270815/tsvh.mp3
|
H/A: Xin chào quý vị và các bạn, tôi là Hùng Anh.
D/H: Thưa quý vị và các bạn, Nhà hát Bồng Khao do một bác sĩ nha khoa sáng lập, nằm sâu trong một con ngõ ở quận Đông Thành, Bắc Kinh, 3 tháng qua đã liên tiếp trình diễn những vở kịch nói nổi tiếng của các nước Anh, Pháp, I-ta-li-a, v.v., thu hút đông đảo khán giả đến xem.
H/A: Hoạt động này là thuộc Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ năm 2015. Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ sáng lập vào năm 2010, được sự hỗ trợ của Chính quyền quận Đông Thành, do Nhà hát Bồng Khao dẫn đầu tổ chức.
D/H: Tính đến năm nay, Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ đã trình diễn 131 vở kịch của 12 nước, thu hút 140 nghìn lượt khán giả, ngoài ra còn đã tổ chức 30 buổi thảo luận, 23 buổi nói chuyện và 4 lần Hội thảo kịch độc lập dân gian Trung Quốc.
H/A: Quý vị và các bạn thân mến, trong tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay, Duy Hoa và Hùng Anh xin giới thiệu với quý vị và các bạn về Nhà hát Bồng Khao, nhà hát tư nhân đầu tiên ở Bắc Kinh.
D/H: Sau đây chúng ta cùng bắt đầu nội dung chi tiết hôm nay.
H/A: Thưa quý vị và các bạn, ngõ Nam La Cổ ở quận Đông Thành, Bắc Kinh tập trung nhiều cửa hàng đặc sắc và giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc Tứ Hợp Viện, nên là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
D/H: Rời khỏi con ngõ sầm uất, ồn ào náo nhiệt, đi đến ngõ Bắc Binh Mã ở bên cạnh, tâm trạng của mỗi người dường như cũng yên tĩnh trở lại cùng với những quang cảnh trên con ngõ này.
H/A: Ở ngõ Bắc Binh Mã trước tiên sẽ nhìn thấy trường Học viện Sân khấu Trung ương, đi tiếp về phía trước, sẽ nhìn thấy một kiến trúc Tứ Hợp Viện đặc sắc, đó là Nhà hát Bồng Khao—nhà hát tư nhân đầu tiên ở Bắc Kinh.
D/H: Người sáng lập kiêm Giám đốc Nhà hát Bồng Khao Vương Tường là một bác sĩ nha khoa, do đam mê kịch nói, năm 2007 bác sĩ đã thuê một Tứ Hợp Viện và cải tạo thành nhà hát.
H/A: Khoảnh sân ở giữa Tứ Hợp Viện đã được "đậy lên một cái nắp", trở thành nhà hát chứa được 86 người; phòng chính lưng quay phía bắc mặt hướng phía nam trở thành khu vực nghỉ ngơi và quán cà phê; còn phòng mé đông và phòng mé tây được cải tạo thành văn phòng và phòng hóa trang.
D/H: Tên của nhà hát "Bồng Khao" bắt nguồn từ câu thơ "Ngưỡng thiên trường tiếu xuất môn khứ, ngã bối khỉ thị bồng khao nhân" trong bài thơ là "Nam Lăng biệt nhi đồng nhập kinh" của thi tiên Lý Bạch.
H/A: Sở dĩ đặt tên nhà hát là Bồng Khao, là vì mong càng nhiều người bình thường tạm thời thoát khỏi những chuyện lặt vặt "Tương cà mắm muối" của cuộc sống hàng ngày, đến nhà hát thưởng thức kịch nói, để nuôi dưỡng tâm hồn.
D/H: Để càng nhiều người cảm nhận được sức cuốn hút của nghệ thuật sân khấu, năm 2010, dưới sự hỗ trợ của Chính quyền quận Đông Thành, Nhà hát Bồng Khao đã dẫn đầu tổ chức "Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ". Ý tưởng này bắt nguồn từ Liên hoan Sân khấu Avignon Pháp.
H/A: Avignon là một thị trấn nhỏ nằm ở miền nam nước Pháp, có hơn 300 nhà hát, 80% là nhà hát đơn giản, chỉ có vài hàng ghế.
D/H: Liên hoan Sân khấu Avignon diễn ra vào tháng 7 hằng năm khiến thị trấn mộc mạc này "toả sáng rực rỡ", rất nhiều phương tiện truyền thông đến đưa tin, hơn 500 nghìn du khách kéo đến thị trấn, doanh thu du lịch một tháng mang lại cho giới sân khấu và giới du lịch địa phương bằng giá thành đầu tư cả năm.
H/A: Tuy Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ chưa sánh kịp Liên hoan Sân khấu Avignon có lịch sử hơn 60 năm, nhưng Liên hoan ngõ Nam La Cổ đã bắt đầu toả sáng, dần dần trở thành một sự kiện văn hoá hấp dẫn hàng năm ở Bắc Kinh.
D/H: Trong ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, tại Nhà hát Bồng Khao đã liên tiếp trình diễn nhiều vở kịch của nước ngoài, trong đó có vở "Con đường phẫn nộ" của nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng Anh Edward Bond, vở "Hoá thân" của nghệ sĩ sân khấu Nhật Bản Oriza Hirata.
H/A: Còn có vở "Marat Sade" do đạo diễn I-ta-li-a Nanni Garella làm đạo diễn, vở "Trước khi ngã xuống" do nghệ sĩ múa Séc Marketa Vacovska và nghệ sĩ nhạc Jazz Lenka Dusilova phối hợp thể hiện.
D/H: Chị Trâu Khả đang học ở trường Đại học Tài chính Trung ương, chị thường đến Nhà hát Bồng Khao xem kịch. Lần này chị đặt mua vé qua mạng và đến Nhà hát Bồng Khao từ rất sớm, vì chị cho rằng không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức tác phẩm của nghệ sĩ sân khấu bậc thầy.
H/A: Ngoài những vở kịch xuất sắc nước ngoài ra, tại Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ lần thứ 6 năm nay còn trình diễn những vở kịch do những nhà viết kịch chuyên nghiệp và nghiệp dư các địa phương Trung Quốc sáng tác.
D/H: Hơn thế nữa, Liên hoan sân khấu còn tổ chức 11 buổi thảo luận và 5 buổi nói chuyện hướng tới khán giả.
H/A: Chị Trương Hâm đang học ở trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh cho biết, mỗi năm chị đều đến Nhà hát Bồng Khao xem kịch khi diễn ra Liên hoan Sân khấu ngõ Nam La Cổ, thỉnh thoảng cũng tham gia một số buổi thảo luận và nói chuyện, cảm thấy hàng năm cứ đến thời gian diễn ra Liên hoan sân khấu, cuộc sống lại sôi động hẳn lên.
D/H: Ở Bắc Kinh, ngoài Nhà hát Bồng Khao ra, cũng có những nhà hát tương tự, có đặc sắc riêng như Làng sân khấu Phồn Tinh, Nhà hát Mộc Mã, Nhà hát Cổ Lâu Tây, v.v.
H/A: Nhiều người cho rằng, những nhà hát đặc sắc này là "phong cảnh" độc đáo ở thành phố Bắc Kinh có lịch sử lâu đời, nhưng đằng sau "phong cảnh độc đáo" này là hiện thực thiếu vốn.
D/H: Đợt đầu cải tạo và vận hành Nhà hát Bồng Khao, anh Vương Tường đã tự bỏ tiền đầu tư hơn 1,2 triệu Nhân dân tệ.
H/A: Vì trước kia anh đã đi nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ, lúc đó anh đã biết nghệ thuật chân chính không liên quan gì tới thương mại. Cho nên từ ban đầu anh đã biết rõ vốn đầu tư này không thu về được.
D/H: Nhân viên công tác Nhà hát Bồng Khao cho biết, nếu anh Vương Tường cho rằng vở kịch đó đặc biệt xuất sắc, anh sẽ không xem xét nhân tố thương mại mà kiên trì làm công tác quảng bá và giới thiệu.
H/A: Hơn thế nữa, Nhà hát Bồng Khao không thu tiền thuê sân khấu đối với tất cả các vở kịch trình diễn tại nhà hát, và miễn phí làm công tác quảng bá giới thiệu cho một số vở kịch.
D/H: Với quan điểm kinh doanh này, nhiều tác phẩm vốn không có cơ hội trình diễn công khai đã được ra mắt khán giả, nhiều bạn trẻ làm nghệ thuật sân khấu có được cơ hội biểu diễn trên sân khấu; nhiều vở kịch nước ngoài chỉ được một số ít khán giả yêu thích cũng được trình diễn ở đây.
H/A: Nhưng, đối với Nhà hát Bồng Khao hiện nay, mô hình này khiến nhà hát hoạt động hết sức khó khăn.
D/H: Để giảm thiểu sức ép kinh doanh, Nhà hát Bồng Khao đã kinh doanh thêm một số dịch vụ khác như mở quán cà phê, thậm chí cho thuê địa điểm khi không có chương trình biểu diễn, chẳng hạn như cho thuê địa điểm tổ chức đám cưới hoặc buổi nói chuyện v.v.
H/A: Mặc dù vậy, so với mục tiêu cân bằng thu chi vẫn còn khoảng cách rất lớn. Được biết, Nhà hát Bồng Khao hiện nay đang đối mặt với vấn đề thiếu 1 triệu Nhân dân tệ tiền vốn.
D/H: Trong tình hình khó khăn này, lại có một tin đáng lo, hợp đồng thuê nhà của Nhà hát Bồng Khao sang năm sẽ đáo hạn, chủ nhà đang dự định bán Tứ Hợp Viện này.
H/A: Điều khiến mọi người cảm thấy an ủi là, Nhà hát Bồng Khao đã nhận được sự mến mộ của nhiều khán giả.
D/H: Trong thời gian diễn ra Liên hoan sân khấu, 15 thực tập sinh và 30 người tình nguyện đã tham gia nhóm công tác gồm 8 người của Nhà hát Bồng Khao, cung cấp dịch vụ tại nhà hát.
H/A: Nhiều khán giả đến Nhà hát Bồng Khao xem kịch rồi quen nhau và trở thành bạn bè. Một số khán giả còn dẫn con cái đến đây xem kịch.
D/H: Chị Trương Hải Tĩnh làm công tác tư vấn, đến Nhà hát Bồng Khao xem kịch đã nhiều năm. Chị cho rằng, có những nhà hát lớn cũng nên có cả nhà hát nhỏ, giống như người ta vừa thích thưởng thức bữa cơm thịnh soạn, vừa thích món ăn đường phố dân dã.
H/A: Số liệu năm 2014 của Hiệp hội ngành biểu diễn sân khấu Bắc Kinh cho thấy, Bắc Kinh có 51 nhà hát cỡ vừa và nhỏ trong toàn bộ 130 nhà hát trình diễn các suất diễn nhằm mục đích kinh doanh.
D/H: Mặc dù năm ngoái các nhà hát nhỏ thực hiện doanh thu phòng vé khoảng 52 triệu Nhân dân tệ, nhưng vì phạm vi khán giả tương đối hẹp, giá thành thuê nhà gia tăng, một số nhà hát vẫn phải đối mặt với khó khăn sinh tồn.
H/A: Trên đây, Duy Hoa và Hùng Anh đã giới thiệu với quý vị và các bạn: Ước mơ sân khấu nơi ngõ vắng Bắc Kinh.
D/H: Quý vị và các bạn thân mến, tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay đến đây là hết, Duy Hoa cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.
H/A: Hùng Anh xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tiết mục "Tuần san Văn hoá" tuần tới.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |