• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Tản văn: Người mẹ của tôi (Tác giả Lão Xá)

    2014-05-21 15:58:22     CRIonline

    Đôi nét về tác giả:

    Lão Xá (1899-1966), là nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo tại Bắc Kinh. Năm 1918, tốt nghiệp trường Sư phạm Bắc Kinh, từmg làm giáo viên trường trung học và tiểu học. Trong Phong trào Văn hóa mới Ngũ Tứ, ông bắt đầu sáng tác bằng bạch thoại. Năm 1924, Lão Xá sang Anh dạy học và bắt tay vào sáng tác. Năm 1930, ông về nước, lần lượt làm Giáo sư các trường Đại học Tề Lỗ Tế Nam, Đại học Thanh Đảo Sơn Đông. Năm 1937, cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của ông là "Tường Tử Lạc đà" ra đời. Năm 1946, ông sang Mỹ dạy học và sáng tác, cuốn tiểu thuyết "Tứ đại đồng đường" gần triệu chữ của ông ra mắt độc giả. Cuối năm 1949, ông về nước rồi lần lượt cho ra mắt 23 bộ kịch bản sân khấu như Long Tu Câu, Tây vọng Trường An, Quán trà, vở Kinh kịch Thập ngũ quán...

    Nhà Ngoại bên mẹ tôi ở một thôn tại Đức Thắng Môn ngoại Bắc Bình (Bắc Kinh ngày nay). Trong thôn chỉ có bốn năm hộ gia đình, đều là họ Mã. Mọi người đều trồng trọt trên mảnh đất không lấy gì làm mầu mỡ cho lắm, song, trong các anh em cùng lứa với tôi, cũng có người từng đi lính, có người làm nghề thợ mộc, hoặc làm thợ xây, hoặc làm cảnh sát tuần tra. Tuy họ đều là con cái nhà nông, nhưng lại không nuôi nổi con bò con ngựa, hễ khi nào thiếu nhân công, thì các chị em phụ nữ đều phải ra ngoài đồng làm lụng.

    Mẹ tôi sinh ra trong gia đình nông dân, cho nên có đức tính cần kiệm thật thà, sức khỏe cũng tốt. Tôi có ba người anh trai, bốn chị gái, thế nhưng sống đến khôn lớn thành người thì chỉ có chị Cả, chị Hai, chị Ba, anh Ba và tôi. Tôi là con trai út trong gia đình. Khi sinh tôi, mẹ đã 41 tuổi, chị cả cũng đã gả chồng rồi. Thế nhưng tôi là đứa con mang lại bất hạnh cho gia đình: Khi sinh tôi, mẹ đã bị ngất đi vào lúc nửa đêm, rồi mới mở mắt trông thấy thằng con út của mẹ--- việc này phải cảm ơn chị Cả, chị đã ôm lấy tôi vào trong lòng, do vậy mà tôi không bị chết cóng.

    Năm lên một tuổi rưỡi, tôi là người con đã "sát" cha, làm cha qua đời.

    Anh trai chưa đầy mười tuổi, chị Ba 12-13 tuổi, mà tôi mới một tuổi rưỡi, đều phải dựa vào mỗi mình mẹ tần tảo nuôi dạy chúng tôi. Mẹ đã phải đi giặt giũ, khâu vá may mặc làm thuê cho người ta để kiếm miếng cơm manh áo cho chúng tôi. Trong ký ức của tôi, bàn tay mẹ quanh năm bao giờ cũng sưng tấy ửng đỏ. Ban ngày, mẹ đi giặt quần áo, phải giặt đầy một hai chậu men to màu xanh. Mẹ làm việc bao giờ cũng hết sức cẩn thận, ngay cả thợ sát sinh mang những đôi bít tất vải bẩn thỉu thành màu đen ngòm như sắt, mẹ cũng phải giặt cho sạch đến trắng như tuyết. Tối đến, mẹ cùng với chị Ba cắm cúi bên chiếc đèn dầu, khâu vá cho đến nửa đêm. Quanh năm suốt tháng không lúc nào là mẹ nghỉ ngơi cả, thế nhưng trong khi bận rộn như thế mà mẹ còn thu dọn khuôn viên và trong nhà sạch sẽ thoáng mát. Mấy chậu cây thạch lựu và cây trúc đào mà cha chồng vào lúc sinh thời, bao giờ cũng được vun tưới và bảo vệ xứng đáng nhất, mùa hè năm nào, cây cũng nở đầy hoa.

    Anh trai hầu như không chơi với tôi. Có lúc anh đi học ở trường; có lúc anh đi học nghề; có lúc anh ấy cũng đi mua một chút lạc rang hoặc quả anh đào. Mẹ rưng rưng nước mắt tiễn anh ra đi, không đầy hai hôm, mẹ lại rưng rưng nước mắt đón anh trở về. Tôi cũng không hiểu nguyên do ra sao, thế nhưng cảm thấy có chút xa lạ đối với anh ấy. Tôi và ba người chị sống nương tựa vào mẹ. Các chị làm gì là tôi cứ lẽo đẽo theo sau. Các chị tưới hoa, tôi cũng đi lấy nước; các chị quét dọn, thì tôi cũng vun đất,... từ đó mà tôi học được cách biết yêu mến cây hoa, ưa sạch sẽ, giữ ngăn nắp. Những thói quen này tôi giữ gìn mãi cho đến ngày nay. Có khách đến nhà, mặc cho công việc đang làm bận đến mấy, mẹ cũng nghĩ cách tìm món gì đó để mời khách. Hễ gặp nhà họ hàng bè bạn tổ chứ lễ cưới xin hay lễ ma chay, thì bao giờ mẹ cũng giặt sạch sẽ bộ áo choàng, rồi đích thân đi chúc mừng hoặc đi đưa đám, quà tặng của mẹ có lẽ chỉ vài đồng tiền. Cho đến nay, đức tính hiếu khách của tôi chưa hề thay đổi, tuy sinh hoạt nghèo như vậy, nhưng vì những việc từ nhỏ đã chứng kiến, đâm quen, cho nên không dễ gì mà thay đổi được.

    Phim  Tường Tử Lạc đà

    Mẹ sống đến già, mà cũng nghèo đến già, vất vả đến già, hoàn toàn là do số phận như vậy. Mẹ hay chịu thua thiệt. Những việc giúp đỡ hàng xóm bạn bè, thì bao giờ mẹ cũng sốt sắng làm trước. Thế nhưng, mẹ không phải là người yếu đuối. Cha tôi mất vào năm 1898, cái năm xảy ra phong trào Nghĩa Hoà Đoàn. Liên quân 8 nước tiến quân vào thành Bắc Kinh, chúng đến từng nhà lục soát cướp bóc của cải, bắt gà bắt vịt, nhà chúng tôi bị chúng lục lọi hai lần. Mẹ kéo anh tôi và ba người chị gái tôi ngồi dưới bờ tường Hoàng Thành, để chờ bọn Tây chúng đến nhà, cửa hướng ra ngoài mặt phố đều mở toang. Bọn "giặc Tây" vào cổng, đâm một nhát lưỡi lê là con chó chết tươi, sau đó vào trong nhà lục lọi. Sau khi bọn chúng đi hết rồi, mẹ bê chiếc rương đựng quần áo đã bị hỏng, mới phát hiện ra tôi ngồi trong đó. Giá như chiếc rương quần áo không trống rỗng, thì tôi đã bị đè chết từ lâu rồi. Hoàng đế chạy chốn rồi, chồng qua đời rồi, bọn Tây đến rồi, khắp thành phố máu lửa ngút trời, thế nhưng mẹ không hề sợ hãi, mẹ phải bảo vệ chúng tôi dưới lưỡi lê, trong đói khát. Thành phố Bắc Bình xảy ra biết bao loạn lạc, có khi xảy ra binh biến, cả dãy phố đều bị đốt cháy, đám lửa rơi đúng khuôn viên nhà tôi. Có khi xảy ra nội chiến, cửa thành bị đóng chặt, các cửa hàng đều phải đóng cửa, tiếng đạn pháo nổ ầm trời suốt ngày đêm. Hết thảy những kinh hãi, những căng thẳng, lại cộng thêm phải tính toán cơm ăn nước uống cho cả gia đình, những lo lắng cho an toàn cho con cái, đâu phải một người quả phụ có thể gánh chịu nổi? Nước mắt mẹ chảy ngược xuống cõi lòng. Đức tính dịu dàng và cứng rắn của mẹ cũng đã truyền lại cho tôi. Thái độ của tôi đối xử với mọi người mọi việc đều chan hoà, tôi coi thiệt thòi là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, về làm người, thì tôi có tôn chỉ nhất định và nguyên tắc cơ bản của mình, việc gì cũng có thể nhường nhịn, nhưng không được vượt quá giới hạn đã đặt ra của mình. Tôi sợ gặp người lạ, sợ các việc lặt vặt, sợ xuất đầu lộ diện; thế nhưng khi mà việc gì tôi không đi là không được, thì tôi cũng đành phải đi, cũng giống như tính mẹ tôi vậy. Tôi tốt nghiệp tiểu học tại lớp tư thục, lên đến trung học, lần lượt có tới 20 giáo viên từng dạy tôi, trong đó có Nhà giáo mang lại sự ảnh hưởng cho tôi, cũng có Nhà giáo không có ảnh hưởng gì đến tôi cả, nhưng Nhà giáo thật sự của tôi, truyền lại đức tính cho tôi, lại chính là mẹ tôi. Mẹ tôi không biết chữ, mẹ đã giáo dục cho tôi về cuộc sống.

    Kịch nói Tứ đại đồng đường

    Khi tôi tốt nghiệp tiểu học, họ hàng và bạn bè đều mong tôi có thể đi học nghề, để có thể giúp đỡ cho mẹ. Tôi cũng biết mình phải đi làm để kiếm cơm ăn, để giảm nhẹ sự vất vả và khó nhọc cho mẹ. Thế nhưng, tôi cũng mong mình được đi học tiếp. Tôi đã thi trộm và đỗ vào trường sư phạm—Đồng phục, cơm ăn, sách vở, nơi ở, đều do nhà trường cung cấp. Chỉ có như vậy tôi mới dám nói với mẹ về việc tiếp tục đi học của tôi. Đến trường học, phải nộp 10 đồng tiền đảm bảo. Đây là khoản tiền rất lớn. Mẹ khó khăn lắm trong suốt nửa tháng, mới kiếm được khoản tiền lớn này về, sau đó mẹ rưng rưng nước mắt tiễn tôi bước ra khỏi cửa. Mẹ không sợ vất vả, chỉ cần con trai mình có triển vọng. Đến khi tôi tốt nghiệp trường sư phạm, được phân công đến làm hiệu trưởng trường tiểu học, mẹ và tôi suốt cả đêm không hề chợp mắt. Tôi chỉ nói có mỗi một câu: "Sau này, mẹ có thể nghỉ ngơi một chút rồi". Mẹ chỉ trả lời tôi bằng những dòng nước mắt rơi lã chã.

    Đường đời của con cái không bao giờ thuận theo phương hướng cha mẹ đã vạch sẵn mà đi lên phía trước, cho nên mẹ thường không tránh khỏi phải đau lòng. Năm tôi 23 tuổi, mẹ yêu cầu tôi phải kết hôn, nhưng tôi không chịu. Tôi nhờ chị Ba nói giúp tôi, mẹ đành phải vừa gật đầu vừa chảy nước mắt. Tôi yêu mẹ, song tôi lại làm mẹ đau lòng nhất. Thời cuộc đã khiến tôi trở thành người con không nghe lời mẹ. Năm 27 tuổi, tôi sang Anh du học. Vì lợi ích cá nhân mà tôi lại lần thứ hai đả kích người mẹ đã hơn 60 tuổi. Hôm làm lễ mừng thọ mẹ 70 tuổi, tôi vẫn còn ở nước ngoài xa xôi. Hôm ấy, nghe các chị kể lại với tôi rằng, mẹ chỉ uống có hai hớp rượu xong là lên giường đi ngủ rất sớm. Mẹ nhớ thằng con trai út của mẹ, nhưng lại không nói ra.

    Sau cuộc kháng chiến mồng 7 tháng 7, tôi từ thành phố Tế Nam chạy chốn ra ngoài. Thành phố Bắc Bình lại bị quân Nhật chiếm cứ, thế nhưng người con trai út mà mẹ ngày đêm mong nhớ thì lại chạy xuống vùng Tây Nam. Mẹ thương nhớ tôi như thế nào, tôi có thể tưởng tượng nổi, thế nhưng tôi không sao trở về được. Mỗi lần nhận được thư nhà, là tôi lại không dám bóc ra xem, tôi sợ, sợ, sợ có tin dữ truyền đến. Con người, cho dù có sống đến tám chín chục tuổi, chỉ cần mẹ vẫn sống thì ít nhiều vẫn còn có tính trẻ con. Nếu mẹ mất, thì chẳng khác gì hoa cắm trong bình vậy, tuy vẫn còn hương sắc, nhưng đã không còn gốc rễ.

    Cả một năm ngoái, tôi không tìm thấy trong thư kể về tình hình sinh hoạt của mẹ. Tôi lo lắng, sợ hãi. Tôi tưởng tượng được rằng, họa chăng có sự không may, mọi người trong nhà thương tôi đang phải sống xa nhà cô đơn, không nỡ lòng cho tôi biết tin. Sinh nhật của mẹ là tháng 9, vào trung tuần tháng 8 tôi đã gửi thư chúc thọ mẹ, tôi tính toán ngày thư đến nhà sẽ vào trước sinh nhật của mẹ. Trong thư tôi cứ dặn đi dặn lại phải viết tường tận nội dung buổi lễ chúc thọ mẹ, để tôi không cần phải hoài nghi. Ngày 26 tháng 12, tôi nhận được thư nhà. Tôi không dám bóc ra. Trước khi đi ngủ, tôi mới bóc thư, thì ra mẹ qua đời đã một năm rồi.

    Mẹ cho tôi sự sống. Tôi khôn lớn nên người, là do xương máu mồ hôi của mẹ vun tưới nuôi dưỡng mà thành. Tôi có thể trở thành một con người không đến nỗi kém cỏi, là do sự cảm hóa của mẹ. Đức tính và thói quen của tôi, là do mẹ truyền lại. Suốt cuộc đời, mẹ chưa từng được hưởng một ngày hạnh phúc nào, trước khi qua đời, mẹ còn phải ăn thức ăn thô. Ôi!còn nói gì được đây? Đau lòng!đau lòng!

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>