Mẫn Linh

Cầu vồng Hữu nghị: Câu chuyện cổ tích lụa Hà Đông

17-06-2020 13:31:53(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Mẫn Linh lần đầu tiên nghe thấy cụm từ “Áo lụa Hà Đông” không phải qua bài hát cùng tên, mà là trong bộ phim “Áo lụa Hà Đông” được chiếu trong Tuần phim Việt Nam tại Bắc Kinh hồi còn học đại học. Nội dung phim đã phai mờ, nhưng cụm từ “Áo lụa Hà Đông” vẫn in sâu trong lòng. Vài năm về sau, khi có cơ hội tới thăm Việt Nam, thỉnh thoảng có nghe các bạn Việt Nam nhắc đến áo lụa Hà Đông, như vậy, ấn tượng về lụa Hà Đông càng thêm sâu đậm. Trong chương trình Cầu vồng Hữu nghị hôm nay, mời các bạn cùng nghe “Câu chuyện cổ tích lụa Hà Đông” của bạn Tiến Phạm, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh đăng trên tập san Cầu vồng Hữu nghị do Đài chúng tôi và Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh cùng xuất bản.

图片默认标题_fororder_5

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”. Lời bài hát “Áo lụa Hà Đông” của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên vang vẳng bên tai tôi vào một buổi trưa cuối hè giữa lòng Sài Gòn, câu hát ngân nga tái hiện lên một hình ảnh đầy thi vị và mượt mà. Có lẽ hình ảnh “áo lụa Hà Đông” từ lâu đã là một biểu tượng khắc sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt khi diễn tả về nét đẹp dịu dàng của người con gái trên mảnh đất này. Lụa Hà Đông nức tiếng xa gần chính là lụa được dệt nên tại làng Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Nội).

Việt Nam có nhiều làng nghề, sớm nhất là nghề tầm tang canh cửi hay trồng dâu nuôi tằm dệt vải, làm thành quần áo tạo nên dáng vóc con người. Hà Đông là một quê hương đầu tiên của vải lụa, đã đi khắp các vùng miền gắn liền với tà áo dài tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ca dao cổ có câu:

“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”.

Hà Đông có tới bảy làng La, ba làng Mỗ đều dệt lụa. Tuy nhiên, lụa nổi tiếng nhất lại là lụa của làng Vạn Phúc, mà nay là xã Vạn Phúc phía tây bắc thị xã Hà Đông, Hà Tây cũ nay là Hà Nội. Nhờ địa thế phía đông giáp sông Nhuệ, phía nam giáp sông đào La Khê, trên bến dưới thuyền Vạn Phúc có cảnh quan sầm uất và đã phát triển nghề dệt lụa từ lâu, với những xúc lụa mềm mại, mát dịu, họa tiết đối xứng rực rỡ. Từ thế kỷ 15, Vạn Phúc đã có nhiều thứ lụa cao cấp mỏng mảnh như lụa, là, gấm, vóc, the, sa tanh, lĩnh, bằng, quế, đoan, sa, kỳ, câu, đũi…; in hình mây nước, hoa lá, chim muông, rồng chầu, hổ phục, các chữ phúc lộc thọ và hình nhiều hoạ tiết tinh xảo..

“Em về Vạn Phúc cùng anh

Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người”.

Có tuổi đời gần 1.000 năm, lụa Vạn Phúc có đặc điểm mềm, mỏng, nhẹ, thoáng mát nhưng không rạn, nhăn; qua thời gian màu không phai, hoa văn vẫn sắc nét, sợi lụa không bị xê dịch. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc xưa kia chỉ dành để may y phục cho vua chúa và các gia đình quan lại quyền quý. Để tấm lụa đẹp, phải nhờ tới những bàn tay vàng. Khi chưa có máy móc, các nghệ nhân Vạn Phúc đã vẽ tay làm được nhiều loại hoa văn đẹp đối xứng, trang nhã mà phóng khoáng, bay bổng. Đầu tiên phải kể tới lụa Vân - tấm lụa nổi hình mây. Đây là một kỹ thuật tinh tế chỉ Vạn Phúc mới dệt được. Lụa mượt mà nổi vân. Hoặc như lụa in hình hai con rồng chầu mặt trăng đối xứng kỳ diệu. Khi bắt đầu dệt từ đuôi con rồng thứ nhất lên tới thân mình đầu rồng uốn lượn, kế đến là mặt trăng rồi tiếp tục là con rồng thứ hai từ đầu tới đuôi vậy mà khi trải tấm lụa ra hoa văn họa tiết đều tăm tắp. Một điểm đặc sắc nữa là màu lụa Vạn Phúc không bao giờ phai, bền bỉ trong nắng trong mưa, bốn mùa.

Người dân Vạn Phúc đã nhiều lần cải tiến máy móc, từ những chiếc khung dệt con cò ngất ngưởng lúc đầu với chiếc thoi sừng mà người dệt phải dùng những ngón tay thanh mảnh lao chiếc thoi qua khung dệt đến những chiếc khung dùng sợi dây để giật cho con thoi lao qua và những chiếc khung cài hoa cải tiến gồm hai người với người dệt ngồi dưới và một người ngồi trên nóc khung dùng tay lồng từng sợi tơ để tết thành hoa. Cuối cùng là những chiếc khung ngày nay có hàng nghìn chiếc kim tự động, cài các loại hoa. Người thợ đồng thời cũng tạo được những quy trình kỹ thuật hết sức phức tạp gồm xử lý tơ, hồ, dệt, nhuộm nghiêm ngặt, giúp lụa đạt độ hoàn mỹ, mịn óng, mềm mại, màu sắc bóng bẩy, đường nét hài hòa khi nổi lúc chìm. Ngày nay, dù trải qua bao thăng trầm đổi thay nhưng lụa Hà Đông vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền, những thủ pháp nghệ thuật truyền thống trên từng thớ vải, vân lụa để tạo nên những tấm lụa đẹp nhất tinh tế nhất. Bởi thế mà lụa Hà Đông dù là loại nào thì cũng đạt tới trình độ hoàn mỹ, mềm mại, óng mượt, đường nét tinh tế khi chìm khi nổi. Nét đặc trưng đó không chỉ giúp cho lụa Hà Đông xây dựng được vị thế của mình ở trong nước mà còn vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để đến tận tay những người sành điệu khắp bốn phương. Nét độc đáo và đặc sắc của lụa Hà Đông còn được thể hiện qua hoa văn trên các tấm lụa. Các hoa văn trên lụa Hà Đông luôn được trang trí đối xứng với những đường nét không quá rườm rà, phức tạp tạo cảm giác tinh tế cho từng tấm vải.

Tìm đến làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, ta sẽ được trở về với xứ lụa Hà Đông vang danh một thời khắp trong và ngoài nước. Cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 10km, nằm bên bờ sông Nhuệ yên bình, ngôi làng Vạn Phúc là nơi đã sản sinh ra những sản phẩm lụa là, gấm vóc tinh tế và hoàn hảo bậc nhất nước Việt khi xưa. Đến nay ngôi làng này vẫn còn giữ được nghề truyền thống sau hơn 1000 năm lịch sử, tuy ít nhiều có phần thay đổi nhưng những giá trị và bề dày văn hóa của làng lụa thì không thể nào bị lãng quên.

Tương truyền rằng, nghề lụa bắt nguồn từ một người phụ nữ Cao Bằng làm dâu ở làng Vạn Phúc. Khi đến đây, bà mang theo nghề dệt truyền cho dân làng. Với tay nghề khéo léo, tinh xảo những khúc lụa bà làm đã dần trở nên nổi tiếng. Sau khi bà mất đi, dân làng tôn kính phong bà làm thành hoàng. Lụa Hà Đông được biết đến từ thời Lý, lụa được dâng lên vua chúa và trở thành món hàng hóa giao thương đi khắp các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước Đông Nam Á. Năm 1931 và 1936, lụa Vạn Phúc được mang sang Marseille và Pari nước Pháp để tham dự hội chợ quốc tế, đánh dấu bước tiến mới của lụa Hà Đông trên trường thế giới.

Hiện nay làng Vạn Phúc còn rất ít người dệt lụa. Đáng kể nhất là xưởng dệt lớn của nghệ nhân Triệu Văn Mão và một xưởng nhỏ của phường lụa Vạn Phúc. Trước kia làng lụa Vạn Phúc cũng trồng dâu nuôi tằm kéo tơ nhưng hiện nay bà con đã bỏ hẳn công đoạn tự sản xuất tơ vì việc trồng dâu phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Nguồn tơ bây giờ chủ yếu được thu mua từ các làng nghề chuyên trồng dâu nuôi tằm ở các tỉnh lân cận. Hình ảnh những dải lụa dài nhiều màu sắc được căng ra phơi dọc theo dòng sông Nhuệ cũng đã lùi vào quá khứ. Toàn bộ các công đoạn dệt, sấy, hấp, phơi đều được thực hiện bằng máy móc ngay trong xưởng dệt. Hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn ngồi quay tơ dệt lụa thủ công lùi sâu vào dĩ vãng. Chỉ khi đi sâu vào bên trong làng, người ta mới có thể tìm thấy những guồng quay tơ thủ công mà nhiều gia đình làng lụa còn lưu giữ như một kỷ niệm đáng tự hào.

Lụa Hà Đông từ ngàn xưa đã đi vào tâm trí bao thế hệ như biểu tượng của sự giàu sang, thịnh vượng bởi đây là thứ lụa tốt nhất và đẹp nhất thời bấy giờ. Cho đến ngày nay, trải qua hơn nghìn năm thăng trầm lịch sử, lụa Hà Đông vẫn chiếm một vị trí không thể nào thay thế được trong lòng người dân Việt. Để rồi tự bao giờ mảnh lụa ấy đi vào thơ ca, vào linh hồn của những tà áo dài thướt tha trong nắng gió quê hương, dệt nên mảnh tâm hồn dân tộc đầy luyến lưu xao xuyến trong lòng mỗi người con trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này.

Lụa cũng là biểu tượng văn hoá cổ xưa của Trung Quốc. Hàng ngàn năm trước, lụa đã từ Trường An, tức thành phố Tây An, Trung Quốc hiện nay, truyền đến châu Âu, mở màn cuộc giao lưu thương mại quy mô lớn đầu tiên giữa phương Đông và phương Tây, trong lịch sử gọi là “Con đường Tơ lụa”. Được biết, lụa Trung Quốc sớm nhất được phát hiện vào khoảng 5500 năm trước. Các sản phẩm lụa nổi tiếng Trung Quốc có Vân Cẩm, Thục Cẩm và Tống Cẩm, tức gấm Nam Kinh, gấm màu Tứ Xuyên và gấm Tô Châu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có 4 hàng thêu nổi tiếng là hàng thêu Tô Châu, hàng thêu Tứ Xuyên, hàng thêu Hồ Nam và hàng thêu Quảng Đông. Sản lượng lụa Trung Quốc đứng đầu thế giới.

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập