Cùng với Tết Quý Tỵ đang cận kề, 1.337 điểm bán pháo hoá ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cũng chính thức mở cửa từ ngày 5/2. Trong khi đó, Đài Khí tượng chuyên ngành Bắc Kinh cũng sẽ lần đầu tiên công bố với xã hội "chỉ số khí tượng về đốt pháo hoa" để hướng dẫn người dân "khi nào đốt pháo, khi nào thì không nên đốt pháo". Thời tiết sương mù ô nhiễm không khí kéo dài gần một tháng qua đã khiến cho việc có nên cấm đốt pháo hay không trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Giám đốc Đài Khí tượng chuyên ngành Bắc Kinh Đinh Đức Bình cho phóng viên biết, chỉ số khí tượng về đốt pháo hoá được chia làm ba cấp, nếu gặp thời tiết gió to, sương mù ô nhiễm không khí sẽ đề nghị người dân không đốt hoặc ít đốt pháo. Tuy nhiên chỉ số này không có nghĩa là cấm mọi người đốt pháo, mà là lưu ý người dân chú ý phòng ngừa, đốt pháo an toàn và hợp lý hơn trong điều kiện thời tiết bất lợi.
"Chỉ số này được xác định là dựa trên cơ sở khoa học, an toàn và giảm thiểu ô nhiễm. Không làm tăng thêm các nguồn gây ô nhiễm sẽ khiến chất lượng không khí của chúng ta có sự chuyển biết tốt, chí ít là không làm trầm trọng do đốt pháo."
Theo kinh nghiệm của các năm trước, đốt pháo nhiều sẽ làm cho nồng độ PM2,2 tăng gấp chục lần thậm chí mấy chục lần trong chốc lát. Sau đêm Giao thừa năm 2012, Bắc Kinh liên tục nhiều ngày ở trong tình trạng sương mù ô nhiễm, trong không khí luôn tràn ngập mùi vị khó chịu. Hơn thế nữa, thời tiết sương mù ô nhiễm liên tục xảy ra trong gần một tháng qua đã làm gia tăng sự quan ngại của người dân đối với chất lượng không khí trong dịp Tết. Phóng viên đã đi tìm hiểu tại nhiều điểm bán pháo hoa, ghi nhận hầu như không có mấy khách hàng đến mua. Đề cập tình hình tiêu thụ pháo hoa năm nay, chủ của một điểm bán pháo hoa cho biết:
"Năm nay lượng tiêu thu sẽ không cao, thôi thì bán được bao nhiêu thì bán, nếu cứ như hôm nay thì chết, chẳng có ai đến mua cả."
Thành phố Bắc Kinh hiện vẫn áp dụng chính sách hạn chế đốt pháo sau khi dỡ bỏ lệnh cấm từ năm 2005, mặc dù năm nay chính sách này sẽ không có gì thay đổi, nhưng ông Trâu Ký, Phó Giám đốc Học viện Môi trường Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, Nhà nước cần phải đưa ra quyết định kịp thời căn cứ theo tình hình ô nhiễm không khí thực tế, nhằm bảo vệ tối đa an toàn và sức khoẻ cho nhóm người nhạy cảm như trẻ em và người cao tuổi.
"Sức khoẻ của công chúng phải đắt lên hàng đầu, trong tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng, để bảo vệ sức khoẻ của người dân, chúng ta đều có thể thay đổi quy định này vào bất cứ lúc nào."
Không ít cư dân mạng kêu gọi không đốt pháo trong dịp Tết năm nay, và đề nghị Chính quyền thành phố Bắc Kinh sửa đổi "Điều lệ Quản lý an toàn pháo hóa" hiện hành của thành phố, thậm chí mong ban hành sắc lệnh mang tính cưỡng chế, khôi phục lại "lệnh cấm đốt pháo".