Trung Quốc năm nay dự định tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho 10 nghìn nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể tại 57 trường đại học, nhằm giúp họ nâng cao tố chất văn hoá nghệ thuật, trình độ thẩm mỹ và khả năng sáng tạo. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tăng thêm ngân sách để trợ cấp cho các nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể cấp quốc gia triển khai hoạt động kế thừa và tôn vinh, mức trợ cấp sẽ từ mỗi người mỗi năm 10 nghìn Nhân dân tệ trước đây tăng lên đến 20 nghìn Nhân dân tệ.
Mới đây, Học viện Mỹ thuật Đại học Thanh Hoa đã tổ chức hội nghị báo cáo thành quả tập huấn, đào tạo cho các nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể. Hơn 300 di sản phi vật thể trong đó bao gồm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt gấm, dệt bông, thêu thùa, tranh tết, tranh cắt giấy, sơn mài, gốm sứ, v.v đã được giới thiệu tại hội nghị. Những tác phẩm này đều thuộc di sản phi vật thể do các nghệ nhân tham gia lớp tập huấn, đào tạo của Học viện Mỹ thuật Đại học Thanh Hoa chế tác. Ông Tào Kiến Cần, nghệ nhân kế thừa công nghệ làm giấy dó đời thứ 27 tham gia lớp tập huấn cho phóng viên biết, lớp tập huấn đã khiến ông thu hoạch được rất nhiều, vừa kế thừa được kỹ nghệ, lại mở mang tầm mắt và tư duy.
"Tầm mắt của các thầy giáo rất rộng mở, họ bảo loại giấy dó này của ông liệu có thể in nhuộm như vải được không, để cho ra một cảm giác hoàn toàn mới. Họ còn đưa những nguyên tố mới từ các góc độ thiết kế, nguyên liệu, v.v vào trong công nghệ làm giấy dó truyền thống của tôi".
Trong khoảng một tháng rưỡi tập huấn, những nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể như ông Tào Kiến Cần đã cùng với thầy trò Học viện Mỹ thuật Đại học Thanh Hoa học hỏi lẫn nhau, đi sâu giao lưu trao đổi. Ban tổ chức dự án tập huấn, đào tạo nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể Trung Quốc còn xây dựng mặt bằng học thuật và tài nguyên xã hội phong phú cho những nghệ nhân kế thừa này, triển khai một loạt hoạt động trong đó bao gồm trình diễn các di sản phi vật thể, tổ chức diễn đàn, các nghệ nhân kế thừa lên bục giảng, v.v.
Từ năm 2015, Bộ Văn hoá Trung Quốc đã khởi động công tác thí điểm "Chương trình tập huấn đào tạo cho các nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể". Học viện Mỹ thuật Đại học Thanh Hoa chính là một thí điểm trong chương trình tập huấn đào tạo này. Điểm nhấn của chương trình này là các dự án đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, ủy thác cho các đơn vị tổ chức như các trường đại học tiến hành tập huấn, đào tạo cho các nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể.
Ngoài triển khai các lớp tập huấn, đào tạo ra, từ năm nay ngân sách trung ương sẽ tăng thêm trợ cấp cho các nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể cấp quốc gia triển khai các hoạt động truyền dạy và kế thừa. Tiêu chuẩn trợ cấp cũng từ mỗi người mỗi năm 10 nghìn Nhân dân tệ trước đây tăng lên đến 20 nghìn Nhân dân tệ. Ông Mã Thịnh Đức, Tuần thị viên Vụ Di sản văn hoá phi vật thể Bộ Văn hoá Trung Quốc cho biết:
"Dự án trợ cấp này chủ yếu dùng cho các nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể cấp quốc gia triển khai các hoạt động truyền dạy và kế thừa, chứ không phải trợ cấp sinh hoạt, việc nâng cao tiêu chuẩn trợ cấp lần này sẽ góp phần giải quyết hữu hiệu những khó khăn hiện thực trong hoạt động truyền dạy và kế thừa của một số nghệ nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với việc động viên tính tích cực của các nghệ nhân kế thừa, dẫn dắt toàn xã hội quan tâm, coi trọng việc bảo hộ những nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể".
Bên cạnh đó, từ năm ngoái Trung Quốc còn khởi động công tác ghi chép lưu trữ mang tính cứu vớt đối với kỹ nghệ của những nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể cấp quốc gia, với mục tiêu đến trước năm 2020 sẽ hoàn thành toàn diện việc ghi chép lưu trữ đối với 300 nghệ nhân kế thừa di sản phi vật thể cấp quốc gia tròn 70 tuổi và dưới 70 tuổi nhưng sức khoẻ yếu và ốm đau.