Cộng sinh cùng thắng, doanh nghiệp Trung-Việt cùng nhau vươn ra toàn cầu

2024-10-21 13:51:47(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Vào ngày cuối cùng của tháng 7 năm nay, TCL đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm toàn cầu hóa tại LANDMARK 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam. Trước đó không lâu vào ngày 18/7, hãng xe Trung Quốc BYD cũng đã tổ chức một buổi ra mắt hoành tráng tại Việt Nam, giới thiệu ba mẫu xe với mức giá khởi điểm từ 659 triệu đồng.

“TCL không có lợi nhuận trong 18 tháng đầu tiên hoạt động tại Việt Nam,” ông Đinh Vĩ, Tổng Giám đốc công ty TCL chi nhánh Việt Nam thuộc bộ phận tiếp thị châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ về quá trình phát triển tại Việt Nam: “Thông qua việc tùy chỉnh sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng địa phương, chúng tôi dần dần được thị trường Việt Nam tiếp nhận, hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương chuyển đổi và nâng cấp, đồng thời cùng với các đối tác Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.”

Năm 1999, TCL đã mua lại nhà máy sản xuất TV màu của Tập đoàn Lục Thị Hong Kong tại tỉnh Đồng Nai, Việt Nam và xây dựng nhà máy sản xuất TV đầu tiên ở nước ngoài. Lúc đó, thương hiệu TCL tại Việt Nam gần như không được biết đến. Ông Đinh Vĩ cho biết, công ty đã phát triển một mẫu TV chống sét đặc biệt cho thị trường Việt Nam, có khả năng duy trì tín hiệu mạnh trong điều kiện khí hậu và địa hình phức tạp. Nhân viên công ty đã dùng xe máy chở từng chiếc TV đến các thôn làng, áp dụng chiến lược “nông thôn bao vây thành thị” để không ngừng mở rộng thị trường.

Hiện tại, TCL có 3 nhà máy tại Việt Nam, trong đó nhà máy TCL sản xuất thiết bị điện tử thông minh tại Bình Dương là nhà máy lớn nhất, chuyên sản xuất TV thương hiệu TCL, dự kiến giá trị sản lượng năm nay sẽ đạt 1 tỷ USD. Ở khu vực phía Nam Việt Nam, TCL là doanh nghiệp lớn thứ hai, chỉ đứng sau Samsung.

Việc TCL hợp tác với các đối tác Việt Nam để vươn ra thị trường toàn cầu là một hình ảnh thu nhỏ cho các doanh nghiệp Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỷ trọng của các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng, thúc đẩy đáng kể xuất khẩu tổng thể tăng trưởng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng đầu trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam với giá trị vượt 10 tỷ USD.

Những năm gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự hiện diện của các thương hiệu Trung Quốc ngày càng nhiều. Nhiều doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang mở rộng sang các khu công nghiệp ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Cách đây 5 năm, Công ty TNHH Đặc Vi Việt Nam, thuộc Tập đoàn Thiết bị điện tử Quảng Vi Thượng Hải, đã bắt đầu hành trình “Sản xuất tại Việt Nam” tại khu vực phía Bắc Việt Nam, sản xuất các sản phẩm như dây ắc quy khởi động ô tô và bộ nguồn khởi động khẩn cấp ô tô đa chức năng. Hiện tại, ông Dương Dũng, Tổng Giám đốc công ty đang tất bật chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy tự động hóa chính xác cao mới, dự kiến sẽ được đấu thầu vào tháng 11: “Năm 2020, hơn 30% nguyên liệu sản xuất của chúng tôi được mua tại địa phương ở Việt Nam và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào nửa cuối năm nay.”

Cộng sinh cùng thắng là trào lưu chính trong quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung-Việt hướng tới toàn cầu. Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày càng có nhiều tập đoàn Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, năng lượng tái tạo đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho biết, chất lượng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Trước đây, đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, nhưng giờ đây, vốn Trung Quốc đã chuyển sang các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử và điện lực. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quy mô quốc tế đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, gia công chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, ô tô điện...

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2024 đã kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị và dự án công nghệ cao tại Việt Nam. Ông hy vọng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ coi trọng và tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.

Biên tập viên:Duy Hoa