Chuyên gia kinh tế Việt Nam:Trung Quốc không ngừng mở cửa, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho kinh tế toàn cầu

2024-04-02 07:00:03(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay còn ở mức thấp, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2024 đã diễn ra theo đúng kế hoạch tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam Trung Quốc. Từ Hội chợ triển lãm giao dịch Quảng Châu, Hội chợ hàng tiêu dùng Trung Quốc, Hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ Trung Quốc đến Hội chợ triển lãm xuất nhập khẩu Trung Quốc v.v...; từ việc thúc đẩy cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” đến việc đẩy nhanh xây dựng 21 Khu thí điểm mậu dịch tự do, đến việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chất lượng cao v.v..., đã không ngừng mở rộng phạm vi đối tác cùng xây dựng “Vành đai và con đường”...Trung Quốc luôn mở cửa chào đón thế giới, tiếp tục kêu gọi đoàn kết, hợp tác cùng phát triển. PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (Việt Nam) cho biết, kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển theo hướng tốt, đồng thời không ngừng mở ra cánh cửa “chia sẻ tương lai”, tiếp thêm nguồn động lực mạnh mẽ cho kinh tế toàn cầu.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (Việt Nam)

Hiện nay, kinh tế thế giới đang từng bước khôi phục, phát triển sau đại dịch Covid-19, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo mang lại nguồn động lực tăng trưởng mới, nhưng kinh tế châu Á vẫn đối mặt với những khó khăn gay gắt của môi trường bên ngoài, đồng thời rất nhiều nền kinh tế châu Á sẽ còn gặp phải nhiều thách thức nội tại khá lớn. Về vấn đề này, PGS. TS. Vũ Văn Phúc cho rằng,  Diễn đàn châu Á Bác Ngao lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch Covid-19, đồng thời diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nên Diễn đàn châu Á Bác Ngao lần này có ý nghĩa to lớn: chỉ có cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ thách thức, cùng gánh vác trách nhiệm, tăng cường hợp tác thiết thực, thì mới có thể cùng vượt qua khó khăn, thúc đẩy cả thế giới tiếp tục đi lên con đường hòa bình và phồn vinh. PGS. TS Vũ Văn Phúc cho biết, tiến trình hội nhập nền kinh tế châu Á, đại diện là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)  được thúc đẩy nhanh chóng, kể từ khi RCEP chính thức có hiệu lực với tất cả các quốc gia ký kết, RCEP liên tục giải phóng lợi ích thể chế, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời làm cho chuỗi công nghiệp và cung ứng được kết nối chặt chẽ hơn, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực, đóng góp sức mạnh mới cho sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2023 là 41,76 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang các nước thành viên RCEP, trong đó có Việt Nam năm 2023 là 12,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 5,3% so với năm 2022. PGS. TS Vũ Văn Phúc cho biết, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển mới với tuần hoàn trong nước là chủ thể và các tuần hoàn kép trong nước và quốc tế củng cố lẫn nhau. Điều này sẽ tạo động lực mới, cơ hội mới để Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam và các nước châu Á khác, đồng thời thúc đẩy thực thi RCEP chất lượng cao và thúc đẩy nâng cấp RCEP, tạo ra lợi ích cởi mở hơn về thể chế cho các quốc gia, cho hội nhập kinh tế khu vực

Được biết, qua thống nhất các cam kết thuế quan, quy tắc xuất xứ, tự do và thuận lợi thương mại và đầu tư cũng như các quy tắc thương mại khác, RCEP tích hợp 27 hiệp định thương mại và 44 hiệp định đầu tư giữa các thành viên trong khu vực ở mức độ lớn nhất, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển của hệ thống thương mại đa phương và duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và cung ứng. PGS. TS Vũ Văn Phúc cho biết, kể từ khi RCEP có hiệu lực, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ hơn 2,4 tỷ USD năm 2000 lên hơn 229,7 tỷ USD vào năm 2023. Vì vậy, việc kết nối thuận lợi với các nền kinh tế trong RCEP sẽ giúp Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, tạo cơ hội tốt cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường mở trong khu vực, mong muốn tiếp tục chia sẻ những cơ hội mới do việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN phiên bản 3.0 và việc triển khai hiệu quả RCEP mang lại, cùng làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, chuẩn bị cho thời kỳ mới, phát triển kinh tế, thương mại hai nước Việt Nam và Trung Quốc ở mức độ và quy mô cao hơn.

 

 

 

Biên tập viên:Sảnh Hoa