150914/htna.m4a
|
Bốn gương mặt lưu học sinh Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Việt Nam đang du học tại Bắc Kinh
Tháng 9 này quả là một tháng có nhiều ngày lễ và niềm vui, này nhé các bạn hãy điểm xem, đầu tháng 9 là ngày khai giảng năm học mới của các học sinh lớn bé hai nước Trung-Việt; Ngày 2 tháng 9 là kỷ niệm 69 năm Quốc khánh Việt Nam; ngày 8 tháng 9 tức ngày rằm tháng 8 là Tết Trung thu của nhân dân hai nước Trung-Việt, ngày 10 tháng 9 là Ngày Nhà giáo Trung Quốc, và tất nhiên nhiều bạn đang có mặt bên máy thu thanh sinh nhật đúng vào tháng này. Tháng 9 là tháng vui bận rộn trong mùa thu vàng Bắc Kinh, tiết trời mát mẻ, hoa quả đủ loại, là mùa thu hoạch của các nhà nông. Đối với muôn vàn các bạn học sinh mà nói thì tháng 9 còn là thời điểm khởi bước phấn đấu cho một năm học mới, hoặc bắt đầu thực hiện lý tưởng ôm ấp bấy lâu nay của mình. Đặc biệt, có một cộng đồng may mắn, đó là các bạn học sinh lên đường ra nước ngoài du học để có được tương lai sáng sủa hơn. Rồi biết bao là khung cảnh bịn rịn tạm biệt cha mẹ, tạm biệt quê hương, chia tay với biết bao kỷ niệm của trường xưa bạn cũ để đến với một môi trường hoàn toàn mới trên đất khách quê người, rồi trước lạ sau quen, rồi qua một thời gian học tập lại thu hoạch thêm nhiều kiến thức mới nhiều kỷ niệm mới nhiều cảm xúc mới. Vậy cùng với ca khúc sinh viên Việt Nam có tên là Tạm biệt do giọng ca Quang Vinh trình bày, chúng ta cùng xum họp bên bến hẹn tình bạn Hộp thư Ngọc Ánh đầu tuần như thường lệ trong bốn mùa xuân ha ̣thu đông.
Trong chương trình Hộp thư Ngọc Ánh đặc biệt mừng Tết Trung thu phát vào giờ này tuần trước, Ngọc Ánh đã chia sẻ với các bạn tâm sự nỗi lòng nhớ quê hương và người thân của một số bạn lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường Đại học ở Bắc Kinh trong buổi lễ chào mừng 69 năm Quốc khánh Việt Nam ngay tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh. Buổi chuyện trò giữa Ngọc Ánh với các bạn lưu học sinh rất rôm rả, Ngọc Ánh đã mang theo câu hỏi của các bạn thính giả làm đầu đề của câu chuyện.
Ngọc Ánh đang lắng nghe Tiến sĩ Đào Ngọc Báu giới thiệu tình hình du học tại TQ
Bạn Đào Ngọc Báu nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Luật Kinh tế Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Lưu học Việt Nam tại Bắc Kinh là một thanh niên cởi mở và nhiệt tình. Tại hội trường buổi lễ chào mừng Quốc khánh Việt Nam tuy ồn ào, nhưng không ảnh hưởng lắm đến cuộc chuyện trò sau đây giữa bạn Đào Ngọc Báu với Ngọc Ánh:
Ánh: Xin hỏi em đến BK học tập bao lâu rồi?
Đào Ngọc Báu: Nếu tính cả thời gian học tiếng nữa thì em đến BK học tập đã được gần 4 năm rồi ạ, tính năm học là năm thứ tư rồi.
Ánh: Tin rằng trong bốn năm học tập tại Bắc Kinh, em đã tích góp và học được nhiều kiến thức, có những thay đổi khác với khi chưa đến TQ.
Ngọc Báu: Vâng, trước kia lựa chọn TQ để đến đây học, em đã rất yêu văn hóa và lịch sử của TQ và cũng rất ngưỡng mộ kỳ tích phát triển trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa của TQ. Tuy nhiên thời điểm đó ngôn ngữ chưa được tốt thành ra em chưa hiểu được hết tại sao người TQ lại có những kỳ tích phát triển được như vậy. Qua 4 năm học ở đây, ngôn ngữ đã tốt hơn, rào cản ngôn ngữ không còn là vấn đề nữa. Cộng với sự tìm hiểu học hỏi và dạy bảo của các thầy cô giáo, học hỏi từ bạn bè TQ thì em càng ngày càng hiểu hơn về lịch sử văn hóa TQ và cũng hiểu hơn nguyên nhân đã khiến cho TQ có những phát triển vượt bậc và nhanh chóng, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới hiện nay.
Ánh: Có lẽ em quan tâm hơn đến các lĩnh vực của TQ bởi vì nghe em vừa giới thiệu em đang theo học chuyên ngành Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Luật Kinh tế, như vậy thì em rất hay tìm hiểu và am hiểu về kinh tế TQ. Rất nhiều các bạn thính giả và cư dân mạng trẻ tuổi Việt Nam rất muốn tìm hiểu tình hình học tập ở trường TQ, phải chăng em có thể chia sẻ với các bạn về tình hình quá trình trình tiếp xúc với các bạn học và các thầy cô TQ?
Ngọc Báu: Các thầy cô giáo ở TQ cũng như các thầy cô giáo ở VN và các thầy cô giáo ở các nơi trên thế giới thôi, luôn luôn dành tình cảm yêu mến đối với các học trò của mình. Bằng kinh nghiệm của cá nhân em thì khi đến TQ ngoài sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các thầy cô giáo của nhà trường còn có được sự giúp đỡ của các bạn sinh viên TQ. Một kinh nghiệm là khi chúng ta mới đến, ngôn ngữ của chúng ta chắc chắn là chưa được tốt rồi, chúng ta có thể nghe giảng. Các thầy giảng chúng ta chưa hiểu được hết, nhưng mà, chúng ta cần có sự làm quen và giúp đỡ của các sinh viên TQ cùng lớp để các bạn đó giúp đỡ mình.
Ánh: Chị muốn hỏi thêm em rằng, rất nhiều bạn thính giả trẻ tuổi rất muốn sang TQ du học, đặc biệt là muốn đến Bắc Kinh du học, vậy em có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ này không?
Ngọc Báu: Đến BK du học có hai dạng khác nhau. Một là học bổng, hai là tự phí. Có lẽ ai cũng mong mình có điều kiện học bổng thì sẽ tốt hơn. Ở TQ hiện nay có rất nhiều loại học bổng. Có học bổng của Chính phủ TQ, gọi tắt là học bổng CSC; Có học bổng Khổng Tử; còn có học bổng Đông Nam Á, đó là Hội học bổng ASEAN dành cho sinh viên các nước ASEAN; ngoài ra còn có rất nhiều loại học bổng của các trường. Vậy thì, nếu các bạn muốn có suất học bổng của TQ thì các bạn hãy chịu khó lên mạng để tìm, một điều nữa là các bạn muốn tìm được thì các bạn cố gắng học tiếng Trung, học tiếng Trung thật tốt thì các bạn lên mạng tìm kiếm thông tin sẽ dễ hơn. Vì khi đến TQ học, tuy cũng có các hệ học bằng tiếng Anh, tuy nhiên đa phần học bằng tiếng Trung, và nếu nắm được tiếng Trung thì đó là một lợi thế tạo điều kiện để các bạn tranh thủ được xuất học bổng tốt hơn.
Ngọc Ánh đang lắng nghe tâm sự của bạn Nguyễn Thị Hải Yến tiến sĩ đang du học tại Bắc Kinh
Có lẽ trong ấn tượng của phần đông chúng ta là, lưu học sinh là những thanh niên trong giai đoạn đang yêu hoặc sắp yêu, có nghĩa là chưa thành lập gia đình chưa con cái. Nhưng bạn Nguyễn Thị Hải Yến Nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế trường Đại học Nhân dân Trung Quốc đã là người mẹ có hai con. Không những vậy, Hải Yến còn mang theo một con nhỏ của mình đến Bắc Kinh, vừa học vừa nuôi con.
Hải Yến: Em xin tự giới thiệu, em tên là Nguyễn Thị Hải Yến, năm nay là năm thứ nhất tiến sĩ của trường Đại Học Nhân dân. Em đến TQ đã hơn một năm rồi, em rất nhớ mọi người, và em có dự định Trung thu đón con sang bên này.
Ánh: Thế con em mấy tuổi rồi?
Hải Yến: Dạ, con em một bé năm tuổi và một bé ba tuổi ạ.
Ánh: Thế em đón cả hai bé sang à?
Hải yến: Không, em chỉ đón một bé thôi, tại vì bé đã theo em sang bên này học đã hơn một năm rồi, năm nay do em có việc phải quay trở lại, sau khi giải quyết xong việc là em dự định lại đón con sang đây vào ngày Trung thu.
N-Ánh: Thế em vừa học lại vừa phải nuôi con, có ảnh hưởng gì đến việc học tập không?
Hải Yến: Thực ra em nghĩ rằng, một người phụ nữ vừa nuôi con vừa đi học, nhất là học lên trình độ cao như thế này, lại thêm không biết tiếng như em, lại đem một đứa trẻ sang đây, đấy là điều rất vất vả và khó nhọc. Thế nhưng đối với phụ nữ Việt Nam chúng em thì việc vừa học vừa nuôi con là một nghĩa vụ rất thiêng liêng. Việc nuôi con cũng hỗ trợ cho em rất nhiều trong việc học ngôn ngữ, em có nhiều điều kiện để tiếp xúc với người dân bản địa, đặc biệt là những người Bắc Kinh để có thể nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |