Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc ngày 13/6 công bố số liệu cho thấy, tháng 5, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng, việc làm, v.v. đều cơ bản duy trì ổn định. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh kết cấu cũng như chuyển đổi mô hình và nâng cấp được thúc đẩy vững chắc. Nửa cuối năm nay, kinh tế Trung Quốc có triển vọng tiếp tục duy trì xu thế phát triển "nhìn chung bình ổn, tiến lên trong ổn định".
Ngày 13/6, tại cuộc họp báo của Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc, Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc đã công bố tình hình vận hành kinh tế quốc dân Trung Quốc trong tháng 5. Người phát ngôn Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc Thịnh Lai Vận đã khái quát tình hình vận hành kinh tế Trung Quốc trong tháng 5 bằng cụm từ "nhìn chung bình ổn, tiến lên trong ổn định". Trong đó, "ổn định" chủ yếu thể hiện ở 5 mặt gồm sản xuất công nghiệp, phát triển ngành dịch vụ, thị trường tiêu thụ, việc làm và vật giá. Ông nêu rõ, "tiến lên" chủ yếu thể hiện ở việc điều chỉnh kết cấu cũng như chuyển đổi mô hình và nâng cấp đều được thúc đẩy vững chắc. Ông nói:
"Việc điều chỉnh kết cấu ngành nghề tiếp tục thu được tiến triển mới. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ nhanh hơn ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành chế tạo trang thiết bị tiên tiến tăng nhanh rõ rệt, tỷ trọng cũng tiếp tục được nâng cao; kết cấu đầu tư được ưu hóa dần".
Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương cuối năm ngoái xác định, Trung Quốc năm nay sẽ đẩy nhanh cải cách kết cấu khung cung ứng, và xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trong cải cách là "đào thải năng lực sản xuất dư thừa", "loại bỏ rào cản", "giảm lượng tồn kho", "hạ giá thành" và "bù lấp điểm yếu". Ông Thịnh Lai Vận cho rằng, một số chỉ tiêu kinh tế công bố cùng ngày cũng cho thấy, cuộc cải cách kết cấu khung cung ứng của Trung Quốc đã thu được thành quả bước đầu.
Ông Thịnh Lai Vận chỉ rõ, hiện nay, kinh tế Trung Quốc "trên có áp lực, dưới có nâng đỡ". Về mặt quốc tế, thời gian qua, Ngân hàng Thế giới một lần nữa hạ dự báo về mức tăng kinh tế thế giới, chứng tỏ kinh tế Trung Quốc đứng trước sức ép to lớn từ bên ngoài. Về mặt trong nước, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ then chốt điều chỉnh kết cấu, cơn đau do ba thời kỳ gồm thời kỳ thay đổi tốc độ tăng trưởng, thời kỳ điều chỉnh kết cấu và thời kỳ "tiêu hóa" chính sách kích thích tiền kỳ gộp lại vẫn sẽ tiếp tục. Mặc dù sẽ mang lại sự thay đổi tích cực đối với nền kinh tế, nhưng xét về ngắn hạn, "đào thải năng lực sản xuất dư thừa" và "giảm lượng tồn kho" sẽ gây áp lực nhất định đối với tăng trưởng kinh tế trên mức độ nhất định.
Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng cũng tồn tại song song sự nâng đỡ đối với kinh tế Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc có năng lực duy trì mức tăng bình ổn và khá nhanh. Ông nói:
"Trung Quốc chưa hoàn thành công nghiệp hóa và đô thị hóa, ưu thế về sau của khu vực miền Trung và miền Tây Trung Quốc tương đối lớn. Ngoài ra, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn then chốt nâng cấp kết cấu tiêu dùng, có nhu cầu và không gian hết sức rộng lớn trong các mặt du lịch, dưỡng lão, chăm sóc sức khoẻ, y tế, cải thiện môi trường, v.v., tiềm năng tăng trưởng to lớn. Xét từ các nhân tố này, trong giai đoạn tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì xu thế phát triển 'nhìn chung bình ổn, tiến lên trong ổn định' từ đầu năm đến nay".