htna
|
Ngọc Ánh xin tiếp bạn có nick toi_yeu_cri , trong thư viết:
Cháu chào cô Ngọc Ánh ạ. Cô còn nhớ cháu không? Đã lâu cháu không viết thư cho cô vì bận nhiều việc quá. Hôm nay cháu viết thư, mong cô giới thiệu về bài thơ "Thu hứng" và tác giả Đỗ Phủ. Cháu rất thích bài thơ này, khi đọc cháu cảm thấy buồn man mác. Hy vọng cô có thể đáp ứng đề nghị của cháu. Cháu cảm ơn cô ạ. Chúc toàn thể Ban Việt ngữ dồi dào sức khoẻ!
Ngọc Ánh: Vừa coi bức thư có nick toi_yeu_cri là Ngọc Ánh liền nhớ ra ngay đây là bức thư của bạn Phạm Ngọc Linh, ở huyện Thanh Miện, Hải Dương, một thính giả nhiệt tình, yêu đời, biết làm thơ và ham thích tìm hiểu học hỏi kiến thức. Bắc Kinh đã vào thu rồi, tiết trời đang mát dần, tin rằng bạn Ngọc Linh đang có mặt bên máy thu thanh, vậy thì sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài thơ "Thu hứng" của nhà thơ lớn Đỗ Phủ thời Đường Trung Quốc theo yêu cầu của bạn nhé.
Ngọc Linh thân mến, trong chương trình Văn nghệ cuối tuần, chúng tôi thường giới thiệu nhiều bài thơ cổ nổi tiếng Trung Quốc, trong đó có thơ của Đỗ Phủ. Về thân thế và sự nghiệp của Đỗ Phủ có thể nói là rất phong phú, sau đây chúng tôi xin giới thiệu sơ qua để bạn tham khảo
Thân thế và sự nghiệp của Nhà thơ lớn Đỗ Phủ
Đỗ Phủ sinh vào năm 712 và mất vào năm 770 công nguyên. Từ thuở nhỏ Đỗ Phủ đã rất thông minh, lúc 7 tuổi, ông đã biết làm thơ, sau khi trưởng thành ông thông thạo thư pháp, hội họa, âm nhạc, cưỡi ngựa và chơi gươm. Năm 19 tuổi, ông bắt đầu chu du thiên hạ, sống cuộc sống lãng mạn, ăn chơi phiêu bạt. Quãng thời gian đó chính là thời kỳ phồn vinh nhất của đời nhà Đường, Đỗ Phủ thăm nhiều danh lam thắng cảnh, kiến thức ngày càng sâu rộng, viết ra câu thơ nổi tiếng hàng nghìn năm là "Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiểu".
Giống như nhiều nhà văn khác, Đỗ Phủ cũng mong đi lên con đường làm quan, ông không ngừng làm thơ và tham gia hoạt động xã giao với các nhà quyền quý, tham gia thi khoa cử, nhưng bị thất bại nhiều lần. Lúc trung niên, Đỗ Phủ sống cuộc sống nghèo khó ở Trường An, kinh đô nhà Đường, ông tận mắt chứng kiến cảnh những kẻ quyền quý ăn chơi xa xỉ và cảnh thê thảm người nghèo chịu rét chết đói trên đường phố, ông viết ra lời răn "Chu môn tửu nhục xú, lộ hữu đống tử cốt". Trải qua sự ngã lòng trầm luân trên con đường làm quan và cuộc sống đói rét khổ cực, Đỗ Phủ nhận thức sự hủ bại của kẻ thống trị và nỗi đau khổ của nhân dân, khiến ông dần dần trở thành một nhà thơ lo việc nước lo việc dân.
Năm 755 công nguyên, Đỗ Phủ 43 tuổi được nhậm một chức quan, nhưng một tháng sau, nhà Đường xảy ra phiến loạn chiến tranh. Trong thời kỳ này, Đỗ Phủ trôi giạt nơi đây mai đó, trải qua nhiều gian nan, nhận thức tỉnh táo hơn đối với hiện thực. Ông sáng tác những bài thơ nổi tiếng như "Thạch Hào Lại", "Đồng Quan Lại", "Tân An Lại", "Tân Hôn Biệt", "Thùy Lão Biệt" và "Vô Gia Biệt", bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc đối với nhân dân và phẫn nộ đối với chiến tranh của nhà thơ.
Năm 759 công nguyên, Đỗ Phủ hoàn toàn thất vọng đối với chính trị, từ quan về quê. Lúc bấy giờ, Trường An đang bị hạn hán, Đỗ Phủ nghèo đến nỗi không thể sống nổi, bèn dẫn người nhà lưu vong đến Thành Đô ở miền tây nam Trung Quốc. Được sự cứu tế của bạn bè, Đỗ Phủ sống cuộc sống ẩn dật 4 năm. Trong cảnh nghèo khó, Đỗ Phủ viết bài thơ "Lều tranh bị cơn gió mùa thu phá hoại", miêu tả hoàn cảnh khốn khổ của cả gia đình, và từ từng trải thiết thân của mình nghĩ đến cảnh ngộ của người khác, khát khao có hàng chục triệu căn nhà để giúp những người nghèo chịu rét chịu đói trong thiên hạ thoát khỏi nỗi đau khổ, thậm chí ông muốn hy sinh cá nhân để đổi lấy nụ cười của những người nghèo trong thiên hạ. Bài thơ vớí tình cảm sâu sắc thể hiện tinh thần cao cả của nhà thơ.
Năm 770 công nguyên, Đỗ Phủ 59 tuổi mất trên đường lưu vong bởi bần cùng và bệnh tật. Đỗ Phủ để lại hơn 1400 bài thơ, phản ánh sâu sắc, toàn diện diện mạo xã hội nhà Đường trong hơn 20 năm phiến loạn chiến tranh, từ thời kỳ phồn vinh đến thời kỳ suy sụp, áng văn hoành tráng như sử thi. Thơ của Đỗ Phủ có kết cấu đa dạng, ông học tập ưu điểm của người khác, dung hợp hình thức kể chuyện, ký sự, trữ tình và bình luận, thơ có nội dung sâu rộng, tình cảm chân thành nồng nàn; về mặt nghệ thuật, ông không những thu góp lại cái hay của thơ ca cổ điển, mà còn sáng tạo và phát triển, đã mở rộng lĩnh vực thơ ca về mặt nội dung và hình thức. Năm 766 tại Tứ Xuyên, Đỗ Phủ làm tám bài "Thu hứng" (Thu hứng bát thủ 秋 兴 八 首).
秋兴- 其一
杜甫 --唐
玉露凋伤枫树林,巫山巫峡气萧森。
江间波浪兼天涌,塞上风云接地阴。
丛菊两开他日泪,孤舟一系故园心。
寒衣处处催刀尺,白帝城高急暮砧(zhēn)
Thu hứng -Kỳ một
Đỗ Phủ -Đường
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm
Cảm xúc mùa thu -Kỳ một
Bản dịch của Nguyễn Công Trứ
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |