Tâm sự của bạn Trần Tuấn Long sinh viên chuyên ngành tiếng Việt Nam trường Đại học Ngoại ngữ và Ngoại Thương Quảng Đông
Bạn Tuấn Long
Em tên là Trần Tuấn Long, quê ở thành phố Khiết Dương, tỉnh Quảng Đông, sinh viên năm thứ ba chuyên ngành tiếng Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ- Ngoại thương Quảng Đông.
Trường Đại học Ngoại ngữ- Ngoại thương Quảng Đông là một trong những trường đại học ngoại ngữ nổi tiếng của Trung Quốc, ở thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông.
Là trường đại học chuyên về nghiên cứu và giảng dạy, mang đậm đặc sắc quốc tế hóa rõ rệt, và còn là một cơ sở quan trọng đào tạo nhân tài ngoại ngữ chuyên nghiên cứu về văn hoá và ngôn ngữ nước ngoài.
Trước đây, trường em chỉ chuyên về dạy ngoại ngữ, gọi là Trường Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông, theo đà kinh tế thương mại Trung Quốc không ngừng phát triển, ngày càng cần nhiều đến nhân viên chuyên ngành ngoại thương, ngoài chuyên ngành ngoại ngữ, nhà trường đã mở rộng phạm vi và số lượng chuyên ngành đào tạo nhân tài. Hiện nay, trường của em tất cả có 21 chuyên ngành và một học viện có tên gọi là Học viện Thương mại Nam Quốc với 56 môn chuyên ngành, trong đó có 14 thứ tiếng nước ngoài đó là: tiếng Anh, tiếng Việt Nam, tiếng In-đô-nê-xi-a, tiếng Nhật v.v.
Hiện nay, em đang học ở khoa tiếng Việt, Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông. Hàng năm trường đều tuyển sinh chuyên ngành tiếng Việt. Lớp em có 14 sinh viên. Khoa tiếng Việt của trường em hiện có 7 giáo viên Trung Quốc, tuy là người Trung Quốc, nhưng trình độ tiếng Việt của các thầy cô giáo rất cao, rất am hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số giáo viên Việt Nam đến hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Việt, đặc biệt là uốn nắn phát âm cho chúng em.
Trước khi đỗ vào đại học Ngoại ngữ Thương mại Quảng Đông, tuy có biết Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng em không am hiểu lắm đối với tình hình các mặt của Việt Nam, em cũng không ngờ mình lại đỗ và theo học chuyên ngành tiếng Việt, vì lúc đó em chưa biết liệu mình có hứng thú với tiếng Việt hay không, nhưng rồi em tự nhủ rằng, đỗ vào chuyên ngành này thì cứ học. Và rồi em nghĩ có lẽ kiếp này mình có duyên với đất nước Việt Nam.
Bạn Tuấn Long tại phòng thu CRI
Thế rồi từ xa lạ đến bậm bẹ tập phát âm, rồi lại tập đánh vần, sau một thời gian học tập và phát âm em phát hiện mình dần dần yêu thích tiếng Việt và muốn học cho tốt, mong rằng một ngày nào đó có thể hiểu nhiều hơn không những là ngôn ngữ mà còn là lịch sử, văn hoá, đất nước và con người Việt Nam bằng thứ ngôn ngữ mà mình đã học, và càng mong ước có dịp đặt chân lên đất nước Việt Nam, mắt thấy tai nghe quang cảnh và con người Việt Nam.
Sau 1 năm học tiếng Việt, em tìm hiểu được rất nhiều về Việt Nam, như địa lý, văn hoá, lịch sử, chính trị v.v, biết rằng Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" của Trung Quốc, trong quá trình học, em còn quen biết một số bạn lưu học sinh cùng lứa với em du học tại trường Đại học Ngoại thương Quảng Đông.
Thế rồi em đã thực hiện ước mơ của mình là đi du học Việt Nam. Cơ hội đã đến, đó là măm 2010, em rất hân hạnh được làm tình nguyện viên Đại hội Thể dục thể thao châu Á lần thứ 16 tại Quảng Châu, và có dịp phỏng vấn và tiếp xúc với các cầu thủ bóng đá Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Khi đó, các cầu thủ Việt Nam đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Em cảm thấy họ rất yêu nghề, rất đam mê bóng đá. Người Việt Nam thật là cuồng nhiệt với bóng đá.
Ngoài giờ học ra em còn rất thích đọc sách và tham gia các hội sinh viên của nhà trường. Ví dụ như: Em từng là người phụ trách và là phóng viên của Thông tấn xã Học viện, là người phụ trách niên khóa 2009, đồng thời cũng là Bí thư chi bộ Đảng sinh viên nhà trường. Trong những hoạt động này, em thu hoạch nhiều kinh nghiệm hoạt động xã hội và các kiến thức sinh động ngoài sách giáo khoa, đặc biệt là tính năng động và khả năng về giao tiếp với mọi người và ứng xử trong công việc. Em thấy 5 năm trong quãng đời sinh viên của mình thật là phong phú đa dạng, thú vị và có nhiều thu hoạch.
Em nhớ là khi đại học năm thứ 2, em từng được cấp học bổng Tổng hợp nhà trường, học bổng Quốc gia, và học bổng trao đổi giữa Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam. Chính vì được cấp suất học bổng trao đổi này, em mới có dịp được sang Việt Nam du học một năm.
Em rất may mắn được vào học tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong thời gian du học, em đã được các thầy cô giáo Việt Nam tận tình hướng dẫn, các thầy cô rất yêu nghề, quan tâm chu đáo các sinh viên, đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc và kỷ niện khó quên.
Sau một năm du học tại Hà Nội , trình độ tiếng Việt của em như đọc viết và đối thoại giao tiếp đã được nâng cao rất nhiều. Em sẽ không bao giờ quên ơn các thầy cô Việt Nam từng dạy em.
Ngoài học tập ở trường ra, em rất may mắn có dịp đến thực tập tại Đài Tiếng nói Việt Nam, em đã có ấn tượng bước đầu đối với truyền thông báo chí phát thanh, quãng đời sinh viên du học của em chính vì thế mà càng thêm phong phú và có ý nghĩa.
Vào những ngày nghỉ, em đã tranh thủ đi du lịch Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang, Mũi né, T.P Hồ Chí Minh. Nha Trang và Mũi Né đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em, nếu sau này có dịp em chắc chắn sẽ đi thăm lại hai nơi này. Qua chuyến đi thực tế như vậy, em đã trực tiếp và đi sâu hơn tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam.
Thật là may mắn cho em là trong thời gian du học tại Việt Nam, em gặp và quen biết chị Chu Kiếm Phong, biên tập viên Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng sang Hà Nội du học. Chị đã giới thiệu cho em biết đến Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng như các bạn thính giả Việt Nam nhiệt tình. Từ đó em ước ao sau khi về nước sẽ tranh thủ đến Bắc Kinh, đến thực tập tại Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Sau một quá trình cố gắng tranh thủ, em đã theo chị Kiếm Phong lên Bắc Kinh và được phép đến Ban tiếng Việt Nam Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc thực tập.
Đây là lần thứ hai em may mắn được đến cơ quan truyền thông thực tập, trong thời gian du học em đã đến Đài Tiếng nói VN, lần này là đến Đài Phát thanh Quốc tế TQ. Trong một tháng thực tập tại Ban Tiếng Việt Nam, em đã có dịp tiếp xúc và học hỏi các phát thanh viên, biên dịch viên của Đài như các chị Yến Hoa, Ngọc Ánh, Lệ Quyên, Duy Hoa , Hải Vân, cô Phi Yến, thầy Hùng Anh, anh La Thành, Nam Dương ... mà rất nhiều bạn thính giả Việt Nam đã rất đỗi quen thuộc. Trong những ngày thực tập tại Đài Phát thanh Quốc tế, em chứng kiến quang cảnh làm việc bận rộn thậm chí căng thẳng của các anh chị Ban tiếng Việt Nam. Công việc ở Đài Phát thanh không đơn giản chút nào. Hơn nữa, công việc phiên dịch, phát thanh đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Trong thời gian thực tập lần này, em chủ yếu tự học và đối chiếu những bản đã dịch xong, tích lũy từ ngữ, và bắt tay vào tập dịch một số tin ngắn, vào phòng phát thanh xem các anh chị dẫn chương trình. Em xin bật mí với các bạn nhé, "Chương trình văn nghệ cuối tuần" trên sóng Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc giới thiệu về ông Trần Bình, thí sinh đăng ký tham dự Cuộc thi " Tiếng hát Hữu nghị" khu vực thi trên mạng là do em phỏng vấn và viết bài đấy.
Ngọc Ánh và Tuấn Long
Vậy là sắp đến ngày khai giảng năm học mới rồi, chẳng còn mấy ngày nữa là em đã phải trở về Quảng Châu tiếp tục hoàn thành năm cuối đại học. Tuy em thực tập tại Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc vẻn vẹn có 1 tháng, nhưng em học được rất nhiều kiến thức mà em không thể học được ở nhà trường. Em hết sức cảm ơn sự giúp đỡ vô tư của tất cả các thầy cô anh chị của Ban tiếng Việt Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc.
Sau khi về nước, em vẫn có liên hệ với các bạn Việt Nam và các bạn Trung Quốc vẫn còn đang du học tại Việt Nam. Hôm nay em muốn thông qua "Hộp thư Ngọc Ánh" Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc gửi lời hỏi thăm và lời chúc tốt đẹp tới cô Nguyễn Thị Bích Nga, thầy Trần Nhật Chính, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và các anh chị làm việc tại Đài Tiếng nói VN cũng như các bạn VN như Anh, Sơn,... các bạn Trung Quốc vẫn còn lưu học tại Hà Nội như Tăng Quốc Thịnh, Liêu Tuyết Cần, Lý Anh,.... Trường Đại học Hà Nội.
Trong thời gian học tại Việt Nam, các bạn đã đưa em đi thăm quan nhiều nơi, chuyện trò tâm sự, khiến khẩu ngữ tiếng Việt của em đã được nâng cao rất nhiều, chúng em đã trở thành những người bạn tốt của nhau. Qua "Hộp thư Ngọc Ánh", Trần Tuấn Long xin cảm ơn các bạn, Long sẽ không bao giờ quên các bạn, mong không bao lâu nữa lại có dịp gặp các bạn bất kể là ở Trung Quốc hay Việt Nam.
Nhân đây, em cũng mong thông qua "Hộp thư Ngọc Ánh" Đài Phát thanh Quốc Trung Quốc làm quen với các bạn thính giả nhất là các bạn trẻ Việt Nam cùng độ tuổi với em. Các bạn Việt Nam thân mến, hoan nghênh các bạn viết thư điện tử bằng tiếng Việt hay tiếng Trung Quốc cho Trần Tuấn Long theo địa chỉ e-mail: 987975712@qq.com
Mong tình bạn giữa thế hệ trẻ hai nước Trung-Việt được mở rộng và gắn bó. Chúc các bạn sinh viên Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành quả kiến thức trong quãng đời đại học
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |