Ngày 25/6 vừa qua, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án đường sắt lớn tại Việt Nam”, thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp. Thông tin được đưa ra sau buổi làm việc cùng ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các tập đoàn đường sắt, năng lượng hàng đầu Trung Quốc tại thành phố Đại Liên bên lề sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Trong buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp đường sắt Trung Quốc phối hợp với phía Việt Nam để thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; nghiên cứu, triển khai các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi với Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế, Giáo sư - Tiến sỹ khoa học (GS-TSKH) Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, việc chính phủ Việt Nam mời các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác là hoàn toàn dễ hiểu.
Trung Quốc là quốc gia có thế mạnh về phát triển đường sắt, hiện đang sở hữu mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới. Công nghệ xây dựng và vận hành đường sắt của Trung Quốc cũng rất tốt, vị chuyên gia đánh giá. Ông chia sẻ đã từng đến thăm nhiều đô thị lớn của Trung Quốc, ngay cả những đô thị sát biên giới Việt Nam đều đã có hệ thống tàu điện ngầm rất hiện đại, hạ tầng kết nối đồng bộ, giao thông vô cùng tiện lợi.
GS- TSKH Nguyễn Mại là một trong 9 chuyên gia hàng đầu được Bộ Giao thông vận tải Việt nam mời vào Tổ tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài
Theo vị chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang chủ trương hiện đại hoá, đồng bộ hạ tầng cơ sở giao thông kể cả đường sắt, đường bộ. Theo kế hoạch tới 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tổng vốn cho kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông khoảng 84,5 tỷ USD.
“Nếu không có gì thay đổi thì theo quyết định mới nhất của Bộ Chính trị, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể khởi công vào năm 2026 - 2027. Tất cả thành viên Ban chỉ đạo dự án cùng các chuyên gia tư vấn đều đồng thuận sẽ nỗ lực hoàn thành trục đường sắt cao tốc Bắc - Nam sớm nhất có thể, dự kiến trong vòng 10 năm, thậm chí nếu làm tốt thì có thể nhanh hơn,” Giáo sư Nguyễn Mại cho biết.
Cuối năm 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam, hai bên đã ký 36 văn kiện hợp tác trong đó có cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (tuyến cũ) để kết nối Vân Nam với cảng biển Hải Phòng (Vân Nam không có cảng biển, đi từ Vân Nam đến Hải Phòng nhanh hơn các cảng biển khác của Trung Quốc). Dự án này đã được ký kết và có khả năng triển khai sớm hơn dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, hai nước cũng đang tiếp tục thảo luận hợp tác xây dựng thêm tuyến Lạng Sơn - Hà Nội và tuyến Hà Nội - Móng Cái khổ đường ray 1,45 m, tốc độ tàu 220 km/h. Đây là những tuyến đường sắt rất quan trọng với Việt Nam, đi qua các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam, kết nối với sân bay, bến cảng và cửa khẩu giáp Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Mại đánh giá. Trước mắt, chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo nhanh chóng triển khai 3 dự án này kết nối với Trung Quốc, hy vọng giữa năm 2025 có thể bắt đầu dự án đầu tiên là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
“Như vậy, xuất phát từ nhu cầu kết nối của hai phía và thế mạnh của phía bạn, việc đề nghị các đối tác Trung Quốc tham gia tư vấn, đầu tư, thiết kế, thi công các tuyến đường sắt; hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm huy động vốn… là hoàn toàn đúng đắn,” vị chuyên gia khẳng định.
GS-TSKH Nguyễn Mại bày tỏ sự vui mừng khi phía các doanh nghiệp Trung Quốc đồng tình hợp tác với Việt Nam theo đúng chủ trương của chính phủ Trung Quốc.
Từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, giao thương 2 nước phát triển nhanh chóng, thuận lợi, đặc biệt là giao thương qua biên giới. Lượng hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, từ 15-20%, thậm chí có nơi tăng 25% các mặt hàng như trái cây, nông sản,…giúp cán cân thương mại Việt Nam dịch chuyển theo hướng cân đối hơn. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh vào Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc đứng đầu các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào quốc gia Đông Nam Á. Xu thế này tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay.
“Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sắt nói trên sẽ thúc đẩy kết nối hiệu quả hơn giữa hai thị trường Việt Nam - Trung Quốc nhờ tốc độ nhanh hơn, năng lực vận tải lớn hơn và dịch vụ tốt hơn. Với việc giảm chi phí lưu thông của các yếu tố sản xuất, kích thích dòng chảy mới của hàng hoá, nhân sự, công nghệ…, những tuyến đường sắt này sẽ góp phần định hình lại bản đồ hợp tác chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp xuyên biên giới Việt -Trung, trở thành động lực mạnh mẽ cho kinh tế hai nước,” Giáo sư Nguyễn Mại khẳng định.
Biên tập viên:Hạ Vi