" và những bài thơ nổi tiếng về Trăng.
H/A: Hằng Nga là thần Mặt Trăng, chồng Hậu Nghệ là một vị chiến thần dũng mãnh thiện chiến, cung thần và tên thần của Hậu Nghệ bách phát bách trúng.
D/H: Lúc đó trần gian xuất hiện nhiều mãnh cầm dã thú, làm hại nhân dân. Thiên Đế được tin này liền cử Hậu Nghệ xuống trần gian tiêu diệt những thứ hại người này.
H/A: Hậu Nghệ thừa lệnh Thiên Đế, mang theo người vợ xinh đẹp của mình là Hằng Nga xuống trần gian. Với sức mạnh vô song, chẳng bao lâu Hậu Nghệ đã tiêu diệt được nhiều động vật hại người dưới trần gian.
D/H: Khi sắp hoàn thành nhiệm vụ, đã xảy ra chuyện bất ngờ. Trên bầu Trời cùng lúc xuất hiện mười mặt Trời. Mười mặt Trời đều là con Trời, chỉ vì trò chơi ác mà chúng cùng lúc xuất hiện trên bầu Trời, nhiệt độ trên mặt đất đột nhiên lên cao, rừng rậm và mùa màng bị nắng thiếu cháy, sông ngòi khô cạn, nhân dân bị chết đói chết khát, xác chết đầy đồng.
H/A: Hậu Nghệ không cầm lòng trước nỗi đau khổ của nhân dân, đã dùng lời nói ngon ngọt khuyên răn mười mặt Trời, mời mười anh em họ đơn độc hành động, mỗi ngày lần lượt chỉ xuất hiện một mặt Trời.
D/H: Nhưng, anh em mặt Trời kiêu ngạo và ngang ngược hoàn toàn không coi Hậu Nghệ ra gì, ngược lại ngày một thậm tệ hơn, cố ý xuống gần mặt đất, khiến mặt đất bùng phát nhiều đám cháy lớn.
H/A: Hậu Nghệ thấy anh em mặt Trời làm xằng làm bậy, nhiều lần khuyên răn đều không ăn lời, nhân dân đã bị thương vong vô số, không thể nào nhẫn nhịn được nữa, liền dùng cung và tên thần bắn rơi chín mặt Trời, mặt Trời cuối cùng chịu tội xin tha, Hậu Nghệ mới bớt giận cất cung tên.
D/H: Hậu Nghệ đã diệt trừ tai hại cho trần gian, nhưng lại làm mất lòng Thiên Đế, Thiên Đế nổi giận lôi đình vì Hậu Nghệ đã giết chín người con của mình, không cho phép vợ chồng Hậu Nghệ trở về Trời.
H/A: Không được trở về Trời, Hậu Nghệ bèn quyết định ở lại trần gian, làm nhiều việc có ích cho nhân dân. Thế nhưng vợ anh Hằng Nga lại ngày càng chán nản cuộc sống gian khổ trên trần gian, trách móc Hậu Nghệ hồ đồ giết chết các con Thiên Đế.
D/H: Hậu Nghệ nghe nói trên núi Côn Luân có một vị thần tiên Tây Vương Mẫu có thuốc thần, uống thuốc này là có thể bay lên Trời, do đó đã trèo đèo lội suối, trải qua biết bao gian khổ, leo lên đỉnh núi Côn Luân, xin Tây Vương Mẫu cho thuốc thần, điều đáng tiếc là, thuốc thần của Tây Vương Mẫu chỉ đủ cho một người dùng.
H/A: Hậu Nghệ vừa không nỡ bỏ lại vợ một mình lên Trời, cũng không muốn một mình vợ lên Trời bỏ lại mình ở trần gian. Bởi vậy anh mang thuốc thần về nhà và giấu đi.
D/H: Hằng Nga biết Hậu Nghệ đã xin được thuốc thần, mặc dù Hằng Nga rất yêu chồng mình, nhưng vẫn không chịu nổi sự cám dỗ của thế giới cực lạc trên Trời.
H/A: Khi mặt Trăng sáng nhất vào Tết Trung Thu ngày 15 tháng 8 âm lịch, nhân lúc Hậu Nghệ vắng nhà, Hằng Nga đã uống trộm thuốc thần, bỗng chốc thấy thân mình ngày càng nhẹ, từ từ bay lên Trời, cuối cùng bay đến Mặt Trăng, vào ở cung Quảng Hàn.
D/H: Lúc về đến nhà, Hậu Nghệ rất đau khổ khi biết vợ đã bỏ mình lên Trời, nhưng không còn cách nào khác, đành phải ở lại trần gian một mình.
H/A: Mặc dù sống cô độc một mình, nhưng Hậu Nghệ tiếp tục làm việc tốt cho dân, đồng thời dạy học trò bắn cung.
D/H: Trong đám học trò có một người tên là Bàng Mông, tiến bộ rất nhanh, không bao lâu đã bắn rất giỏi, nhưng Bàng Mông nghĩ nếu Hậu Nghệ còn sống, thì mình không thể là người giỏi nhất thiên hạ, bởi vậy có một lần nhân thầy uống rượu say, đã bắn chết Hậu Nghệ từ đằng sau.
H/A: Tuy nói Hằng Nga đã lên đến mặt Trăng, nhưng nơi đây rất lạnh lẽo, chỉ có một chú thỏ giã thuốc và một ông lão đốn củi, bởi vậy Hằng Nga cả ngày buồn bã ngồi trong cung Trăng, nhất là lúc mặt Trăng đẹp nhất vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, Hằng Nga luôn hoài niệm cuộc sống hạnh phúc với Hậu Nghệ trước đây.
D/H: Trên đây là truyện cổ tích dân gian Trung Quốc "Hằng Nga lên cung Trăng".
H/A: Khi ngắm Trăng, người Trung Quốc cổ đại thắc mắc vì sao trên mặt Trăng có hình ảnh giống bóng cây? Trên mặt Trăng có người không? Chính vì vậy, họ đã sáng tác nhiều truyện cổ tích để giải thích, truyện "Hằng Nga lên cung Trăng" là câu chuyện nổi tiếng nhất, ai ai cũng biết ở Trung Quốc.
D/H: Vâng. Chính vì am hiểu câu chuyện "Hằng Nga lên cung Trăng", người Trung Quốc thích thảo luận về Hằng Nga khi ngắm Trăng, mọi người cho rằng, Hằng Nga là một cô gái xinh đẹp dịu dàng.
H/A: Vì vậy, trong văn hóa Trung Quốc, mặt Trăng là âm, đại diện cho nữ giới.
D/H: Vâng. Từ xưa đến nay, mọi người đều muốn lên mặt Trăng xem có nàng Hằng Nga thật không, cho nên, vệ tinh nhân tạo quay xung quanh mặt Trăng đầu tiên do Trung Quốc phóng mang tên "Hằng Nga 1", gửi gắm tình cảm tốt đẹp của người Trung Quốc.
H/A: Quý vị và các bạn thân mến, tiếp theo Duy Hoa và Hùng Anh xin giới thiệu những bài thơ nổi tiếng Trung Quốc về Trăng.
D/H: Đa số thơ ca về Trăng của Trung Quốc đều mang triết lý sâu xa, chẳng hạn, thơ về trăng của Thi tiên đời Đường Lý Bạch, đã ví sự ngắn ngủi của đời người với sự vĩnh hằng của thiên nhiên qua hình ảnh mặt Trăng.
H/A: Vâng. Nhà thơ Lý Bạch viết rằng: "Cổ nhân kim nhân nhược lưu thủy, cộng khán minh nguyệt giai như thử".
D/H: Câu thơ có nghĩa là, người xưa người nay cũng như nước chảy, cùng ngắm Trăng sáng như vậy thôi.
H/A: Câu thơ của Lý Bạch khiến độc giả cảm khái muôn phần, cho dù con người trải qua bao nhiêu bể dâu, nhưng vầng Trăng không bao giờ thay đổi.
D/H: Mượn vầng Trăng bày tỏ tâm trạng nhớ nhung là chủ đề vĩnh hằng của tác phẩm văn học Trung Quốc. Vì mặt Trăng là thiên thể gần trái Đất nhất, có thể gửi gắm niềm thương nhớ và bày tỏ tâm trạng thoát khỏi mọi thứ ràng buộc của con người.
H/A: Những điều may mắn và bất hạnh trong đời người hầu như đều có thể bày tỏ thông qua ánh Trăng. Chẳng hạn, nhà thơ đời Tống Tô Thức có câu thơ viết rằng: "Nhân hữu bi hoan ly hợp, nguyệt hữu âm tình viên khuyết, thử sự cổ nan toàn. Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thuyền quyên".
D/H: Tạm dịch là: Người có vui buồn tan hợp, Trăng có tỏ mờ tròn khuyết, việc này xưa nay khó bề trọn vẹn. Chỉ ước người sống mãi, dặm nghìn cùng chung bóng yêu kiều.
H/A: Lý Bạch có một bài thơ nổi tiếng viết rằng: "Sàng tiền minh nguyệt quang, nghi thị địa thượng sương. Cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương."
D/H: Tạm dịch là: Đầu giường ánh Trăng rọi, ngỡ mặt đất phủ sương. Ngẩng đầu nhìn Trăng sáng, cúi đầu nhớ quê hương.
H/A: Trong bài thơ này, nhà thơ Lý Bạch muốn gửi gắm tình cảm và nỗi nhớ quê hương qua vầng Trăng.
D/H: Ngoài ra, còn có nhiều nhà thơ ví tình cảm nhớ nhung người thân và người yêu như ánh Trăng tỏa sáng khắp nhân gian. Chẳng hạn, nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ có câu thơ rằng: "Lộ tòng kim dạ bạch, nguyệt thị cố hương minh". Câu thơ có nghĩa là: Từ đêm nay sương rơi trắng xóa, vầng Trăng là ánh sáng từ quê nhà.
H/A: Còn nhà thơ đời Đường Trương Cửu Linh viết rằng: "Hải thượng sinh minh nguyệt, thiên nhai cộng thử thì". Câu thơ này tạm dịch là: Trăng sáng trên biển cả, cuối trời rạng rỡ soi.
D/H: Nỗi niềm nhớ nhung và cảm giác cô đơn thường luôn song hành, chẳng khác nào một cặp song sinh, dù ở phương Đông hay là phương Tây, tác phẩm văn học về Trăng đều chứa nhiều cảm giác cô đơn.
H/A: Chẳng hạn, câu thơ của Lý Bạch: "Hoa gian nhất hồ tửu, độc chước vô tương thân. Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân".
D/H: Tạm dịch là: "Một bầu rượu giữa vườn hoa, rượu đây không bạn cùng ta uống cùng. Nâng ly khẩn khoản mời Trăng, Trăng, ta và bóng rõ ràng thành ba".
H/A: Quý vị và các bạn thân mến, tiết mục "Tuần san Văn hóa" hôm nay đến đây là hết, Hùng Anh chúc các bạn Tết Trung Thu vui vẻ.
D/H: Duy Hoa xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tiết mục "Tuần san Văn hóa" tuần tới.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |