Chuyên gia Việt Nam: “Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng phù hợp”

2024-03-18 14:31:05(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Vừa qua, kỳ họp thứ hai Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc khoá XIV đã diễn ra từ ngày 5-11/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Đại hội lần này đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó xác lập mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức “khoảng 5%” trong bối cảnh chính phủ nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi mô hình chất lượng cao, phát triển các động lực trong nước và mở rộng cửa với thế giới bên ngoài.

Trao đổi với Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế quốc tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 5%” là vừa phải và phù hợp với nội lực nền kinh tế, cho thấy cả sự tự tin và quyết tâm của chính phủ Trung Quốc.

Vị chuyên gia cho biết, dự báo năm nay tăng trưởng toàn cầu có xu hướng đi xuống hơn so với năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc còn có một số vấn đề tồn tại trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, sức cầu trong và ngoài nước chưa thể hồi phục ngay.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá, mục tiêu “khoảng 5%” năm nay tuy tương tự như năm 2023 nhưng để đạt được sẽ cần nhiều nỗ lực hơn, do mức nền so sánh đã cao hơn năm 2022. Dù vậy, chính phủ Trung Quốc tỏ ra khá tự tin với mục tiêu này, tuyên bố sẽ tạo thêm 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng sự tự tin của giới chức Trung Quốc có thể đến từ niềm tin rằng các vấn đề tồn đọng, trong đó có lĩnh vực tài chính bất động sản, sẽ được xử lý lần lượt, đồng thời các biện pháp kích thích tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. “Bất chấp những khó khăn bên ngoài, quy mô rộng lớn của thị trường trong nước, đặc biệt là sức cầu tiêu dùng có xu hướng hồi phục của người dân Trung Quốc, là một yếu tố quan trọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nói trên,” chuyên gia Việt Nam chỉ ra.

Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 dự kiến khoảng 3%. Theo giới phân tích, nhờ nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức thấp trong thời gian qua, dư địa chính sách tiền tệ của chính phủ Trung Quốc nhìn chung vẫn còn rất rộng rãi. Trong khi đó, các chính sách tài khoá chủ động vẫn còn có thể tăng cường, nâng cao hiệu suất hơn nữa.

Trong các công cụ chính sách mới năm nay, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn bắt đầu từ năm 2024 được cho là sẽ giúp củng cố đầu tư và tiêu dùng, đồng thời đặt nền tảng cho sự phát triển chất lượng cao lâu dài. Nguồn vốn huy động thông qua các trái phiếu này sẽ chủ yếu hỗ trợ các lĩnh vực như đổi mới khoa học và công nghệ, phát triển nông thôn - thành thị tích hợp, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, cũng như phát triển dân số chất lượng cao.

Năm 2024 tiếp tục được dự báo là một năm khó khăn cho kinh tế thế giới. Mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đồng nghĩa nền kinh tế Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh nhất và đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu. 

Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết đang nhìn thấy những dấu hiệu tích cực trong xuất khẩu và nhập khẩu bất chấp môi trường thương mại toàn cầu đầy thách thức. Hai tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch ngoại thương Trung Quốc tăng 8,7% so với cùng kỳ, đạt trên 6,6 nghìn tỉ Nhân dân tệ (khoảng 930 tỉ đô la Mỹ). Vượt xa kỳ vọng trước đó, xuất khẩu tăng 10,3% trong khi nhập khẩu tăng 6,7%, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Tốc độ tăng trưởng thương mại của Trung Quốc với các nước đối tác Vành đai và Con đường cao hơn mức trung bình. Thương mại điện tử xuyên biên giới, mua sắm trên thị trường và các mô hình ngoại thương mới khác đều có động lực mạnh mẽ.

Biên tập viên:Hải Vân