Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế công bố bảng xếp hạng về chất lượng giáo dục toàn cầu, kết quả khiến không ít người bất ngờ bởi xếp 5 ngôi đầu đều là các nước và vùng lãnh thổ châu Á. Các trường học của Xin-ga-po xếp ngôi đầu, tiếp theo là Hồng Công-Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan-Trung Quốc. Còn Phần Lan, nước được công nhận có nền giáo dục tân tiến nhất toàn cầu chỉ xếp thứ 6, Anh xếp thứ 20 và là khá cao trong các nước châu Âu, trong khi Mỹ xếp thứ 28. Do Trung Quốc đại lục không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, nên trong bảng xếp hạng này không có số liệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến không ít các chuyên gia, học giả và quan chức Việt Nam phải tròn mắt là Việt Nam xếp thứ 12, vượt cả nhiều nước phương Tây như Anh, Mỹ, Đức và Pháp.
Khác với cuộc điều tra "Đánh giá năng lực học sinh quốc tế" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế chỉ tiến hành đối với các nước và vùng lãnh thổ phát triển, bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu lần này chủ yếu dựa vào thống kê thành tích trắc nghiệm về các mặt đọc, tính toán, kỹ năng khoa học, v.v của học sinh 15 tuổi tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho biết bảng thống kê xếp hạng này chủ yếu thể hiện mối liên hệ giữa giáo dục với tăng trưởng kinh tế.
Các nhân sĩ trong giới giáo dục Việt Nam cảm thấy kinh ngạc trước việc Việt Nam xếp thứ 12, thậm chí vượt cả các nước có trình độ giáo dục phát triển được công nhận như Mỹ, Anh, v.v, tuy nhiên họ cũng nhận thức một cách tỉnh táo trước kết quả này.
Tuy Việt Nam có sự biểu hiện khá trong các mặt như trình độ phổ cập giáo dục, tỷ lệ đến trường của trẻ em trong độ tuổi, tỷ lệ trẻ em bỏ học, các giải thưởng quốc tế mà học sinh Trung học phổ thông giành được, v.v, nhưng nội dung giáo dục và phương pháp học tập vẫn chưa khiến mọi người hài lòng. Hơn thế nữa, sự phê bình đối với chất lượng giáo dục của người dân Việt Nam hiện nay cũng ngày càng dâng cao, khó có thể khiến giới giáo dục Việt Nam chấp nhận thành tích xếp thứ 12 thế giới về chất lượng giáo dục. Còn về "mối liên hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế" mà bảng xếp hạng muốn thể hiện, Việt Nam rõ ràng vẫn chưa đạt tới tiêu chuẩn lý tưởng. Chính phủ Việt Nam mới đây công bố số liệu cho thấy trong 4 năm qua, tỷ lệ không tìm được việc làm của sinh viên Việt Nam tăng gấp hai lần, tỷ lệ tìm được việc làm chỉ có 38%.
Có thể nói, tuy Việt Nam xếp thứ 12 trong bảng xếp hạng, vượt cả nhiều nước phương Tây, nhưng bảng xếp hạng này chỉ có thể coi là số liệu nghiên cứu tham khảo mà thôi, chứ không thể lấy đó làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục trong thời gian tới.
Tuy nhiên xét từ các hạng mục điều tra xếp hạng lần này, việc các nước châu Á xếp ở hàng đầu cũng không phải là vô lý. Do việc xếp hạng lần này chủ yếu dựa vào thành tích thi cử của học sinh trung học ở độ tuổi 15 của các nước, trong khi học sinh các nước châu Á lại luôn xếp hàng đầu trong các cuộc thi Ô-lim-pích về toán, hoá học và vật lý. Trong khi đó nền giáo dục của các nước Âu-Mỹ lại chú trọng nâng cao khả năng sáng tạo của học sinh, ưu thế của học sinh các nước phương Tây sẽ được thể hiện sau khi vào đại học.