Ngày 24/10, Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng chính sách năng lượng Trung Quốc năm 2012, đây là lần thứ hai Trung Quốc công bố văn kiện năng lượng với danh nghĩa nhà nước, Sách Trắng cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phát triển bền vững năng lượng, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, kiểm soát về cường độ và tổng lượng tiêu dùng năng lượng, nhấn mạnh "Trung Quốc trước đây chưa bao giờ, hiện nay không, sau này cũng sẽ không gây đe doạ tới an ninh năng lượng thế giới". Cải thiện dân sinh, sáng tạo khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường đã được thể hiện trọng điểm trong Sách Trắng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, công bố Sách Trắng trong lúc này đã thể hiện thiện chí của Trung Quốc, đồng thời, nhìn từ nội dung mở cửa dự án năng lượng với vốn nhân dân cho thấy Trung Quốc đang không ngừng hoàn thiện xây dựng thể chế cơ chế thị trường năng lượng.
Là nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc phát triển năng lượng chủ yếu dựa vào sức mạnh của mình, tỉ lệ tự cung cấp năng lượng luôn giữ ở mức 90%. Nhưng đồng thời, Trung Quốc phát triển năng lượng cũng đứng trước nhiều thách thức: Trữ lượng bình quân của than đá, dầu mỏ, khí đốt theo đầu người khá thấp, mức tiêu dùng năng lượng bình quân đầu người khá thấp. Sách Trắng cho rằng, tổng lượng tiêu dùng năng lượng của Trung Quốc những năm qua tăng trưởng quá nhanh, sức ép đảm bảo cung ứng năng lượng tăng lên. Khai thác sử dụng quy mô lớn năng lượng hoá dầu đã gây ảnh hưởng nhất định đối với môi trường.
Theo Sách Trắng, trong một thời kỳ tới, Trung Quốc vẫn sẽ ở vào giai đoạn tăng nhanh phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên, nhiệm vụ đảm bảo cung ứng năng lượng nặng nề hơn. Về việc này, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Kinh tế-Tài chính Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Sử Đan phân tích cho rằng:
"Tình hình an ninh năng lượng chủ yếu có mấy mặt: Một là vấn đề cung ứng, bởi vì tài nguyên bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới, về mặt tự đảm bảo năng lượng, tuy đã đạt tới 90%, nhưng cần phải nhìn thấy nhập khẩu mỗi năm một tăng. Kế đó là về mặt tiêu dùng và sử dụng, hiệu suất sử dụng năng lượng còn chưa cao, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng năng lượng khá nhanh, như vậy mang lại sức ép rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội và môi trường".
Sách Trắng còn giới thiệu những nỗ lực của Trung Quốc đang tích cực tham gia về mặt hợp tác năng lượng quốc tế. Sách Trắng viết, Trung Quốc đã xây dựng cơ chế đối thoại và hợp tác năng lượng với các nước Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật, Nga, Ca-dắc-xtan v.v. Trung Quốc kiên trì mở cửa đối ngoại trong lĩnh vực năng lượng, không ngừng ưu hoá môi trường đầu tư vốn nước ngoài. Sách Trắng nhấn mạnh, Trung Quốc chủ trương cộng đồng quốc tế cần chú trọng đưa ra những nỗ lực về ba mặt: Tăng cường đối thoại và giao lưu, triển khai hợp tác thiết thực năng lượng, cùng giữ gìn an ninh năng lượng thế giới. Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề năng lượng quốc tế quan trọng thông qua đối thoại và thương thảo, không nên chính trị hoá vấn đề năng lượng, tránh động một chút là đưa ra sử dụng vũ lực, thậm chí dẫn đến đối đầu.