Dự thảo "Luật Dân số và Kế hoạch hoá gia đình" sửa đổi thu hút sự quan tâm của xã hội ngày 21/12 đã được trình lên Kỳ họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khoá 12 xem xét. Dự thảo luật sửa đổi này dự định sẽ chính thức thực thi từ ngày 1/1 sang năm. Việc này nói lên nếu dự thảo luật được thông qua, chính sách "sinh hai con" của Trung Quốc có thể sẽ được thực thi từ Tết Dương lịch sang năm. Sau khi thi hành chính sách này Trung Quốc liệu có chào đón sự bùng nổ dân số hay không? Xã hội cần phải giải quyết như thế nào nỗi lo của mọi người về "muốn sinh thêm con nhưng lại không dám"?
Những năm gần đây tốc độ già hoá dân số của Trung Quốc không ngừng tăng nhanh, dân số lao động giảm liên tục, mang lại sức ép nhất định cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, Giáo sư Trác Chấn Vũ cho rằng:
"Chính sách cho sinh hai con liệu có thể giải quyết được vấn đề dân số già hoá, vấn đề sức lao động hay không? Xu thế căn bản là không thể xoay chuyển, vấn đề dân số già hoá vẫn còn, chẳng qua chỉ giảm về mức độ và quá trình, còn xu thế sức lao động không ngừng giảm xuống cũng không thể xoay chuyển được. Tuy nhiên, nó có thể làm chậm lại quá trình này, tạo ra nhiều thời gian hơn cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế và mô hình tăng trưởng, có lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và dân số".
Chính sách sinh hai con tất sẽ dẫn đến tỷ lệ sinh nở gia tăng ở Trung Quốc trong những năm tới. Có người lo lắng chính sách này liệu có làm gia tăng vấn đề hiện thực Trung Quốc vốn là nước đông dân hay không? Về việc này, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển thành thị và dân số thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải Chu Hải Vượng cho rằng, khả năng xuất hiện tình hình như vậy là không lớn. Trên thực tế khi khởi động chính sách cho phép sinh con thứ 2 nếu vợ hoặc chồng là con một năm 2013, theo dự báo liên quan dân số tăng thêm hàng năm vào khoảng 2 triệu, nhưng thực tế năm 2014 số trẻ sơ sinh chỉ tăng thêm 470 nghìn.
"Xét từ mặt chính sách, trước kia không cho phép thì nay đã cho phép. Nhưng dù cho phép đi nữa rất nhiều người vẫn không muốn sinh thêm con, ngoài nguyện vọng muốn sinh thêm con ra, họ còn cân nhắc đến hiện thực của cuộc sống. Sức ép kinh tế là một rào cản quan trọng trong sinh con thứ hai của rất nhiều gia đình".
Đúng như nhận định của vị chuyên gia này, hiện nay áp lực cuộc sống khá lớn, giá thành sinh hoạt cũng cao, các điều kiện khách quan như vào nhà trẻ khó, xin đi học khó, v.v đã ảnh hưởng đến nguyện vọng sinh thêm con của mọi người.
Làm thế nào để giải toả những quan ngại của các bậc cha mẹ trẻ, làm thế nào để các biện pháp đồng bộ có thể theo kịp đã trở thành những vấn đề quan tâm của các giới xã hội khi thực thi chính sách sinh hai con. Giáo sư Học viện Phát triển xã hội và Chính sách công Đại học Phúc Đán Bành Hy Triết cho rằng:
"Chẳng hạn như xét từ góc độ kinh tế, cải cách chế độ thuế thu nhập cá nhân lấy gia đình làm đơn vị, những gia đình có hai con hoặc phải chăm sóc người cao tuổi cần được giảm thuế thu nhập gia đình. Hay về dịch vụ công, đã mong mọi người sinh con theo chính sách thì cần phải giải quyết các mối quan ngại như nhà trẻ, v.v. Cần tăng thêm ngân sách cho dịch vụ công mới có thể khiến những người trong độ tuổi sinh nở muốn sinh và dám sinh con".