070416/tsvh.mp3
|
T/T: Xin chào quý vị và các bạn, tôi là Thành Trung.
D/H: Thưa quý vị và các bạn, đầu tháng 3, nhóm chuyên gia khai quật khảo cổ ngôi mộ Hải Hôn Hầu đời Tây Hán tại Nam Xương chính thức tuyên bố, thân phận chủ nhân ngôi mộ Hải Hôn Hầu được xác nhận là "Hán Phế Đế" Lưu Hạ, cháu của Hán Vũ Đế, cách đây hơn 2000 năm.
T/T: Theo đó, công tác khảo cổ thu hút sự quan tâm rộng khắp từ năm ngoái dường như đã có kết quả, nhưng chủ nhân ngôi mộ lập nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử khảo cổ Trung Quốc này vẫn để lại nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
D/H: Vâng. Những bí ẩn này bao gồm: Nồi chưng cất có phải dùng để cất rượu hay không? Thuốc bổ được khai quật có phải là đông trùng hạ thảo hay không? Tên thành phố Nam Xương có xuất xứ từ đâu? Chủ nhân ngôi mộ số 5 thần bí là ai?
T/T: Quý vị và các bạn thân mến, trong tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay, Duy Hoa và Thành Trung xin giới thiệu với quý vị và các bạn 4 bí ẩn nói trên.
D/H: Thưa quý vị và các bạn, mới đây, Đội trưởng Đội khai quật khảo cổ ngôi mộ Hải Hôn Hầu Dương Quân đã giới thiệu tường tận 4 bí ẩn nói trên tại một hoạt động học thuật do mặt bằng phương tiện mới của "Tuần san Đời sống Tam Liên" mang tên "Cuộc sống Tùng Quả" tổ chức.
T/T: Bí ẩn đầu tiên là liệu nồi chưng cất được khai quật từ ngôi mộ Hải Hôn Hầu có làm cho lịch sử chưng cất rượu của Trung Quốc sớm 1000 năm hay không?
D/H: Trung Quốc có lịch sử uống rượu và cất rượu lâu đời. Chẳng hạn, Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu luận anh hùng, nhà thơ Lý Bạch uống một đấu rượu làm trăm bài thơ, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận dùng rượu tước binh quyền.
T/T: Vâng. Dù trong cuộc sống hay trong hoạt động chính trị, thương mại, từ trước đến nay người Trung Quốc dường như có cơ duyên sâu sắc với rượu.
D/H: Vâng. Trong số các cổ vật được khai quật từ ngôi mộ Hải Hôn Hầu lần này có "nồi chưng cất" làm bằng đồng đen trông như đồ dùng để cất rượu.
T/T: Ông Dương Quân cho biết, ban đầu, họ đoán đồ đồng đen này là dùng để làm nước hoa quả hoặc luyện đơn. Nhưng, sau khi giám định, họ phát hiện có thành phần khoai sọ để lại trong đồ đồng đen này.
D/H: Ông Dương Quân cho biết, cho đến nay, nguyên liệu chính cất rượu sake ở Nhật vẫn là khoai sọ, thành phần lưu lại được phát hiện khiến chuyên gia tin rằng đồ đồng đen này có thể là nồi cất rượu.
T/T: Tư liệu cho thấy, nồi cất rượu sớm nhất mà Trung Quốc đã phát hiện là vào đời nhà Nguyên cách đây hơn 800 năm.
D/H: Ông Dương Quân cho biết, nếu có thể chứng minh người Trung Quốc đã biết cất rượu trắng ngay từ thời kỳ Tây Hán, thì có thể khiến lịch sử cất rượu của Trung Quốc sớm hơn 1000 năm.
T/T: Bí ẩn thứ hai liên quan tới ngôi mộ Hải Hôn Hầu là liệu thuốc bổ được khai quật từ ngôi mộ này có thay đổi lịch sử thuốc thảo mộc Trung Quốc hay không?
D/H: Trung y dược là di sản quý báu của dân tộc Trung Hoa, lịch sử Trung y dược có nguồn gốc từ Thần Nông Thị, còn được gọi là Viêm Đế cách đây hơn 5000 năm.
T/T: Từ xưa đến nay, dù quan lại hiển đạt và dòng dõi quý tộc hay dân thường đều thích uống thuốc thảo mộc có tác dụng bồi bổ để đạt mục đích mạnh khỏe sống lâu, dân gian Trung Quốc có cách nói "Tẩm bổ vào mùa thu và mùa đông, sang năm đủ sức đánh hổ".
D/H: Vâng. Trong số các đồ tùy táng trong ngôi mộ Hải Hôn Hầu với chủ nhân là Lưu Hạ từng làm vua 27 ngày đã phát hiện nhiều thuốc bổ không bình thường, có khả năng là đông trùng hạ thảo quý giá.
T/T: Đông trùng hạ thảo có bản chất là dạng ký sinh loài nấm trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm, chỉ sinh trưởng trên đồng cỏ giá rét có độ cao trên 3.000 mét so với mặt biển.
D/H: Vâng. Vì vào mùa đông cây thảo mộc này trông giống con sâu, vào mùa hè thì trông giống thực vật, cho nên có tên gọi là "đông trùng hạ thảo".
T/T: Sự ghi chép bằng văn tự sớm nhất về đông trùng hạ thảo là cuốn sách "Bản Thảo Bị Yếu" của tác giả Vương Ngang đời nhà Thanh in vào năm 1694.
D/H: Vâng. Trong cuốn sách này viết rằng, đông trùng hạ thảo tính ôn hoà, có lợi cho phổi và thận, có tác dụng cầm máu, khứ đờm, khỏi ho.
T/T: Ông Dương Quân cho biết, thuốc bổ được khai quật từ ngôi mộ Hải Hôn Hầu tương tự đông trùng hạ thảo, và có khả năng được đưa đến từ Tây Tạng.
D/H: Ông Dương Quân cho biết, nếu giám định thuốc bổ này đúng thật là đông trùng hạ thảo, thì lịch sử người Trung Quốc dùng đông trùng hạ thảo làm vị thuốc sẽ sớm hơn 1.000 năm.
T/T: Bí ẩn thứ 3 liên quan tới ngôi mộ Hải Hôn Hầu là liệu tên thành phố Nam Xương có liên quan tới Hải Hôn Hầu hay không?
D/H: Vâng. Trong số các cổ vật được khai quật từ ngôi mộ này có một giá đèn hình đậu nành làm bằng đồng đen trên có hai chữ "Nam Xương" rõ nét đã thu hút sự quan tâm rộng khắp. Đây là hiện vật sớm nhất liên quan tới "Nam Xương".
T/T: Theo ghi chép trong sử sách, thành phố Nam Xương xây xong trong thời kỳ Hán Cao Tổ Lưu Bang, nhưng tên thành phố có nguồn gốc từ đâu, cho đến nay vẫn chưa có phán đoán chính xác.
D/H: Ông Dương Quân cho biết, Hải Hôn Hầu Lưu Hạ vốn là Xương Ấp Vương, thái ấp nằm ở huyện Cự Dã, tỉnh Sơn Đông hiện nay, sau đó Lưu Hạ chỉ làm vua 27 ngày đã bị phế truất, phong làm Hải Hôn Hầu với thái ấp nằm ở huyện Tân Kiến, thành phố Nam Xương hiện nay.
T/T: Ông Dương Quân cho biết, họ khai quật được nhiều đồ sơn mài trên có chữ "Xương Ấp cửu niên", "Xương Ấp thập nhất niên" từ ngôi mộ Hải Hôn Hầu, điều này cho thấy Lưu Hạ luôn nhớ về Xương Ấp, khát khao một ngày nào đó vẫn được phong làm Xương Ấp Vương.
D/H: Vâng. Ông Dương Quân phân tích cho rằng, rất có thể Lưu Hạ gọi Sơn Đông, nơi mà mình từng cư trú là "Bắc Xương Ấp", gọi đô thành nằm ở bờ hồ Phồn Dương, tỉnh Giang Tây là "Nam Xương Ấp". Tên thành phố "Nam Xương" có thể có nguồn gốc từ đây.
T/T: Bí ẩn thứ 4 liên quan tới ngôi mộ Hải Hôn Hầu là chủ nhân của ngôi mộ số 5 khai quật được gươm ngọc là ai?
D/H: Ngôi mộ Hải Hôn Hầu là ngôi mộ hầu vương Tây Hán được bảo tồn hoàn hảo nhất, có kết cấu hoàn chỉnh nhất, có hệ thống cúng tế kiện toàn nhất mà Trung Quốc đã phát hiện.
T/T: Vâng. Trung tâm của ngôi mộ Hải Hôn Hầu là mộ chính và mộ của phu nhân, ngoài ra còn bao gồm 7 ngôi mộ khác và những kiến trúc thể hiện đẳng cấp cao như cổng, lầu gác, v.v.
D/H: Trong đó, ngôi mộ số 5 nằm ở vị trí phía bắc ngôi mộ của Lưu Hạ đã trở thành tiêu điểm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Các chuyên gia thắc mắc chủ nhân của ngôi mộ số 5 là ai, là nam hay nữ?
T/T: Về thân phận của chủ nhân ngôi mộ số 5, hiện nay có hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng, chủ nhân của ngôi mộ số 5 là con trai của Lưu Hạ, vì đã khai quật được vũ khí từ ngôi mộ này; quan điểm khác cho rằng chủ nhân của ngôi mộ này là vợ lẽ được Lưu Hạ cưng chiều, vì ngôi mộ này và ngôi mộ chính cùng dùng một kiến trúc trên mặt đất.
D/H: Theo ghi chép trong sử sách, sau khi Hán Tuyên Đế giáng chức Lưu Hạ tới thái ấp Hải Hôn, không đầy 5 năm sau Lưu Hạ đã qua đời tại thái ấp khi mới 33 tuổi.
T/T: Sau đó, hai con trai của Lưu Hạ vốn được kế thừa tước vị cũng lần lượt qua đời. Trong thời đó, điều này được cho là "điềm dữ", Hán Tuyên Đế bèn ra lệnh phế bỏ nước chư hầu Hải Hôn.
D/H: Cho đến 10 năm sau khi đăng quang, Hán Nguyên Đế mới phong con trai của Lưu Hạ tên là Lưu Đới Tông làm Hải Hôn Hầu.
T/T: Ông Dương Quân, cho biết, trong số các cổ vật khai quật từ ngôi mộ số 5 bao gồm một gươm ngọc, trong thời cổ đại, vũ khí thường tượng trưng cho đàn ông, vì vậy ông suy đoán, chủ nhân của ngôi mộ số 5 rất có thể là con trai của Lưu Hạ chưa được kế thừa tước vị Hải Hôn Hầu.
D/H: Hiện nay, quan tài chính của ngôi mộ số 5 đã được đưa ra ngoài, sự thật là như thế nào còn phải chờ đáp án khảo cổ tại phòng thí nghiệm.
T/T: Ngôi mộ Hải Hôn Hầu nằm ở núi Đôn Đôn cách thôn Quan Tây, xã Đại Đường Bình, quận Tân Kiến, thành phố Nam Xương khoảng 1.000 mét về phía đông-nam, từ năm 2011 bắt đầu khai quật, đến cuối năm 2015 đã khai quật được gần 20.000 cổ vật quý báu gồm đồ vàng, đồ đồng đen, đồ ngọc, đồ gốm sứ, đồ đan lát bằng tre, đồ đan lát bằng rơm, đồ dệt may, thẻ tre, thẻ gỗ, v.v.
D/H: Từ làm vua đến bị phế truất thành dân thường, lại được phong hầu, cuộc đời của Lưu Hạ tuy ngắn ngủi nhưng đầy trắc trở. Nhưng, đối với người dân ngày nay, những câu chuyện bí ẩn về Lưu Hạ vừa mới bắt đầu.
T/T: Quý vị và các bạn thân mến, tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay đến đây là hết, Thành Trung cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.
D/H: Duy Hoa xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tiết mục "Tuần san Văn hoá" tuần tới.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |