291015/tsvh.mp3
|
H/A: Xin chào quý vị và các bạn, tôi là Hùng Anh.
D/H: Thưa quý vị và các bạn, nhà nghiên cứu địa lý học lịch sử nổi tiếng Trung Quốc Đàm Kỳ Tương từng ví "địa danh" là "hoá thạch sống về lịch sử nhân loại". Tuy nhiên, theo số liệu Tổng điều tra địa danh toàn quốc Trung Quốc lần thứ 2, tên của hơn 60 nghìn thị xã và hơn 400 nghìn thôn làng đã bị "xóa sổ" trong gần 30 năm qua.
H/A: Nếu quê hương chỉ là một biển báo trên bản đồ, tên con phố trước nhà bỗng nhiên bị thay đổi, tin rằng "nỗi nhớ quê hương" của nhiều người sẽ không còn nơi để gửi gắm.
D/H: Quý vị và các bạn thân mến, trong tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay, Hùng Anh và Duy Hoa xin giới thiệu với các bạn: Tỉnh Chiết Giang bảo tồn "văn hoá địa danh"—nơi gửi gắm nỗi nhớ quê hương.
H/A: Sau đây chúng ta cùng bắt đầu nội dung chi tiết hôm nay.
D/H: Thưa quý vị và các bạn, Phó Giám đốc Sở Dân chính tỉnh Chiết Giang La Vệ Hồng cho biết, địa danh là dấu hiệu vượt qua thời gian và không gian, hình thành văn hoá độc đáo về nhận dạng, đặt tên, và giao lưu, ghi lại sự huy hoàng trong quá trình tìm tòi thế giới và bản thân của nhân loại, ghi lại chiến tranh, bệnh tật, tai hoạ, trắc trở, biến thiên và hoà hợp...
H/A: Vâng. Những thứ kể trên đều là "ký ức tập thể" quan trọng, đáng lẽ nên thường xuyên "ôn cố tri tân".
D/H: Chẳng hạn, ở thành phố Gia Khánh, tỉnh Chiết Giang có một huyện tên là Gia Thiện, hai chữ "Gia Thiện" có lịch sử hàng nghìn năm, liên quan tới phong tục dân gian "Địa Gia Nhân Thiện", có nghĩa là nơi có phong tục tập quán đặc sắc, người dân hiền lành lương thiện.
H/A: Nhà văn Biên Thích quê ở Gia Thiện, từng nhớ về quê hương như sau: "Sinh ra và lớn lên ở nơi có nhiều phong tục đẹp, người dân sống lương thiện, thì phải thấu hiểu rằng giàu có, ôn hoà, khiêm nhượng là những điều đáng quý trọng. Cho đến ngày nay, "gien" của tổ tiên vẫn được truyền lại cho các thế hệ sau".
D/H: Để nêu cao nguyên tố "Lương thiện" trong văn hoá địa danh, thu hút giới trẻ giữ quan niệm làm việc tốt, làm người tốt, tháng 8 năm nay, Sở Dân chính tỉnh Chiết Giang đã làm bộ phim ngắn công ích đầu tiên tại huyện Gia Thiện.
H/A: Ở quần đảo Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang có huyện tên Xương Quốc. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, một hòn đảo nhỏ lúc đó chỉ có vài nghìn người dựa vào thứ gì mà có thể làm cho quốc gia hưng thịnh?
D/H: Ông Vương Kiến Phụ là Phó Chủ tịch Hội học thuật địa danh tỉnh Chiết Giang, Chủ nhiệm Văn phòng địa danh quần đảo Châu Sơn dẫn lại quan điểm của nhà văn Vương An Thạch nổi tiếng đời Bắc Tống, Trung Quốc như sau: "Phía đông của quần đảo Châu Sơn là Nhật Bản, phía bắc là Đăng Châu và Lai Châu của tỉnh Sơn Đông, phía nam là khu vực phía đông-nam tỉnh Chiết Giang và tỉnh Phúc Kiến, phía tây là Thiệu Hưng, Châu Sơn đúng thật là một địa điểm quan trọng trên biển, có thể giúp đất nước phát triển hưng thịnh".
H/A: Như vậy, nhà văn Vương An Thạch đã nâng vấn đề xây dựng huyện ở quần đảo Châu Sơn lên tầm cao chiến lược bảo vệ an ninh Con đường Tơ lụa trên biển và làm cho đất nước giàu mạnh.
D/H: Cho đến nay, địa danh "Xương Quốc" vẫn nằm trong quy hoạch hành chính ở quần đảo Châu Sơn, ghi lại lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc theo cách rất riêng của nhân dân quần đảo Châu Sơn.
H/A: Về địa danh, nơi để lại ấn tượng sâu sắc còn có thôn Đại Trần, đây là một thôn có lịch sử hơn 600 năm, đa số bà con ở thôn này đều là hậu duệ họ Uông.
D/H: Bài hát của thôn mang tên "Bát mì Đại Trần do mẹ nấu" là bài hát mà ở thôn ai ai cũng biết, bài hát này đã kể lại nguồn gốc tên gọi của thôn.
H/A: Vâng. Chuyện kể rằng, tổ tiên họ Uông sinh sống ở nơi đây có tên tục "Đại Trần Nhi", năm 27 tuổi, mẹ ruột qua đời vì ốm nặng, sau đó cha lấy vợ lẽ. Đại Trần Nhi trong lòng vừa buồn vừa giận, bèn đi khắp nơi tìm thầy học nghề y cứu người trong vài chục năm.
D/H: Cho đến khi mẹ kế mừng thọ 90 tuổi, Đại Trần Nhi mới về thăm quê. Sau khi biết con về nhà, mẹ kế đích thân bưng một bát mì mừng thọ cho con ăn, bên dưới có 3 quả trứng ốp-lết, có ngụ ý "Kiến diện hữu tử", từ đó hai mẹ con không còn xa cách, vui sống đoàn tụ.
H/A: Bí thư Chi bộ thôn Uông Diễn Quân cho biết, tình yêu thương của mẹ, lời chúc phúc của người con sinh sống bao năm ở ngoài đều dồn cả vào bát mì.
D/H: Chính vì vậy, cho đến ngày nay, khi mời khách đến chơi, bà con thôn Đại Trần đều nấu mì Đại Trần để tiếp khách.
H/A: Qua các ví dụ kể trên, chúng ta có thể hiểu được, địa danh có sức sống vượt qua thời gian và không gian, là "ký ức tập thể", đáng lẽ phải được bảo tồn tốt.
D/H: Đúng vậy, nỗi nhớ quê hương của nhiều người Trung Quốc đều gắn chặt với địa danh.
H/A: Vâng. Trung Quốc có nhiều bài thơ viết về nỗi nhớ quê hương, một bài thơ có câu thơ như sau: "Nếu bạn hỏi tôi nỗi nhớ quê hương là gì, tôi sẽ nói, đó là nỗi nhớ về tấm bia đá dựng trước cổng làng, nỗi nhớ về gốc cây to trước cửa nhà, nỗi nhớ về dòng sông con suối..."
D/H: Trong bối cảnh thị xã hiện đại hoá ngày càng đổi mới, giá trị quan thời thượng đa nguyên va chạm với nền văn minh cổ xưa, lựa chọn khôi phục lại một số địa danh, trao cho nó nội hàm thời đại mới, đó có thể là cách tốt nhất để thể hiện tình cảm của chúng ta đối với quê nhà tươi đẹp, cuộc sống tốt đẹp.
H/A: Chẳng hạn, Thượng Ngu nằm bên sông Tào Nga ở phía đông tỉnh Chiết Giang, là nơi có liên quan tới vua Thuấn thượng cổ Trung Quốc. Tài liệu lịch sử ghi chép, vua Thuấn từng tiếp các chư hầu và cùng vui chơi ở Thượng Ngu.
D/H: Để bày tỏ lòng biết ơn với vua Thuấn, người dân Thượng Ngu bèn gọi dòng sông mà vua Thuấn từng trị lý là "Thuấn Giang", đặt tên chiếc giếng do vua Thuấn đào là "Thuấn Tỉnh", đặt tên nơi vua Thuấn tiếp các chư hầu là "Bách Quan".
H/A: Theo ông Vương Gia Thuần, Phó Tổng Thư ký Hội học thuật địa danh tỉnh Chiết Giang, mang lại hạnh phúc cho người dân một phương, người dân ghi lòng tạc dạ, đây mới là thành tích chính trị lưu truyền thiên cổ.
D/H: Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu truyền thuyết của núi Mễ Nham ở Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang. Thời xưa, nơi đây có một thiếu niên sống nghèo khó, kiếm sống bằng nghề đốn củi nhưng vẫn không đủ ăn. Một hôm, cậu đói bụng đến nỗi thở không ra hơi, bèn ngồi dựa một tảng đá lớn, bỗng nhiên gạo từ kẽ đá tuôn ra, thế là cậu được ăn một bữa no nê.
H/A: Sau đó, ngày nào cậu cũng đến đây hứng gạo. Khi cậu định dùng gậy sắt đục cho kẽ đá rộng ra để lấy được nhiều gạo hơn, thì thứ mà rơi xuống lại là đá vụn, chứ không phải là gạo nữa.
D/H: Lười biếng gây tai hoạ, siêng năng mới có thể làm giàu. Đây là lý lẽ đằng sau tên núi Mễ Nham.
H/A: Theo cơ quan dân chính, hiện nay tỉnh Chiết Giang có 727 di sản văn hoá địa danh bước đầu phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có 7 thành phố cổ có lịch sử nghìn năm, 38 huyện cổ có lịch sử nghìn năm, 110 thị trấn cổ có lịch sử nghìn năm, 329 thôn cổ có lịch sử nghìn năm.
D/H: Phó Giám đốc Sở Dân chính tỉnh Chiết Giang La Vệ Hồng cho biết, hiện nay đã không phải là thời kỳ giải phóng mặt bằng và xây dựng quy mô, điều mà chúng ta nên làm hiện nay là để càng nhiều người biết đến giá trị của văn hoá địa danh vẫn được bảo tồn sau bao năm tháng.
H/A: Vâng. Bà La Vệ Hồng cho biết, đặc biệt nên bắt tay từ việc khai quật, bảo vệ và tuyên truyền văn hoá địa danh, xây dựng lại "quê hương tinh thần" của người dân và cội nguồn văn minh địa phương.
D/H: Kể từ năm 2012, khi sửa đổi "Biện pháp quản lý địa danh tỉnh Chiết Giang", tỉnh Chiết Giang đã xác định rõ đưa nội dung di sản văn hoá địa danh vào quy hoạch, xác định rõ di sản văn hoá địa danh được pháp luật bảo vệ.
H/A: Tháng 5 năm nay, 5 cơ quan của tỉnh Chiết Giang gồm Sở Dân chính, Sở Văn hoá, Sở Du lịch, v.v. phối hợp khởi động công tác xác định "Di sản văn hoá địa danh thị trấn cổ (thôn cổ) có lịch sử nghìn năm ở tỉnh Chiết Giang".
D/H: Bà La Vệ Hồng cho biết, sau này, về nguyên tắc, địa danh cổ có lịch sử nghìn năm trở lên ở tỉnh Chiết Giang không được phép thay đổi hoặc hủy bỏ.
H/A: Về các địa danh cổ có lịch sử 500 năm trở lên, nếu được đưa vào danh sách bảo vệ văn hoá địa danh cổ, thì không được dễ dàng thay đổi hoặc hủy bỏ.
D/H: Khi sáp nhập thị trấn, thôn làng, nếu xuất hiện tình hình phải hủy bỏ, thay đổi địa danh, cần phải xin Ủy ban chuyên gia về địa danh các thành phố, các huyện để tiến hành đánh giá, đồng thời phải lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của quần chúng nhân dân một cách rộng rãi.
H/A: Trên đây, Duy Hoa và Hùng Anh đã giới thiệu với quý vị và các bạn: Tỉnh Chiết Giang bảo vệ văn hoá về địa danh.
D/H: Quý vị và các bạn thân mến, tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay đến đây là hết, Duy Hoa cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.
H/A: Hùng Anh xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tiết mục "Tuần san Văn hoá" tuần tới.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |