• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Mạc Ngôn:Vì sao tôi lại viết "Gia tộc Cao lương đỏ"

    2013-12-16 13:42:00     CRIonline

    Mạc Ngôn

    Cao lương đỏ là một trong chín bộ tiểu thuyết dài của tôi, song nó lại là tác phẩm có sức ảnh hưởng nhất, bởi vì cho đến nay, rất nhiều người hễ nhắc đến Mạc Ngôn là thường gắn liền với tác giả của tiểu thuyết Cao lương đỏ. Phần một của Cao lương đỏ được hoàn thành vào mùa đông năm 1984, lúc bấy giờ tôi còn đang là sinh viên chuyên ngành Văn học Học viện Văn nghệ Quân giải phóng. Cảm hứng để sáng tác nảy ra có chút ngẫu nhiên. Đó là trong một cuộc họp thảo luận về đề tài sáng tác văn học, một số nhà văn lão thành đưa ra một vấn đề thế này: Kể từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải trải qua các cuộc chiến tranh trong suốt 28 năm. Các nhà văn lão thành đã từng trải nghiệm qua chiến tranh, có rất nhiều tư liệu, nhưng họ lại không còn đủ tinh lực để sáng tác nữa, bởi vì năm tháng sung sức nhất của tuổi trẻ đã buộc phải gác lại trong "Cuộc Đại cách mạng văn hóa" rồi; nhưng các bạn trẻ có tinh lực lại không có sự từng trải trong chiến tranh, vậy thì họ làm thế nào để thông qua hình thức văn học phản ánh giai đoạn lịch sử chiến tranh một cách tốt hơn?

    Cao lương đỏ

    Lúc đó, tôi đứng dậy phát biểu rằng: "Chúng ta có thể thông qua các phương thức khác để bù đắp cho sự khiếm khuyết này. Chưa từng nghe qua tiếng súng tiếng pháo đạn thật, nhưng tôi nghe qua tiếng đốt pháo; chưa từng chứng kiến cảnh giết người, nhưng tôi đã chứng kiến cảnh giết lợn, thậm chí còn đích thân chọc tiết gà; Không có dịp đích thân giáp lá cà lưỡi lê với quân Nhật nhưng tôi đã được xem trên phim. Sáng tác văn học của nhà văn không cần phải photo lại lịch sử, vì đó là nhiệm vụ của các nhà sử học. Nhà văn sáng tác đề tài chiến tranh - hiện tượng ngu muội trong tiến trình lịch sử của loài người, sự biểu hiện của họ trong tác phẩm là chiến tranh đã bóp méo tâm hồn của con người, hoặc là sự thay đổi của tính cách con người trong chiến tranh. Xét từ ý nghĩa này, những ai cho dù chưa trải nghiệm qua chiến tranh, cũng có thể sáng tác văn học mang đề tài chiến tranh".

    Phim truyện  Cao lương đỏ

    Sau khi tôi phát biểu, có người liền cười khỉnh. Sau đó, lại còn có người cho tôi là ngông cuồng vô tri, ví tôi là "Hòa thượng đội ô vô pháp (tóc) vô thiên", bảo tôi là cái thằng đâm mạnh xuống đáy đĩa không biết đâu là nông sâu. Trong cuộc đời sáng tác văn học của tôi, đã có mấy lần tôi ép buộc mình đến tận bên bờ vực thẳm. Để minh chứng cho quan điểm của mình là chính xác, tôi cần phải cầm bút sáng tác ngay lập tức, viết bộ tiểu thuyết về đề tài chiến tranh. Nhưng trước khi đặt bút, tôi đã phải đắn đo một cách khó nhọc. Tôi phát hiện có rất nhiều tiểu thuyết được phát hành vào thời kỳ trước khi nổ ra cuộc "Đại cách mạng văn hóa" thực ra đều mang đề tài chiến tranh, song những bộ tiểu thuyết lúc bấy giờ chỉ theo đuổi hình thức tái hiện chiến tranh. Một bộ tiểu thuyết, thường cứ bắt đầu từ động viên trước khi xảy ra chiến tranh cho đến khi chiến dịch thắng lợi, tác giả chỉ chú trọng quá trình diễn ra chiến tranh, mà tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của bộ tiểu thuyết thông thường là xem nó tái hiện quá trình diễn biến chiến tranh có chân thật hay không. Thế hệ nhà văn mới nếu như sáng tác vẫn với hình thức như vậy thì thể nào cũng không thể bằng được các nhà văn cao tuổi từng đích thân trải nghiệm qua chiến tranh, mà cho dù có sáng tác hay như tác phẩm của các nhà văn lớp trước thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi cho rằng, chiến tranh chẳng qua chỉ là nhà văn mượn bối cảnh để sáng tác mà thôi, lợi dụng môi trường đó để thể hiện những thay đổi về tính cách con người trong bối cảnh điều kiện đặc biệt. Ví dụ như bộ phim truyện nổi tiếng của Liên Xô cũ Người thứ bốn mươi mốt, viết về một nữ chiến sĩ Hồng quân mang trong mình sự căm thù sâu sắc, sau khi đã tận tay bắn chết 40 tên Bạch vệ, cô đã làm nhiệm vụ áp giải tù binh. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, đoàn người bị đánh phân tán khắp nơi, nữ Hồng quân này đã cùng với một viên sĩ quan tù binh khôi ngô tuấn tú, có tài năng nghệ thuật lưu lạc đến một hòn đảo hoang vắng không người ở; ngày lâu tháng dài, hai người nảy sinh tình cảm với nhau, rồi bắt đầu ở chung với nhau, hai người đều đã quên đi thân phận giai cấp của mình. Bỗng một hôm, có chiếc tàu thủy lớn của quân Bạch vệ chạy đến, viên sĩ quan kia liền bơi về phía chiếc tàu thủy lớn. Tính giai cấp trong nữ Hồng quân lúc này bỗng bừng tỉnh, chị bồng súng lên, hướng về viên sĩ quan Bạch vệ, và cũng là người yêu của mình mà nổ súng, bắn chết anh ta ngay trên bãi biển. Cốt truyện như vậy không bao giờ có thể xảy ra trong đời thường, tác giả đã tạo nên bối cảnh như vậy, đã đưa nhân vật vào đó mà tiến hành thử nghiệm. Đây chính là cái gọi là "phòng thí nghiệm tâm hồn của loài người". Với quan niệm như vậy, với thủ pháp sáng tác như vậy trong con mắt ngày nay quả là tương đối phù hợp với quy luật sáng tác văn học, song vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi Trung Quốc vừa trải qua một quá trình tư tưởng bị cấm cố trong quãng thời gian dài, cho nên bị nhiều người chất vấn và không thể chấp nhận được.

    Nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học năm 2012

    Từ chỗ xuất phát như vậy, tôi bắt đầu bắt tay vào việc vắt óc cấu tứ cốt truyện, trước hết tôi liên tưởng đến gia đình mình. Hồi tôi còn nhỏ, thời tiết quê tôi cũng khác với hiện nay, cứ mưa thường xuyên, mỗi khi đến mùa hè mùa thu là lụt lội lan tràn, các loài cây trồng thấp thường bị nước ngập ngâm thối cả gốc, chỉ có thể trồng cây cao lương là ổn, vì cây cao lương thân cứng và cao. Lúc bấy giờ dân số quê tôi ít, đất đai rộng lớn, cứ đến mùa thu, vừa ra khỏi thôn là trước mắt hiện lên cánh đồng cây cao lương chạy dài bất tận. Vào cái thời "ông nội bà nội tôi", mưa càng lớn hơn, dân số càng ít, cây cao lương càng cao hơn, nhiều cây cao lương cho mãi đến mùa đông rồi nhưng cũng chưa được cắt, chúng trở thành tấm bình phong cho các hảo hán lục lâm. Thế là tôi quyết định lấy cây cao lương làm bối cảnh, đưa câu chuyện chống Nhật và câu chuyện tình yêu quyện vào trong đó. Về sau nhiều nhà phê bình cho rằng, trong tiểu thuyết của tôi, cây cao lương đỏ đã không còn là một loại thực vật, mà đã trở thành ý nghĩa của một tượng trưng nào đó, tượng trưng cho tinh thần dân tộc. Sau khi đã xác định chiếc khung đó rồi, tôi chỉ mất có một tuần lễ là đã hoàn thành phần đầu cho bộ tiểu thuyết từng có sự ảnh hưởng trong làng văn học Trung Quốc thời đại mới.

    Cao lương

    Cội nguồn cuốn tiểu thuyết Cao lương đỏ là từ câu chuyện có thật, chuyện xảy ra ở một thôn ngay cạnh thôn làng tôi sinh sống. Trước hết là quân du kích đánh xong một trận phục kích đầu cầu trên sông Giao Thái, tiêu diệt một phân đội quân Nhật, đốt cháy một chiếc xe quân sự của chúng, đây là chiến thắng tuyệt vời lúc bấy giờ. Mấy hôm sau, một đại đội binh mã của bọn Nhật trở lại trả thù, nhưng quân du kích đã chạy trốn hết không còn một ai, quân Nhật liền giết chết hơn trăm dân làng, rồi cho đốt cháy hết cả nhà cửa thôn xóm.

    Hình tượng người phụ nữ được khắc họa một cách sinh động và đầy đủ trong cuốn Cao lương đỏ chính là "bà nội tôi", và đã mang lại thành công cho vai diễn của Củng Lợi trong bộ phim truyện Cao lương đỏ. Song trong thực tế tôi lại không mấy hiểu biết về các chị em phụ nữ, tôi miêu tả người phụ nữ chỉ là trong sự tưởng tượng của tôi. Đối với cuộc sống hiện thực của nông thôn những năm ba mươi của thế kỷ trước, có lẽ rất ít có tác phẩm nào miêu tả về người phụ nữ như trong tiểu thuyết của tôi, "bà nội tôi" cũng là nhân vật trong trí tưởng tượng mà thôi. Nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của tôi có sự khác biệt so với các chị em phụ nữ mà chúng ta thường thấy ngày nay, tuy rằng đức tính cần cù chịu thương chịu khó đều như nhau, song sự lãng mạn của họ lại rất độc đáo.

    Củng Lợi, Mạc Ngôn, Khương Văn và Trương Nghệ Mưu

    Tôi luôn luôn cho rằng, một nhà văn giỏi cần phải có đề tài sáng tác độc đáo, một cuốn tiểu thuyết hay tất nhiên cũng cần phải có tính sáng tạo độc đáo. Tiểu thuyết Cao lương đỏ có thể gây nên sự chấn động như vậy, nguyên nhân là vì nó có tính độc đáo riêng. Sau hơn hai mươi năm, điều tôi cảm thấy hài lòng với Cao lương đỏ vẫn là thủ pháp thuật chuyện; trong các bộ tiểu thuyết trước đây có ngôi xưng hô thứ nhất, ngôi xưng hô thứ hai và ngôi xưng hô thứ ba, nhưng trong tiểu thuyết Cao lương đỏ ngay từ chương mở đầu đã là nhân vật "bà nội tôi", "ông nội tôi", vừa có ngôi xưng hô thứ nhất lại vừa có góc độ toàn diện. Khi viết đến đại từ "tôi" là ngôi xưng hô thứ nhất, và khi viết đến "bà nội tôi", thì lại từ góc độ "bà nội tôi", nội tâm của bà có thể bày tỏ một cách rất trực tiếp, khi thuật chuyện hết sức tiện lợi. Như vậy sẽ phong phú hơn rất nhiều, rộng thoáng hơn rất nhiều so với góc độ ngôi xưng thứ nhất một cách đơn giản của nhân vật.

    Có người cho rằng, tôi sáng tác Cao lương đỏ và hàng loạt tác phẩm khác có chịu sự ảnh hưởng của nhà văn Colombia Márquez, đây chẳng qua chỉ là sự võ đoán mà thôi. Bởi vì tác phẩm Trăm năm cô đơn của nhà văn Márquez sau khi được dịch sang tiếng Trung thì cho đến mùa xuân năm 1985 tôi mới có dịp đọc. Còn phần một Cao lương đỏ của tôi lại hoàn thành vào mùa đông năm 1984, khi viết đến bộ ba Cẩu đao của Cao lương đỏ thì tôi mới có dịp đọc cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này của ông ấy. Thế nhưng, tôi cũng cảm thấy rất đáng tiếc là, vì sao mà không nghĩ ra phương pháp sáng tác như vậy sớm hơn nhỉ? Giả như trước khi tôi cất bút mà có dịp đọc tác phẩm của nhà văn Márquez, thì có lẽ bộ tiểu thuyết Cao lương đỏ sẽ xuất hiện với bộ mặt hoàn toàn khác rồi.

    Củng Lợi trong Phim truyện  Cao lương đỏ

    Tôi cho rằng, không cần phải nghi ngờ gì nữa, các nhà văn ở vào độ tuổi tôi thì đều chịu sự ảnh hưởng của văn học phương Tây, bởi vì vào trước những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc còn đang trong tình trạng bế quan toả cảng, nền văn học phương Tây đã có những thay đổi gì? Đã xuất hiện những các nhà văn nào? Đã xuất hiện những tác phẩm tuyệt vời nào? Đây là những điều mà chúng tôi đều không biết. Sau cuộc cải cách mở cửa, rất nhiều tác phẩm văn học của phương Tây đã tràn vào và được dịch sang tiếng Trung, chúng tôi từng có giai đoạn đọc điên cuồng trong khoảng hai, ba năm, do đó mà chịu sự ảnh hưởng một cách rất tự nhiên, và rồi vô tình áp dụng phương pháp sáng tác của một nhà văn phương Tây nào đó vào trong tác phẩm của mình.

     

    Tại sao một bộ tiểu thuyết mang đề tài lịch sử và chiến tranh lại gây nên sự phản ứng mạnh đến như vậy nhỉ? Tôi cho rằng, bộ tiểu thuyết này đã diễn tả tâm trạng chung của người Trung Quốc lúc bấy giờ, quyền tự do của con người bị ức chế sau một thời gian dài, Cao lương đỏ đã phô bày tinh thần giải phóng cá tính, đó là dám nói, dám nghĩ và dám làm. Song, lúc bấy giờ tôi lại không hề ý thức được ý nghĩa xã hội trong sáng tác của mình, và cũng không nghĩ đến rằng người dân bình thường cần có được những thứ đó. Giá như hiện nay mà sáng tác bộ Cao lương đỏ, thì cho dù tôi có viết "dã" gấp mấy lần đi nữa thì cũng không thể gây nên sự phản ứng mạnh như vậy nữa rồi. Các độc giả ngày nay, có loại tác phẩm văn học nào mà chưa đọc qua. Cho nên, mỗi người trong chúng ta đều có vận mệnh riêng của mình, và mỗi bộ tiểu thuyết cũng đều có vận mệnh của nó.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>