Để mỗi người yêu tiếng Trung là một đại sứ của tình hữu nghị

2024-05-01 15:31:40(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Cùng với sức ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, việc học tập tiếng Trung cũng trở thành một “cơn sốt” trên toàn cầu. Nhu cầu học tập tiếng Trung gia tăng không chỉ ở những người đi làm, sinh viên đại học muốn tìm cơ hội nghề nghiệp tốt, mà còn ở cả các em học sinh trung học phổ thông.

Tại Việt Nam, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nổi tiếng là một trong những cơ sở giáo dục đi đầu cả nước về chất lượng đào tạo bậc trung học. Trường hoạt động theo mô hình một trường chuyên toàn diện, tuyển sinh những học sinh có năng khiếu đặc biệt trong các môn học. Đây cũng là một trong số ít các trường trung học phổ thông trên toàn quốc có khối lớp chuyên tiếng Trung Quốc tuyển sinh hằng năm.

Chia sẻ với Đài chúng tôi, Nhà giáo Trần Thuỳ Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các em khối chuyên tiếng Trung đến trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không chỉ với ước mơ được trở thành học sinh tại một ngôi trường chuyên danh giá, mà còn với niềm đam mê và sự yêu thích đối với ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa. Gia đình và bản thân các em đã lựa chọn học tập tại đây vì tin tưởng rằng đây là nơi giúp các em thoả mãn niềm đam mê và tự mở ra cho mình một tương lai tươi sáng.

Nhà giáo Trần Thuỳ Dương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam 

Theo nhà giáo Trần Thuỳ Dương, trên phương diện đào tạo thế hệ sau, Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ những tư tưởng giáo dục mang tính nguồn cội, nổi bật trong đó là tinh thần của Đạo Khổng. Quá trình tiếp nhận và vận dụng triết lý giáo dục của Khổng Tử ở Việt Nam là một trong những biểu hiện quan trọng của lịch sử hội nhập văn hoá Việt - Trung.

Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà văn hoá, nhà giáo dục lỗi lạc khi những triết lý của ông có sự ảnh hưởng sâu sắc đời sống văn hoá tinh thần của hầu hết các nước Á Đông. Trong suốt chiều dài lịch sử của nền giáo dục ở Việt Nam, Khổng Tử vẫn được tôn vinh như một nhà giáo dục tiên phong, một tấm gương mẫu mực cho đạo học để thầy và trò nhiều thế hệ noi theo. Những tư tưởng và phương pháp giáo dục của Khổng Tử rất khoa học, tiến bộ, nhân văn, gắn liền với quan niệm lấy đạo đức làm gốc rễ của quá trình tu dưỡng ở mỗi con người. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm giáo dục ở Việt Nam, ngay cả chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

“Với vị thế của ngôi trường tiên phong trong lĩnh vực giáo dục tại thủ đô, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn coi trọng việc học hỏi, áp dụng tinh thần giáo dục của Khổng Tử để nâng cao chất lượng của quá trình dạy và học bởi những quan niệm và phương pháp giáo dục của Khổng Tử rất phù hợp với đặc điểm và truyền thống của con người Việt Nam,” cô Trần Thuỳ Dương nói.

Hiện trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có ba lớp chuyên tiếng Trung thuộc các khối 10, 11, 12 với tổng cộng 88 học sinh theo học. Trong quá trình học tập, các em luôn chủ động tìm hiểu về văn hoá Trung Hoa, tích cực xây dựng và tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hoá Việt - Trung, vì đó là dịp để các em được thể hiện chính mình, được mở mang thêm kiến thức về ngôn ngữ tiếng Trung, thêm gắn bó và yêu thích với nền văn hoá độc đáo với bề dày truyền thống của Trung Quốc, hiệu trưởng Trần Thuỳ Dương chia sẻ.

 

Học sinh khối chuyên Trung trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
 trải nghiệm “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” tại Đại học Hà Nội 

Nữ nhà giáo đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, giao lưu văn hoá, giáo dục có vai trò quan trọng đối với việc phát huy tình hữu nghị bền vững Việt Nam - Trung Quốc. Giao lưu văn hoá, giáo dục vừa giúp thắt chặt mối quan hệ truyền thống, vừa tăng cường sự hiểu biết, nhận thức chung của các thế hệ trẻ - những người quyết định tương lai đất nước sau này. 

Hiện nay, quá trình giao lưu văn hoá Việt - Trung còn được thúc đẩy mạnh mẽ tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam qua các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm văn hoá được tổ chức với nhiều hình thức sáng tạo, hấp dẫn như Festival Xuân 2024 với sự tham dự của ông Trịnh Đại Vĩ - tham tán giáo dục cùng đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, cũng như buổi ghé thăm Đại sứ quán Trung Quốc của thầy trò nhà trường… Sắp tới đây, nhà trường mong muốn tổ chức một ngày hội văn hoá tiếng Trung, tương tự như những ngày hội về khoa học công nghệ, môi trường vốn đã thành thương hiệu, để học sinh khối chuyên Trung được thoả sức thể hiện chính mình.

Nguyễn Hà Anh - học sinh lớp 11 chuyên Tiếng Trung trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam biểu diễn đàn tranh 

Là một người học tập và nghiên cứu về ngôn ngữ, cô Trần Thuỳ Dương cho rằng bất đồng ngôn ngữ là một trong những rào cản lớn nhất trong giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc. Học tốt ngoại ngữ cũng giống như nắm trong tay chiếc chìa khoá mở ra kho tàng văn hoá của một quốc gia. Ngược lại, để học tốt ngoại ngữ, chúng ta cần tìm hiểu về văn hoá của dân tộc, của quốc gia ấy. Vì vậy, người học ngoại ngữ cũng đóng vai trò như một đại sứ thúc đẩy sự hiểu biết, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân các nước trên thế giới. Với những suy nghĩ đó, cô Trần Thuỳ Dương luôn mong muốn mỗi học sinh học tập tiếng Trung tại trường đều là những đại sứ, lan toả niềm đam mêniềm đam mê, khám phá văn hoá Trung Quốc tới nhiều bạn trẻ khác tại Việt Nam. 

“Tôi tin rằng với sự hiểu biết, năng động và tinh thần nhiệt huyết của mình, học sinh trường Ams có thể trở thành những đại sứ lan toả niềm đam mê, nhu cầu tìm tòi, khám phá văn hoá Trung Quốc tới nhiều bạn trẻ khác tại Việt Nam. Đó cũng là một sứ mệnh quan trọng của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong việc thắt chặt tình hữu nghị bền vững Việt - Trung,” hiệu trưởng Trần Thuỳ Dương khẳng định.

Phóng viên: Thanh Xuân

Biên tập viên:Mẫn Linh