
Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 5/11, buổi họp báo giới thiệu thành quả dự án trọng điểm "Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt" theo quy hoạch về triết học và khoa học xã hội quốc gia Trung Quốc và Hội thảo học thuật nghiên cứu văn hóa Lạc Việt đã diễn ra tại trường Đại học Dân tộc Trung ương Trung Quốc. Giáo sư Lương Đình Vọng, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Dân tộc Trung ương, là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Choang-Động, cũng là người phụ trách dự án này. Giáo sư cho biết, ngay từ thời kỳ nhà Thương và nhà Chu, người Lạc Việt—tổ tiên chung của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Choang-Động (bao gồm các dân tộc Choang, Động, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Kơ-lao, Mao Nan, v.v.) đã thành lập chính quyền địa phương "Phương quốc Lạc Việt" ở khu vực Lĩnh Nam của Trung Quốc, khai thác và quan lý khu vực Lĩnh Nam và Nam Hải theo chỉ lệnh của triều đình.
Giáo sư Lương Đình Vọng cho biết, Phương quốc Lạc Việt thành lập vào thời kỳ giữa và cuối đời nhà Thương, tức khoảng 1300 năm trước Công nguyên, trung tâm chính trị nằm ở thành phố Nam Ninh, Quảng Tây và khu vực xung quanh, đô thành nằm ở dải từ thị trấn Mã Đầu đến thị trấn Lạc Việt (thị trấn Lục Oát trên bản đồ) thuộc quận Vũ Minh, ngoại ô phía bắc thành phố Nam Ninh. Phương quốc Lạc Việt có diện tích rộng, bao gồm khu vực cách Tây Giang, Quảng Tây về phía nam, khu vực phía tây-nam tỉnh Quảng Đông, đảo Hải Nam, cũng như các hòn đảo, bãi đá và vùng biển hữu quan của Trung Quốc như quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa trên Nam Hải, từng một dạo quản lý cả Giao Chỉ lẫn Cửu Chân. Đến thời kỳ Chu Tuyên Vương, tức từ năm 782 đến năm 827 trước Công nguyên, Phương quốc Lạc Việt đã phụ trách khai thác và quản lý khu vực Lĩnh Nam và Nam Hải theo mệnh lệnh của triều đình nhà Chu.