Minh Trang và các bạn quốc tế trên Thủy Liêm Động
Ngày 7 tháng 12 năm 2011
8:30 Tàu đến thành phố Vũ Di Sơn.
Nếu Hạ Môn đón chúng tôi với nắng vàng và gió biển thì Vũ Di Sơn lại chào mừng đoàn khách quý chúng tôi bằng mưa phùn gió núi. Nam hướng dẫn viên của Vũ Di Sơn hóm hỉnh lý giải thời tiết hôm nay bằng một câu tục ngữ đại ý "Quý nhân đến gió mưa chào đón", và gọi chúng tôi là những quý nhân. Đoàn vào nghỉ tại khách sạn Bảo Đảo ở trung tâm thành phố. Sắp xếp xong hành lý, chúng tôi lập tức lên xe thăm Thủy Liêm động, một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của tỉnh Phúc Kiến. Từ điểm dừng xe, chúng tôi đi bộ xuyên rừng khoảng hai km, rồi leo hai trăm bậc thang đá để lên động. Thủy Liêm động là một khoảnh đất bằng phẳng dưới vòm đá rộng lớn, đường kính trong động ước chừng vài chục mét, từ mặt đất nhìn lên nóc động cao vời vợi. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên, chiều cao động khoảng hơn trăm mét, xung quanh là vách đá dựng đứng, từ đỉnh vách đá mọc lên những loại dây leo buông xuống tạo thành một bức tường dây leo. Những giọt nước trong suốt từ trên nóc động rơi xuống trông như những giọt bạch ngọc. Chúng tôi cố gắng hít thở thật mạnh để được hấp thu không khí mát lạnh của đá và hương thơm của hoa lá quanh động. Hai bạn đến từ Đức và Cu-ba đã ngắt lá làm kèn. Nhiều bạn thi nhau nói lớn tiếng vào vách đá để nghe tiếng núi vọng lại. Được biết mùa mưa, nước từ trên đỉnh động đổ xuống tạo thành bức mành nước khổng lồ trong suốt, chính vì thế mà có tên là "Thủy Liêm Động".
Minh Trang trên núi Võ Di Sơn
Buổi chiều chúng tôi thực hiện một chuyến phiêu du trên dòng suối lớn mang tên Cửu Khúc khê, nghĩa là suối chín khúc, bởi nó chảy qua chân chín ngọn núi lớn. Chúng tôi phiêu du trên suối chỉ bằng bè tre. Mỗi bè có hai thợ chống chèo và sáu ghế ngồi cho khách, khách ngồi trên bè đều được khoác áo phao màu cam, nổi bật trên màu xanh của nước suối và cây rừng. Hàng trăm chiếc bè nối nhau trôi theo dòng suối, tạo thành một bức tranh màu rực rỡ giữa hai bên vách đá. Gió núi hương rừng, khí lạnh của đá khiến du khách thoải mái nhẹ nhàng. Các bạn Trung Quốc cao hứng hát vang những bài dân ca Quảng Tây không khác gì ở sông Ly, Quế Lâm, Quảng Tây.
Một ngày ở Vũ Di Sơn đầy ấn tượng.
Minh Trang và bạn Tuy-ni-di Nadham Feki
Ngày 8 tháng 12 năm 2011
Sáng nay chúng tôi đến Nhất Tuyến Thiên, một đường khe xẻ đôi trái núi khổng lồ. Cửa núi là một động đá tương đối rộng có thể chứa hàng trăm người, đi vào trong là khe đá hẹp chạy dọc núi mấy trăm mét. Đường khe chỉ đủ để một người đi qua, người nọ bám sát người kia. Trên các bậc đá gập ghềnh, mỗi bậc chỉ đủ để đặt một bàn chân. Ngửa mặt nhìn lên chỉ thấy một vệt sáng giữa hai vách đá cao ngất. Có những đoạn khe hẹp chỉ khoảng bốn mươi phân, người đi phải nghiêng mình lách qua, có lúc phải bật đèn điện thoại di động để soi đường. May mà khe đá nứt từ dưới lên đỉnh động, nên không khí vẫn thông thoáng. Ngọc Ánh nắm chặt tay tôi dắt đi từng bước. Ra khỏi khe núi, lại theo bậc thang đá dốc xuống đến cửa rừng, mọi người đều hể hả sau chuyến xuyên qua khe "Nhất Tuyến Thiên" một cách ngoạn mục. Các bạn đùa vui xoa bụng béo của anh người Đức khen anh giỏi lách qua được khe hẹp. Còn hai bạn U-crai-na và Tuy-ni-di thì còn hứng thú vòng lại xuyên qua khe đá lần thứ hai.
Một số bạn nước ngoài du ngoạn trên dòng suối chín khúc
Buổi chiều, điểm đến của chúng tôi là khu Di sản Văn hóa và tự nhiên Vũ Di Sơn. Toàn khu là một lâm viên sơn thủy tự nhiên của ba sáu ngọn núi và chín chín tảng nham thạch. Với Cửu Khúc khê dưới chân núi. Bàn tay diệu kỳ của tạo hóa đã tạo nên một toà thiên nhiên cho thế giới vạn vật, nơi đây được mệnh danh là thiên đường của các loại chim, quốc vương của rắn, thế giới của côn trùng và kho báu của sản vật.
Trời mưa phùn lất phất, nhìn ngọn núi cao hơn bốn trăm mét so với mặt biển, muốn lên đến Thiên du đỉnh trên ngọn núi phải vượt qua 888 bậc thang đá, nhiều người sợ chẳng dám lên, nhưng cả đoàn vẫn che ô hoặc khoác áo mưa vượt dốc.
Xuống khỏi phong cảnh đài, chúng tôi theo đường rừng trở lại điểm đậu xe để đến thăm một vùng lâm thổ được gọi là "cái nôi của trà Đại Hồng Bào".
Dọc theo một vạt trà xanh biếc giữa thung lũng của hai dãy nham thạch, chúng tôi đi khoảng hai cây số gặp một dãy núi chắn ngang làm bức tường ranh giới của khu thung lũng trà.
Bốn bề đều là núi đá, ở giữa là một đồng bằng màu mỡ. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên thì khu này được gọi là "Cửu Long sơn ", vì xung quanh có chín quả núi đá như chín con rồng chụm đầu nhìn xuống đồng bằng nhỏ bé này. Quanh năm mưa thuận gió hòa, hè không nóng, đông không lạnh, nước từ các vách chảy xuống đủ tưới cho cây.
Trà ở đây không cần phân bón, tưới nước. Người ta nhân giống từ những cây trà cổ có lịch sử lâu đời nhất.
Từ thung lũng chúng tôi phải ngửa mặt nhìn lên mới thấy sát vách đá trên cao có một mô đá nhô ra, trên mô đá ấy có ba cụm cây trà, đó chính là ba cây trà cổ đã có hơn 360 năm tuổi.
Minh Trang trao đổi với cán bộ CRI
Cái tên phiên âm Trung Quốc "Dà hóng páo", tức Đại Hồng Bào, gắn liền với câu truyện truyền thuyết như sau: Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một tú tài lên Kinh thi cử, đi qua Vũ Di Sơn, chàng lâm bệnh, may có lão Phương Trượng chùa Thiên Tâm phát hiện, pha một bát trà cho chàng uống, bệnh chàng khỏi ngay. Khi từ biệt, lão Phương Trượng tặng chàng một gói trà nhỏ, dặn chàng cất giữ cẩn thận, sau này sẽ dùng tới. Về sau chàng thi đỗ Trạng nguyên, được làm phò mã. Mãi cho đến một bận, Hoàng hậu bị đau bụng, chàng bỗng nhớ đến gói trà nọ. Sau khi pha trà, Hoàng hậu uống xong, bệnh tình khỏi ngay. Nhà vua vui mừng, liền lệnh cho Trạng nguyên đến Vũ Di Sơn làm lễ cảm tạ. Người dân địa phương ồ ạt ra nghênh đón, lão Phương Trượng tháp tùng chàng đến vách núi, trên mọc ba cây trà đang lên xanh tốt, mầm non mơn mởn. Lão Phương Trượng nói với chàng rằng, năm ngoái pha lá trà này chàng uống mới khỏi bệnh. Chàng lệnh cho phu kiệu chàng lên, rồi chàng phủ cả chiếc Hồng Bào mà nhà vua ban tặng lên khóm trà này tượng chưng cho ơn vua ban tặng. Lạ thay, khi chàng lật chiếc Hồng bào lên, thì ba cây trà này phát ra những tia sáng màu đỏ dưới ánh nắng mặt trời, từ đó mọi người liền gọi tên của ba cây trà này này là "Dà Hóng Páo", tức Đại Hồng Bào.
Cả Đoàn chúng tôi trở về làng trà dưới chân núi để thưởng thức các loại trà chính gốc bản địa Vũ Di Sơn.
Ngoài trà Ô long và trà Đại Hồng Bào là hai loại sản phẩm chính về trà ra, Vũ Di Sơn còn nổi danh với nấm hương đỏ, nấm bạch thảo, mộc nhĩ, măng trúc ngọt, thịt gà rừng...
Tám giờ tối chúng tôi mới về đến khách sạn, dùng các món ăn đặc sản của Vũ Di Sơn.
Đúng như lời của hướng dẫn viên du lịch: Người dân Vũ Di Sơn có được thân hình vạm vỡ, chắc khỏe là bởi họ được hưởng "Di sơn tam bảo", đó là:
Ăn những sản phẩm mọc từ núi đá.
Uống nước mạch chảy từ núi đá.
Hít thở không khí hương rừng núi đá.
Nhưng tôi thấy họ còn có một vật báu, đó là những phong cảnh do núi đá tạo lên, đem đến cho họ món ăn tinh thần vô giá. Thiên nhiên đã ban tặng cho Vũ Di Sơn một bức tranh tuyệt mỹ, trở thành di sản thiên nhiên của nhân loại.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |