Mẫn Linh

Cầu vồng Hữu nghị: Ngỡ ngàng những đồi cát sa mạc quê tôi

28-02-2020 17:48:49(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Khi chuyển ngữ sang tiếng Trung, Mũi Né ở tỉnh Phan Thiết, Việt Nam có cách gọi rất đẹp, đó là “美奈”, đối với những người học tiếng Việt như Mẫn Linh, rất khó gắn từ “美奈” với Mũi Né bởi vì 美奈 dịch theo âm Hán-Việt là Mỹ Nại. Mỹ có nghĩa là đẹp. Mẫn Linh có dịp tới thăm Mũi Né cách đây hơn chục năm, ký ức về các món ngon địa phương đã phai mờ, nhưng ấn tượng về Đồi cát vẫn còn. Mấy hôm trước, Mẫn Linh đọc được bài viết “Ngỡ ngàng những đồi cát sa mạc quê tôi” của bạn Huỳnh Toản, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, những hình ảnh du lịch Mũi Né lại hiện lên trong ký ức. Chương trình “Cầu vồng Hữu nghị” hôm nay xin chia sẻ với các bạn bài viết này. Mẫn Linh rất vinh dự mời bạn Hồ Đắc Quốc Anh, lưu học sinh tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cùng thể hiện bài viết này.

图片默认标题_fororder_9

Mũi Né là một cái tên quen thuộc đối với bất kỳ mỗi một ai từng có dịp đặt chân đến tỉnh Phan Thiết. Đến đây, mọi người không chỉ ấn tượng với biển xanh, cát trắng và nắng vàng mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đồi cát Mũi Né. Người ta thường ca ngợi Mũi Né là thiên đường của những lâu đài bí ẩn trên bờ biển. Những con thuyền rải khắp cửa vịnh dưới ánh hoàng hôn tựa như bức tranh thủy mặc. Cùng những bãi tắm trong veo nước biển, Mũi Né còn có Đồi Hồng thơ mộng, cát trên đồi luôn chuyển động với gió nắng, tạo nên cảnh quan lạ mắt, nhiều sắc màu, khiến mọi người đến đây hết sức bất ngờ và ngạc nhiên. 

Đồi cát Mũi Né còn có một tên gọi dễ thương khác là Đồi cát bay bởi hình dáng của những cồn cát thường thay đổi theo hướng gió, đó chính là sự kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương Bình Thuận của tôi. Đây là một trong những thắng cảnh đã từng níu chân biết bao các thi nhân, họa sĩ và nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

“…Đồi hoang nhú ngực thiên thần

Miên man sóng cát đụng làn tóc mây

Hòn Rơm, Mũi Né mùa này

Em còn lên đỉnh cát bay mơ màng”

(Lam Giang)

Nếu có dịp đến với vùng đất cằn cỗi nhưng tràn đầy sức sống này, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào xứ sở Châu Phi. Bởi lẽ, Đồi cát Mũi Né được coi là có một không hai tại Việt Nam bắt nguồn từ mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm tạo nên, cát cứ mênh mông, óng ánh và trải thảm vô tận như trên sa mạc hoang vu ở vùng đất xa xôi kia. Đồi cát rộng trên 50 héc ta, từ năm giờ đến tám giờ sáng là khoảng thời gian thích hợp để mọi người tham quan Đồi cát Mũi Né vì lúc này trời còn sớm và cát vẫn còn mát. Đứng giữa vẻ đẹp của nắng, gió, cát, tôi tự hào về mảnh đất quê hương và tin chắc rằng bạn cũng sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi vẻ đẹp kỳ thú của những đồi cát trùng điệp nối nhau xa tít tắp.

Điểm lôi cuốn ở đây chính là hình dáng, màu sắc của cát. Còn gì tuyệt vời hơn khi chứng kiến những cồn cát mênh mông với những con đường cong uốn lượn gợi cảm, huyền bí, không chỉ là đề tài bất tận về nghệ thuật của nhiều nhà nhiếp ảnh mà còn rất hấp dẫn những đôi chân trần một lần được lướt nhẹ lên khoảng không gian bao la bát ngát này. Không khó để có thể nhận ra, ở mỗi vị trí khác nhau tại Đồi cát Mũi Né sẽ có sự thay đổi về hình dạng, màu sắc, độ tương phản. Cát ở đây có đến hàng chục màu sắc tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, vẻ đẹp đó có thể là một chút đỏ, phớt chút trắng, hồng, trắng xám, hay đỏ đen chấm phá, hòa quyện vào nhau trông thật bắt mắt và lôi cuốn ánh nhìn của du khách thập phương.

Vào mùa hè, với đồi cát “thiên biến vạn hóa” này những cồn cát được thay đổi biến dạng qua từng cơn lốc, nó thay đổi từng giờ và khó bắt gặp những hình ảnh ấy được tái dựng lại tạo nên những cảnh quan vô cùng độc đáo. Nơi đây có những đồi cát dường như chưa in dấu chân người bởi mặt cát hoặc phẳng lỳ hoặc có những nếp ly đều đặn như từng lớp sóng vỗ. Có những đồi cát lơ thơ một vài đám cỏ dại, như điểm nhấn đầy màu sắc. Lại có những đồi cát mà nếu nhìn từ dưới chân lên bạn sẽ thấy nó cao vút, khu vực dưới chân giống như lòng hồ, phẳng lặng, không gợn sóng.

Ngoài tên gọi phổ biến là Đồi cát Mũi Né, nơi này còn có tên gọi khác là "đồi cát bay" bởi sau mỗi đợt gió lớn thì diện mạo đồi cát thay đổi khác hẳn so với trước đó. Trải nghiệm thú vị nhất bạn nên thử khi đến đây là tham gia trò chơi trượt cát bằng ván. Chỉ cần thuê ván trượt với giá 10.000 đồng cho một buổi là bạn có thể thỏa sức hòa mình vào trò chơi đầy kích thích và thú vị này.

Đừng vội lo lắng nếu bạn chưa biết trượt vì đã có các huấn luyện viên “chuyên nghiệp”, cũng chính là người cho thuê ván trượt, tận tình hướng dẫn bạn các thao tác cơ bản. Chỉ trong tích tắc bạn sẽ trở thành tay trượt ván lành nghề với những đường trượt tốc độ cao và đẹp mắt. Cảm giác đầu tiên khi ngồi trên ván trượt là đôi chút sợ hãi. Nhiều người nhắm mắt rồi la hét inh ỏi nhưng khi đã trượt quen và thành thạo rồi, ai cũng vô cùng thích thú và muốn chinh phục những đồi cát cao hơn.

Điểm thú vị mà du khách không thể bỏ qua tại đây là ngắm hoàng hôn buông trên đồi cát vàng và tìm một nơi yên tĩnh, đắm mình trong không gian xung quanh và thư giãn... Vào những ngày gió lộng, triền cát ngập tràn những cánh diều sặc sỡ, đan vào nhau cao vút. Tiếng người cười nói, tiếng gió vi vu và tiếng sóng biển hoà vào nhau, tạo nên một thứ âm thanh khiến những mệt mỏi biến bay đi đâu mất.

Vào mùa gió, những cồn cát được thay đổi biến dạng qua từng cơn lốc, nó thay đổi từng giờ và khó bắt gặp những hình ảnh ấy được tái dựng lại tạo nên những cảnh quan vô cùng độc đáo. Còn mùa mưa, đồi cát như khoác lên một màu sắc huyền ảo, khác hẳn màu "truyền thống" vàng cam trong bụi mờ gió cát.

Đồi cát vàng Mũi Né chính là nơi làm mê mải bước chân của các thi nhân, họa sĩ và nhiếp ảnh gia nổi tiếng và để chụp được bức hình hoàng hôn trên đồi cát thì cũng cần sự may mắn và một cái duyên. Vì những đặc điểm lý thú này, đồi cát Mũi Né trở thành một điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Lang thang ở Mũi Né dù chỉ một ngày thôi cũng đã đủ để yêu, để nhớ, để thấy mình đang được hưởng trọn vẹn vị mặn của biển, vị nồng của cát và mát lạnh của những hoang sơ còn vấn vương. Màu xanh của Mũi Né không chỉ được tạo nên nhờ biển và mây trời, mà còn là màu xanh của sự tử tế trong lòng người dân tại đây. Họ luôn nở nụ cười thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ dù công việc chăm lo cho du khách ghé chơi cũng đủ vất vả và nhiều thử thách rồi.

Hơn hai mươi năm trước, nơi đây chỉ là một dải đất hiền hòa, sâu lắng, trầm mặc nhưng hiếu khách. Khi đó, người ta chủ yếu đi lại trên những con đường cát phủ bụi mờ, chỗ nào trải nhựa đường thì nứt toác và nổ loang. Hồi đó, phương tiện duy nhất là xe than, gắn biển 5 km/giờ. Đường từ Phan Thiết về Mũi Né chỉ dài 22 km, nhưng đi mất gần 1 ngày. Xe đến đoạn đường cát dày thì hành khách lại xuống để phụ xe dùng 2 thanh gỗ đặt ở hai bánh trước cho tài xế cố nhấn ga vượt qua.

Nhưng bù lại, đường Mũi Né ngày đó đẹp và lãng mạn. Một bên là những đồi cát trắng đỏ, thấp thoáng bụi cây xanh, một bên là biển rộng sóng xô miên man vào bờ. Ở giữa khoảng không gian xanh vô định ấy, thấp thoáng bóng những con tàu đang thắng buồm ra biển lớn.

Dù có nhiều thay đổi, nhưng cát ở Mũi Né giờ vẫn đang để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng ngả đường, ngõ phố. Phố xá rất đỗi bình yên như những ngôi làng cổ tích. Dân cư không đông đúc, tạo nên một môi trường sống theo kiểu làng xã gần gũi và tràn đầy tình yêu thương. Họ cùng nhau làm tất cả để duy trì vẻ đẹp hoang sơ, sạch sẽ và bảo vệ những điều tốt đẹp nhất cho tương lai. Những ngôi nhà ở làng chài đẹp nhất dĩ nhiên được chăm chút và không bao giờ nằm trong khu trung tâm du lịch. Vì vậy, việc bạn gặp một căn nhà điệu đà ngay trong một ngôi làng hẻo lánh ở Mũi Né là chuyện bình thường.

Mảnh đất Mũi Né này mang một vẻ đẹp kỳ bí nhưng rất đỗi thân quen, sự kỳ bí của những đồi cát trải mình giữa nắng gió bao la, và cái thân quen của những con người Bình Thuận mộc mạc, chân phương và cần cù lam lũ. Đó cũng chính là điều níu chân không biết bao nhiêu người một lần ghé thăm mảnh đất này.

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập