Có những ngành nghề mới nào vừa chơi vừa kiếm tiền trong giới trẻ Trung Quốc?
Nói đến du lịch truyền thống, chủ yếu có hai kiểu là tham gia theo đoàn hoặc là đi tự do. Nhưng ngày nay, cùng với sự cá nhân hóa và phẩm chất hóa của du lịch, một số ngành nghề mới hội tụ sở thích cá nhân và kỹ năng nghề nghiệp lặng lẽ nổi lên trong giới trẻ Trung Quốc, ví dụ: người thiết kế sản phẩm du lịch, thợ chụp ảnh đi cùng, người leo núi cùng, người tổ chức du lịch kết hợp học tập, quản lý “home stay”, v.v..
Trong khuôn viên Đại học Sư phạm Giang Tây, nghiên cứu sinh thạc sĩ năm thứ hai Tiểu Thanh tận dụng thời gian rảnh rỗi làm thêm công việc thiết kế sản phẩm du lịch, cô đang lên lịch trình cho du khách sắp đến địa phương du lịch. Dịch vụ của cô tập trung vào các cửa hàng nhỏ chính hiệu Nam Xương chưa được đánh dấu trên bản đồ du lịch: “Có lần đón hai bạn nữ sinh viên đến từ Sơn Tây, chúng tôi đi vào các ngõ hẻm trên đường Thắng Lợi, trải nghiệm cuộc sống ngày thường của người Nam Xương gốc. Các bạn ấy nói đó là một ngày khó quên trong chuyến du lịch lần này”.
Vương Hinh Đồng là một sinh viên chuyên ngành nghệ thuật truyền thông số Đại học Công nghệ Thanh Đảo, cũng là một thợ chụp ảnh cùng nghiệp dư: “Tôi vốn thích chụp ảnh, kỳ nghỉ hè năm ngoái không có việc gì, tôi đã bắt đầu thử đi chụp ảnh cùng tại Thanh Đảo, hiện nay, tôi có khoảng hơn 200 khách hàng. Trong số khách hàng, có khá nhiều các cô gái trẻ đi du lịch một mình, cũng có người đi cùng người nhà, cũng có người đi cùng bạn trai, nhưng trình độ chụp ảnh không cao”.
Tháng 6 năm nay, La Du năm nay 23 tuổi cuối cùng cũng leo lên đỉnh núi Phạn Tịnh Sơn trên độ cao 2572 mét so với mực nước biển ở tỉnh Quý Châu. Thông qua mạng xã hội, cô đã tìm được một nhà leo núi trẻ giàu kinh nghiệm ở địa phương, bỏ ra 300 Nhân dân tệ để mua dịch vụ leo núi: “Đối phương chia chi tiết hành trình leo núi hơn 5 tiếng đồng hồ thành nhiều đoạn khác nhau, mỗi đoạn leo núi khó đều có giảng giải. Trên đường leo núi, người đó đã giúp tôi chụp nhiều ảnh đẹp, tôi có mấy lần cảm thấy thể lực giảm sút, muốn từ bỏ. Nhưng dưới sự hướng dẫn và khích lệ của người leo núi cùng, cuối cùng cũng thuận lợi leo đến đỉnh núi”.
Nghề mới trong lĩnh vực du lịch xuất hiện trong vài năm gần đây còn có tổ chức du lịch kết hợp học tập và quản lý “home stay”. Người tổ chức du lịch kết hợp học tập chủ yếu phụ trách lên kế hoạch và thực hiện phương án du lịch kết hợp học tập cho học sinh, tổ chức và hướng dẫn triển khai hoạt động trải nghiệm du lịch kết hợp học tập. Trong khi đó, quản lý “home stay” cung cấp cho khách hàng các dịch vụ theo yêu cầu như chỗ ở, ăn uống cũng như hoạt động trải nghiệm môi trường tự nhiên, văn hóa và cuộc sống ở địa phương.
Nghề mới vừa chơi vừa kiếm tiền đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Giáo sư Đặng Đức Trí của Trường Nghề Du lịch Chiết Giang phân tích cho biết: “Nghề mới không phải tự nhiên mà có, đằng sau một nghề mới, trên thực tế đã có số lượng người tham gia với quy mô nhất định. Ví dụ, sự xuất hiện của nhân viên tuần tra cứu hộ sân trượt tuyết và quản lý nơi cắm trại, chính là nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch đặc biệt của người tiêu dùng đối với du lịch đặc biệt như mạo hiểm và nghỉ ngơi ngoài trời, trong khi đó, người tổ chức du lịch kết hợp học tập lại là hướng đến nhu cầu du lịch kết hợp học tập đang tăng lên.
Những “nghề mới” này trong du lịch có tiềm năng phát triển trong tương lai không? Nó có ảnh hưởng thế nào đối với ngành du lịch Trung Quốc?
Phó Giáo sư Chu Quảng Túc của Học viện Nhân sự lao động Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, sự xuất hiện của ngành nghề mới, công việc mới vừa có mặt tích cực, cũng có thể mang đến một số thách thức. Các doanh nghiệp du lịch cần phải tích cực nắm bắt cơ hội tốt chuyển đổi và nâng cấp, thu hút càng nhiều nhân tài có tinh thần sáng tạo và dày công trau dồi chuyên ngành tham gia, không ngừng đổi mới sản phẩm và mô hình dịch vụ.
Cũng có chuyên gia cho biết, đối với nghề mới trong du lịch, nhà nước cần phải khẩn trương tăng cường độ hướng dẫn và quản lý. Ví dụ như nghề chụp ảnh đi cùng có yêu cầu khá thấp, không ngừng có thêm người mới gia nhập vào nghề này. Trên thị trường thường thấy giá cả của người chụp ảnh đi cùng từ 30-40 cho đến 200 Nhân dân tệ/giờ, nhưng cũng có người ác ý phá giá, thậm chí hạ giá xuống còn 15 Nhân dân tệ/giờ, quyền lợi của khách hàng rất khó bảo đảm.
Biên tập viên:Duy Hoa