Bình luận: 4 sai lầm đằng sau việc Mỹ thổi phồng “dư thừa năng lực sản xuất”

2024-04-25 11:27:26(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Theo tin Đài chúng tôi: Ngoại trưởng Mỹ Blinken bắt đầu thăm Trung Quốc từ ngày 24/4. Trước khi khởi hành, Mỹ đã thông báo rằng ông Blinken sẽ bày tỏ lo ngại về tình trạng “dư thừa năng lực sản xuất” của ngành năng lượng mới Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc. Bất kỳ ai hiểu về kinh tế học cơ bản đều sẽ cảm thấy luận điệu này không đáng để tranh cãi.

Trước hết, một số người ở Mỹ gắn kết năng lực sản xuất với thương mại quốc tế, cho rằng xuất khẩu sản phẩm nhiều đồng nghĩa là dư thừa năng lực sản xuất. Theo logic này, 80% số chip sản xuất tại Mỹ và 80% ô tô sản xuất tại Đức đều được xuất khẩu, máy bay chở khách do Boeing và Airbus sản xuất cũng được xuất khẩu với số lượng lớn, các sản phẩm trên xuất khẩu từ phương Tây sang châu Á đều thuộc “dư thừa năng lực sản xuất”.

Thứ hai, một số người ở Mỹ cho rằng năng lực sản xuất của ngành năng lượng mới Trung Quốc vượt quá nhu cầu toàn cầu. Có đúng như vậy không? Vẫn theo dữ liệu: Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự tính, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, nhu cầu toàn cầu về ô tô năng lượng mới sẽ đạt 45 triệu chiếc vào năm 2030 và nhu cầu về năng lực sản xuất lắp đặt quang điện mới sẽ đạt 820 GW, lần lượt gấp khoảng 4,5 lần và 4 lần của năm 2022.

Đồng thời, sự thổi phồng của Mỹ trái ngược với lý thuyết lợi thế so sánh của kinh tế phương Tây mà họ tin tưởng. Theo lý thuyết này, nếu một quốc gia có thể sản xuất một sản phẩm nào đó với chi phí thấp hơn thì các quốc gia khác không nên dựng lên hàng rào thuế quan.

Ngoài ra, một số người ở Mỹ còn cáo buộc ngành năng lượng mới của Trung Quốc ảnh hưởng đến các công ty và việc làm của người lao động Mỹ. Đây là sai lầm thứ tư của họ, đó là “Mỹ có bệnh, Trung Quốc uống thuốc”, nhằm mục đích vứt bỏ trách nhiệm.

Cựu Giám đốc Văn phòng Chính sách Kinh tế - Thương mại London John Ross mới đây đăng bài viết chỉ rõ, Mỹ lo lắng trong thương mại quốc tế, ngày càng nhiều sản phẩm của họ sẽ không thể duy trì vị thế cao cấp trong chuỗi giá trị. Điều này đã tiết lộ mục đích kinh tế của Mỹ là nhằm kiềm chế và chèn ép sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi của Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm vị thế cạnh tranh và lợi thế thị trường thuận lợi hơn cho Mỹ.

Từ góc độ chính trị, năm nay diễn ra Tổng tuyển cử tại Mỹ. Mới đây, tại bang Michigan, một trong những bang quan trọng trong cuộc bầu cử và là bang có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp chống lại ô tô điện của Trung Quốc. Có thể thấy, cái gọi là thuyết “dư thừa năng lực sản xuất” do Mỹ nặn ra lúc này không chỉ là cái cớ cho chủ nghĩa bảo hộ, mà còn được dùng như một công cụ để giành phiếu bầu và trục lợi cá nhân.

Biên tập viên:La Thành