Bạn Phạm Xuân Triển đã gửi tới chúng tôi một bài viết mang tên "Miền quê yêu dấu", nội dung cụ thể như sau:
Miền quê yêu dấu
Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hát vang rộn ràng
Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê
Bao năm qua cách trở đường xa xuôi ngược bôn ba
Ôi kỷ niệm yêu, mái tranh nghèo tỏa khói lam chiều
Còn nhớ nụ cười, câu ca mát rượi chứa chan lòng người
Đâu rồi ngày xưa, ai đón ai đưa nắng đượm chiều mưa
Quê hương ơi, ấm mãi đời tôi uống ngọt đôi môi
Thương quá là thương, tuổi thơ nào ngọt đắng vui buồn…
Giai điệu "Hình bóng Quê nhà" từ chiếc radio của bác tài mỗi lúc càng thêm ngọt ngào, sâu lắng khi chuyến xe khách từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Tam Bình, Vĩnh Long cũng đã khá trưa. Lần nào cũng vậy, tôi đều thật sự bồi hồi xúc động khi đứng trước ngôi nhà mái ngói thân yêu của ngoại với bờ rào được che chắn, đan xen bởi loài hoa dâm bụt bao phủ xung quanh. Đó là miền quê nghèo nằm giữa sông Tiền & sông Hậu đã cho tôi tiếng khóc chào đời, để rồi lớn lên theo năm tháng với biết bao kỷ niệm đong đầy. Khi tôi vừa tròn 9 tháng tuổi cũng là lúc ba me ly hôn, buồn thương cho số phận hồng nhang… mẹ quyết định không đi bước nữa, mà đem tôi về ở với ngoại từ ngày ấy. Một nắng hai sương, mẹ tần tảo nhọc nhằn nuôi tôi ăn học đến năm 12 tuổi, thì một căn bệnh ngặt nghèo không may ập đến…Trước hoàn cảnh túng bấn, ngoại đã lặng lẽ một mình ra phố huyện bán đi sợi dây chuyền vàng & chiếc lắc bạc- kỷ vật ngày xuất giá năm xưa của ngoại để có được chi phí cho tôi lên thành phố nhập viện. Nhờ tình thương yêu bao la của ngoại, khối u mới hình thành trong não nhanh chóng được phẫu thuật kịp thời & tôi đã bình phục trở lại chỉ sau một thời gian điều trị. Tôi vẫn còn nhớ ngoại & mẹ mừng vui đến không cầm được nước mắt trong ngày xuất viện: Nếu con có mệnh hệ nào, thì mẹ & ngoại có thể sống sao đây…Ân tình công lao trời biển này biết đến bao giờ tôi mới đền đáp được...Làng quê yên ả giữa hai mùa mưa nắng cho cuộc sống thanh bình êm trôi theo thời gian.Mỗi ngày sức khỏe ngoại càng yếu hơn, rồi đến lúc vừa đi học tôi phải cố gắng phụ giúp thêm công việc đồng áng…để mẹ có thời gian thuốc thang,chăm sóc cho ngoại được nhiều hơn. Sớm nhận thức & thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn, nỗi cô đơn trống vắng của mẹ…nên tôi luôn vui vẻ, chăm chỉ học hành không đua đòi chơi bời…như chúng bạn cùng trang lứa. Trong số một ít bạn bè thân thiết, có Thanh Trúc- cô bé hàng xóm học dưới tôi một lớp, do gần nhà thường xuyên qua lại mượn sách vở, có bài văn hay bài toán khó, tôi cũng sẵn lòng vui vẻ giảng giải chỉ dẫn tận tình cho cô ấy. Lâu dần tình cảm thêm gắn bó khi mỗi sáng chủ nhật hai đứa luôn không quên hẹn nhau cùng đi lễ giáo đường- như lời tha thiết mà Cẩm Ly vẫn hay hát trong ca khúc Hai mùa Noel :
Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu
Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh vang cầu
Nhìn nhau không nói lên câu
Vì biết nói nhau gì đâu
Mùa Noel qua chúng ta chia tay giã từ
Hẹn nhau năm tới khi Giáng Sinh về muôn nơi
Mình trao cho nhau hoa hồng nhẫn cưới thiệp hồng
Dìu nhau xem lễ đêm đông
Bên nhau muôn đời anh ơi…
Để rồi sau một mùa giáng sinh, nắm tay ngập ngừng chưa kịp ngỏ lời thổn thức từ trái tim đang bắt đầu xao xuyến rung động…thì Thanh Trúc đã từ biệt theo gia đình sang định cư ở Úc. Trong ánh mắt thơ ngây, cô bé còn ngoảnh lại nhoẻn miệng cười: -Em đi rồi, anh có nhớ em không? Nhớ đừng khóc đó nhen… Cảm ơn anh đã luôn chỉ bảo giúp đỡ em trong suốt thời gian qua, em sẽ mãi không quên anh & những tháng ngày sống ở quê nhà…Tôi bàng hoàng ngẩn ngơ, bởi từ giờ đã phải chia xa cách biệt hình bóng người bạn gái hàng xóm thân quen bấy lâu cùng chia xẻ buồn vui, trêu đùa hay giận hờn…với bao nhiêu kỷ niệm thơ ngây vụng dại mà lắng đọng ngọt ngào. Hơn một năm sau, nỗi nhớ Thanh Trúc mới dần phôi phai được phần nào, bởi từ đó tôi không hề nhận được thư từ tin tức gì về cô ấy cả; song trong thâm tâm tôi vẫn luôn nguyện cầu cho gia đình Thanh Trúc được an lành hạnh phúc nơi đất khách quê người.
Hơn 4 năm ở ký túc xá, vừa học vừa cố gắng làm thêm gia sư & một số công việc khác nữa trong khả năng, mới có đủ tiền đóng học phí cũng như phần lớn phải tự lo cho bản thân- bởi mẹ già yếu, còn ngoại thì đã mất khi tôi mới vào năm đầu đại học. Sau khi ra trường, vì điều kiện phải công tác xa nhà, nhưng tôi vẫn luôn tranh thủ dành thời gian về thăm mẹ, nhất là ngày giỗ ngoại -cho dù công việc có bận đến cỡ nào hay bất cứ lý do gì…để tôi có thể vắng mặt được. Dẫu thời gian có thể xóa đi những khổ đau mất mác…nhưng tình cảm yêu thương, nghĩa nặng thâm ân của Ngoại trong tôi vẫn mãi mãi đong đầy.Trong khói lam chiều, vệt nắng cuối trời đang tắt dần cho hoàng hôn bắt đầu buông xuống nơi làng quê tĩnh lặng. Đêm thao thức trăn trở, ôm ấp hồi tưởng khoảng trời bình yên trong ký ức êm đềm, khuôn mặt ngoại vẫn mĩm cười đôn hậu, hiền từ nắm tay tôi trong giấc ngủ chập chờn… Tiếng gà gáy vang xa đã làm tôi choàng tỉnh, trước ánh bình minh tràn trề sức sống, từng đàn chim bay lượn líu lo gọi bầy, những con sóng nhấp nhô vỗ về, tiếng bìm bịp kêu vang khi nước lớn nước ròng… Dạo bước trên con đường làng thân quen ngày xưa thường chạy nhảy vui đùa cùng Thanh Trúc mỗi lúc tan trường… với điệp khúc đầy kỷ niệm mà hai đứa vẫn thường hát cho nhau nghe:
Nhưng nay, mùa Noel đến rồi
Từng đêm anh thức nguyện cầu
Cầu cho hai đứa thương nhau
Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu
Nơi xưa mình anh đứng
Không thấy bóng em đâu
Nửa đêm tan lễ
Bước anh bơ vơ trở về
Chợt nghe nước mắt
Rơi ướt trên bờ môi khô
Rồi Noel qua
Bao mộng ước cũng qua rồi
Gặp nhau chỉ để thương đau
Yêu nhau chi rồi (sao đành) xa nhau ...
Ngước nhìn cảnh vật quê hương hôm nay đã có nhiều đổi thay khởi sắc, trào dâng niềm vui tự hào, xen lẫn nỗi buồn man mác… trong làn gió nhẹ cuối thu hòa quyện bởi hương cau ngào ngạt, bay bổng với câu hò…Gợi nhớ quê hương cất lên đâu đó mênh mang trên miền sông nước :
Ơ! ầu ơ, ví dầu thương những con đò bên hàng dừa xanh. Thương nhiều chiếc áo bà ba kĩu kịt gánh lúa lúc tan chợ chiều Bên mái tranh nghèo, nghe bìm bịp kêu con nước lên dòng. Thương đêm trăng rằm soi lối, âm thanh vọng giã gạo chày đôi. Đẹp lắm quê hương, thôn trăng tuyệt vời. Câu hát thay lời tình quê ngọt mời. Dù xa xôi nhớ ngày trong nôi. Nghe tình quê hương gọi mãi trong đời Dù xa xôi nhớ ngày trong nôi Nghe tình quê hương gọi mãi trong đời.
Nhớ ngoại bao nhiêu tôi càng thương mẹ bấy nhiêu! Lưng còng tóc mẹ đã bạc nhiều bởi một đời tảo tần không quản ngại vất vả, nhọc nhằn…chỉ mong cho tôi khôn lớn trưởng thành. Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ, tôi bất chợt nghe trong tim se thắt, nghèn ngẹn nơi cổ họng mình…: -Ngoại ơi con nhớ ngoại lắm! Đến giờ con phải đi đây,lần sau có dịp rảnh rỗi, nhất định con sẽ lại về thăm ngoại thăm mẹ…Vẫy tay tạm biệt Vĩnh Long. Chiếc xe buýt đã từ từ lăn bánh, để lại sau lưng khoảng trời quê hương đầy lộng gió- mảnh đất chin rồng nơi ấy có hình bóng của ngoại & những người thân yêu vẫn luôn dõi theo, che chở cho tôi như những ngày còn thơ ấu…
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/ 2013
PHẠM XUÂN TRIỂN
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |