Bình luận: Kỳ thị, phân biệt chủng tộc: Vấn nạn không lối thoát của nước Mỹ

2024-03-20 08:26:53(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

“Mỗi người ở nước Mỹ đều xứng đáng được sống trong an toàn, được tôn trọng phẩm giá”. Đó là khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, đáng buồn thay, nước Mỹ nhiều năm qua đã không làm được điều đó.

Vào tháng 5/2020, cảnh Floyd, một người đàn ông da đen, bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối chẹt cổ đến chết vẫn còn in sâu trong tâm trí chúng ta. Vào thời điểm đó, một làn sóng biểu tình "Black Lives Matter" chống lại nạn phân biệt chủng tộc với những câu khẩu hiệu  "Tôi không thể thở" kéo dài và quy mô lớn đã nổ ra trên khắp nước Mỹ.

Có lẽ, người ta ấn tượng sâu sắc trước lời nói của Tổng thống Mỹ Biden sau khi bản án trong vụ Floyd được công bố. Ông Biden nói rằng "sự phân biệt chủng tộc có hệ thống là một vết nhơ trong tâm hồn của Mỹ" và tin rằng phán quyết có tội của bồi thẩm đoàn đối với cựu cảnh sát da trắng Chauvin sẽ khiến "Mỹ tiến một bước lớn tới công lý chủng tộc." Đáng tiếc, “vết nhơ trong tâm hồn” này không những không biến mất mà dấu vết còn ngày càng rõ ràng.

Theo thống kê từ trang web “Bản đồ bạo lực của cảnh sát” Mỹ, năm 2022, cảnh sát Mỹ đã giết chết 1.186 người, trong đó 26% là người da đen, trong khi người da đen chỉ chiếm 13% tổng dân số Mỹ. Một thống kê khác cho thấy, cứ 10 người Mỹ gốc Phi thì có 7 người nói rằng họ bị cảnh sát đối xử bất công vì màu da.

Nước Mỹ, chẳng phải thời thế chiến, nhưng súng vẫn nổ liên hồi, rất nhiều máu và nước mắt đã rơi. Từ những vụ chẹt cổ người da màu đến chết đến các vụ xả súng hàng loạt, giết hại bừa bãi người vô tội, bạo lực và việc thực thi pháp luật "tiêu chuẩn kép" của cảnh sát Mỹ đối với người Mỹ gốc Phi và các dân tộc thiểu số khác đã hết lần này đến lần khác làm dấy lên lo lắng trong xã hội Mỹ. Vậy điều gì đã gây ra sự phân biệt chủng tộc, một vết sẹo không bao giờ lành trong xã hội Mỹ? Không khó để tìm ra câu trả lời từ lịch sử và thực tế.

Từ góc độ lịch sử, cả sự phân biệt chủng tộc lẫn "quyền lực tối cao của người da trắng" đều không kết thúc bằng việc chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ. Hơn hai trăm năm trước, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ đã tuyên bố rằng "mọi người sinh ra đều bình đẳng". Quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những quyền con người cơ bản mà mọi công dân Mỹ được hưởng. Tuy nhiên, dựa trên điều kiện quốc gia của Mỹ, đó là sự mỉa mai to lớn. Mặc dù người Mỹ gốc Phi đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển và xây dựng ban đầu của Mỹ, nhưng họ chưa bao giờ thực sự được xã hội Mỹ do người da trắng thống trị chấp nhận cũng như đối mặt với sự đối xử bất công trên diện rộng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí thỉnh thoảng họ còn hứng chịu tổn hại trong các vụ bạo lực hoặc thực thi pháp luật.

Nhìn vào thực tế, các chính trị gia Mỹ không hành động hay thậm chí những hành động bừa bãi của họ đã tạo điều kiện cho nạn phân biệt chủng tộc tràn lan. Trong nền chính trị hai đảng của Mỹ, việc đấu đá giữa “lừa-voi” đã trở thành thông lệ, mỗi bên đều dùng dư luận để đạt được điều mình muốn nhưng hiếm khi họ đưa ra những phản ứng thực chất trước những yêu cầu về vấn đề chủng tộc. Đối với số phận của các dân tộc thiểu số và tiếng nói phản đối của người dân Mỹ, “sự quan tâm và suy ngẫm” của các chính trị gia Mỹ rất hời hợt và chưa bao giờ thấy hành động thực sự. Điều này bộc lộ sâu sắc thói đạo đức giả của cái gọi là “người bảo vệ nhân quyền”. Không những ốc chẳng mang nổi mình ốc, Mỹ còn tự cho mình cái quyền được ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc khác bằng việc bắt “phải chịu trách nhiệm” nếu như đất nước đó không thực hiện theo “thước đo nhân quyền” của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã từng tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ ngoại giao của chúng tôi để bảo vệ nhân quyền và buộc những kẻ vi phạm ở khắp nơi, bất kể những quốc gia đó là đối thủ hay đối tác, phải chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 1 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có quy định cụ thể: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Hiểu rộng ra thì điều này cũng có nghĩa là mọi quốc gia, dân tộc trên hành tinh này đều có quyền tự quyết về tiêu chí nhân quyền sao cho phù hợp điều kiện thực tế và văn hóa của dân tộc mình, nhưng không trái với công ước quốc tế về nhân quyền. Lý giải cho những hành động của Mỹ thì chỉ có một cách giải thích, đó là bản chất của kẻ mạnh hiếp yếu, kiểu “cá lớn nuốt cá bé”.

Vậy nên đã đến lúc nước Mỹ đừng ảo tưởng mà tự phong cho mình là “thước đo về dân chủ, nhân quyền”. Bởi trò lố bịch như thế sẽ chẳng che được mắt nhân loại./.

 PV: PrimeK

Biên tập viên:Kiều Quân