Vì sao hòa giải nội bộ Palestine lại diễn ra ở Bắc Kinh

2024-07-24 11:09:42(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Ngày 23/7, ở Bắc Kinh, sự nghiệp giải phóng Palestine đón chào một thời khắc mang tính lịch sử quan trọng, sau 3 ngày đối thoại hòa giải nội bộ, 14 phe phái Palestine cùng ký kết “Tuyên bố Bắc Kinh về kết thúc chia rẽ, tăng cường đoàn kết dân tộc Palestine”. Tuyên bố xác định rõ Tổ chức Giải phóng Palestine là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine và đạt được nhất trí về quản lý dải Gaza sau chiến tranh, thành lập chính phủ hòa giải dân tộc chuyển tiếp.

Đây là một lần hòa giải lớn không dễ gì đạt được, là một bước đi quan trọng hướng tới đạt được hòa bình tại Trung Đông, mang lại niềm hy vọng và tương lai cho nhân dân Palestine chịu nhiều khổ đau. Trong bài phát biểu, trưởng đoàn đại biểu Fatah và trưởng đoàn đại biểu Hamas thay mặt các phe phái Palestine cảm ơn Trung Quốc lâu nay đã dành sự ủng hộ kiên định và giúp đỡ vô tư cho Palestine, đánh giá cao Trung Quốc đã bênh vực lẽ phải và chính nghĩa cho Palestine trên trường quốc tế. Đài truyền hình Al Arabiya Saudi Arabia ra bình luận rằng, hành động ngoại giao của Trung Quốc thể hiện sự gánh vác trách nhiệm, “đáng ghi nhận” “đáng khâm phục”.

Vì sao các phe phái Palestine có thể đạt được hòa giải tại Bắc Kinh? Đó là bởi vì trên vấn đề Palestine, Trung Quốc không hề có bất kỳ lợi ích riêng nào, luôn luôn đứng về phía hòa bình. Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Palestine – Isarel vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần nêu rõ lập trường và chủ trương của Trung Quốc, kêu gọi lập tức ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh, phòng ngừa và ngăn chặn cuộc xung đột leo thang, nhấn mạnh lối thoát căn bản là thực hiện “giải pháp hai nhà nước”, thúc đẩy vấn đề Palestine sớm được giải quyết toàn diện, công bằng, lâu dài.

Điều đáng nhắc tới là, việc ký kết “Tuyên bố Bắc Kinh” còn phá vỡ âm mưu của một số nước phương Tây về vấn đề Palestine – Israel. Vài năm qua đặc biệt là sau khi bùng phát cuộc xung đột Palestine – Israel, một số nước phương Tây không ngừng phủ nhận “giải pháp hai nhà nước”, một trong những lý do chính là cho rằng giữa các phe phái Palestine có nhiều mâu thuẫn, “không còn là một mặt trận thống nhất”.

Đương nhiên, việc giải quyết các mâu thuẫn giữa các phe phái nội bộ Palestine không thể thực hiện trong một sớm một chiều, các phe phái có khả năng sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong việc thực hiện cụ thể “Tuyên bố Bắc Kinh”. Nhưng “Tuyên bố Bắc Kinh” có thể gắn kết nhận thức chung đã là một bước đi quan trọng để sự nghiệp giải phóng Palestine tiến về phía trước.

Biên tập viên:Hải Vân