Bình luận: Bao giờ Mỹ mới trả lại món nợ chất độc

2024-04-29 09:56:51(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Ngày 29/4 là Ngày tưởng niệm các nạn nhân của chiến tranh hoá học. Trong Chiến tranh Việt Nam và hàng loạt cuộc chiến do Mỹ phát động sau cuộc chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học và các loại vũ khí sát thương khác, gây ra những thảm họa bi thảm cho người dân Việt Nam, Iraq, Syria và các nước khác. Cho đến ngày nay, mặc dù tàn tích của cuộc chiến do Mỹ mang lại vẫn đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cho người dân và môi trường sinh thái nhưng phía Mỹ vẫn hết sức thờ ơ trong việc khắc phục hậu quả và bồi thường. Vậy đến khi nào Mỹ có thể trả hết “nợ chất độc” này?

31 nghìn lít chất độc màu xanh lá; 464 nghìn lít chất độc màu hồng; 548 nghìn lít chất độc màu tím; 8,2 triệu lít chất độc màu lam; 19,8 triệu lít chất độc màu trắng đã đổ xuống những cánh rừng Việt Nam.Và nhiều hơn tất cả, là 44 triệu lít chất độc da cam. Quân đội Mỹ, gọi đó là một “cầu vồng”. Họ đã vẽ một cầu vồng chết chóc trên bầu trời miền Nam Việt Nam từ 1961 đến 1971. Trong cầu vồng thuốc diệt cỏ ấy có 4 loại chứa dioxin, lần lượt theo hàm lượng từ cao tới thấp, là: hồng, xanh lá, tím và da cam.

Đó là một chiến dịch được thiết kế một cách ngẫu hứng, không chỉ bởi cách đánh mã những thùng thuốc vốn không màu theo một bảng màu một cách tùy hứng. Họ còn gắn sứ mệnh mới cho Gấu Smokey. Chú gấu này vốn là một biểu tượng của ngành kiểm lâm Mỹ, với khẩu hiệu nổi tiếng: “Chỉ có bạn mới ngăn được cháy rừng”. Trong chiến dịch rải cầu vồng tại Việt Nam, Gấu Smokey béo tròn lại xuất hiện. Nhưng lần này nó kêu gọi: “Chỉ có bạn mới ngăn được rừng”.

Hơn 20.000 chuyến bay xuất phát từ các căn cứ không quân tại miền Nam Việt Nam đã rải chất hóa học để hủy diệt những cánh  rừng, và chất màu lam dành riêng cho việc phá hoại các cánh đồng lương thực. Rất nhiều người lính của cả ba bên trong cuộc chiến đã chết dưới cầu vồng rực rỡ ấy.

“Chất độc da cam” bây giờ trở thành tên gọi chung cho dioxin và những nỗi đau mà nó để lại trên cơ thể của cả người Việt lẫn người Mỹ. Không phải vì người ta không biết rằng người Mỹ đã rải xuống Việt Nam cả một cầu vồng hóa chất, mà có lẽ bởi những bi thương mà nó tạo ra, gọi bằng cái tên nào chính xác hay không cũng không còn quan trọng. Nhiều người tin rằng chất độc da cam đã để lại di chứng tới đời thứ ba trong nhiều gia đình.

"Có quá ít nghiên cứu độc lập được tiến hành ở Việt Nam về hậu quả sức khỏe lên dân bản địa" - Chris Hodges, một cựu nhân viên ngoại giao của Mỹ cho biết, "Việc thiếu các dữ liệu chuẩn xác và nghiên cứu khoa học khiến việc xác định số người bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng rất khó khăn".

Đó là một luận điểm quen thuộc của chính phủ Mỹ khi bàn về vấn đề dioxin. “Không có bằng chứng” cho thấy chất độc da cam là nguyên nhân gây ra khuyết tật ở những đứa trẻ này.

Ngay cả tại Mỹ, nơi mà nạn nhân dioxin - các cựu binh tham chiến tại Việt Nam được thừa nhận, thì khi họ sinh ra những đứa con hoặc cháu khuyết tật, công cuộc chứng minh cũng rất cam go.

Đó là một sự đạo đức giả - Chuck Searcy, một nhà phân tích tình báo từng hoạt động tại Việt Nam thời chiến, tuyên bố. Cựu binh này đã ở lại Việt Nam gần 20 năm qua để chung tay giải quyết các vấn đề hậu chiến, như bom mìn và chất độc hóa học. "Đó là một sự hổ thẹn vì cả thế giới có thể thấy nó", ông Chuck Searcy nói khi bàn về vấn đề nạn nhân dioxin. Cả thế giới có thể thấy khuôn mặt của những đứa trẻ trong các gia đình có cha hoặc ông phơi nhiễm dioxin. Nhưng câu hỏi “bằng chứng đâu” trở thành chướng ngại kiên cố trên con đường họ đi tìm công lý. 

Những nạn nhân của Mỹ không chỉ gây ra tại Việt Nam. Theo thống kê, ngày nay, ở Iraq vẫn còn khoảng 25 triệu quả mìn và tàn dư chất nổ khác cần được xử lý. Tại Lào hiện còn có gần 30% trong khoảng 80 triệu quả bom chưa nổ, nằm rải rác trên 37% diện tích nước này. Mỹ cũng thả hơn 2,7 triệu tấn thuốc nổ xuống Campuchia và để lại một lượng lớn vật liệu nổ chưa nổ. “Những sát thủ ẩn mình dưới lòng đất này” không chỉ gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây ra nhiều thương vong và tổn thất cho người dân và gánh nặng cho xã hội. Ngoài ra, quân đội Mỹ sử dụng bom uranium nghèo và bom chùm ở Iraq và Serbia khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh ở cả hai nước tăng đáng kể so với trước chiến tranh. 

Nhà sử học người Mỹ Jeffrey Kay cho rằng, là quốc gia duy nhất đã sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học trong nhiều cuộc chiến tranh, Mỹ vẫn thể hiện xu hướng nguy hiểm là tiếp tục sử dụng các loại vũ khí liên quan khiến thế giới lo ngại.

Những hành động đã và vẫn đang tiếp tục diễn ra của Mỹ cho thấy, nước này đang không hề ân hận về những tội ác bẩn thỉu của mình khiến hàng triệu người trên khắp thế giới phải chịu đựng bệnh tật và nỗi đau đớn về thể xác. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế cần gây áp lực lên Mỹ và ít nhất là kiềm chế các hành động bá quyền của nước này trong tương lai cũng như đưa những kẻ tội phạm chiến tranh ra trước tòa án quốc tế. 

PV: PrimeK

Biên tập viên:Kiều Quân