Tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam – Trung Quốc

2024-03-15 07:00:03(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Số liệu thống kê mới nhất từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 năm 2024 đạt trên 1,53 triệu lượt, đưa tổng số khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc có sự phục hồi rất ấn tượng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. 

Cùng với đó, truyền thông Việt Nam những ngày qua đồng loạt đưa thông tin lượng người Trung Quốc quan tâm đến du lịch Việt Nam tăng đột biến, khiến dư luận trong nước hết sức hồ hởi, tràn đầy kỳ vọng về sự trở lại của thị trường khách quốc tế quan trọng này.

Cụ thể, truyền thông Việt Nam dẫn số liệu từ nền tảng trực tuyến Agoda rằng Việt Nam là điểm đến du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc đầu năm 2024, với lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua đã gần như quay lại mức trước đại dịch. Cụ thể, khách Trung Quốc quan tâm du lịch đến Việt Nam vào năm 2024 đạt 95% so với 2020 - thời điểm trước khi các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 được áp dụng. Trước đó, mức độ tìm kiếm của năm 2022 và 2023 chỉ đạt 3% so với năm 2020.

Khách du lịch Trung Quốc được chào đón tại Việt Nam, Ảnh: VnExpress

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, sự quan tâm trở lại của du khách Trung Quốc đại lục gần đây là dấu hiệu tích cực cho du lịch Việt Nam trong năm nay. Trao đổi với Đài chúng tôi, anh Phan Hoàng Đức, Giám đốc Marketing công ty Phương Nam Trip – đơn vị chuyên cung cấp các tour du lịch cho khách Trung Quốc, cho biết năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phục hồi du lịch giữa hai nước.

Đại diện công ty du lịch Việt Nam cho hay, nhu cầu du lịch Việt Nam của khách Trung Quốc có xu hướng tăng trong thời gian qua, đặc biệt là nhóm khách có nhu cầu làm việc, dự hội thảo, thăm đối tác, hay tiếp xúc với các sở, ban, ngành Việt Nam... Cùng với quan hệ kinh tế ngày càng sôi động giữa hai nước, lượng khách thuộc nhóm này ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, nhu cầu của nhóm khách Trung Quốc đến Việt Nam với mục đích du lịch thuần tuý vẫn luôn rất cao, lý do có thể rất đơn giản vì đây là sở thích của họ. Các yếu tố như vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện cả đường bộ, hàng không, đường sắt và đường biển, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá ẩm thực hấp dẫn giàu bản sắc, quan hệ kinh tế - chính trị liên tục được củng cố… là những lợi thế thu hút của du lịch Việt Nam so với các nước khác, anh Phan Hoàng Đức chia sẻ.

Đặc biệt gần đây, chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy ngành du lịch, trong đó có việc ưu đãi xuất, nhập cảnh, mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, thí điểm miễn thị thực trong ngắn hạn, thí điểm cấp thị thực cửa khẩu… (Chỉ thị 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính). Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam, hiện đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng trong và ngoài nước.

Đại diện Phương Nam Trip cho hay, thị thực giống như chiếc chìa khoá để mở cánh cửa vào mỗi quốc gia. Đối với khách du lịch Trung Quốc, nếu như được miễn thị thực thì thủ tục vào Việt Nam của họ sẽ đơn giản đi rất nhiều. Du khách không chỉ tiết kiệm được một khoản phí tương đối lớn (khoảng 30-40 đô la Mỹ) cho các thủ tục liên quan đến thị thực và nhập cảnh, mà các đơn vị lữ hành cũng giảm được khối lượng công việc hành chính, tránh các sai sót không đáng có.

“Nếu được miễn thị thực thì lượng khách Trung Quốc thuộc tất cả các nhóm bao gồm khách công tác, khách du lịch theo đoàn, và kể cả khách đi tự túc… đều sẽ tăng lên,” anh Phan Hoàng Đức nhìn nhận.

Trong khi đó, PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để chính phủ Việt Nam có những giải pháp trong đó có đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu đường bộ, hàng không, qua đó tạo môi trường du lịch thuận lợi, lành mạnh, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các nước trong khu vực đều đang cạnh tranh thu hút khách Trung Quốc. Ngoài ra, ngành hàng không cần sớm phục hồi mạng lưới những đường bay thường lệ, charter (bay trọn chuyến), tăng khai thác các chuyến bay trực tiếp từ các thành phố của Trung Quốc đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang). Cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đây là những điểm đến được ưa thích nhất của du khách Trung Quốc năm nay (dựa trên dữ liệu tìm kiếm trực tuyến của Agoda).

Chợ đêm Phú Quốc - điểm đến yêu thích của các tín đồ ẩm thực

Vị chuyên gia cũng lưu ý, sau đại dịch COVID-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới, bao gồm cả khách Trung Quốc đã thay đổi. Do đó, các đơn vị lữ hành Việt Nam cần tiến hành đánh giá lại sở thích, nhu cầu của các đối tượng này để xây dựng, cung cấp sản phẩm phù hợp hơn, hấp dẫn hơn. Đồng thời, một biện pháp khác cần làm là tăng cường triển khai các chiến dịch quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch Việt Nam trên kênh mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay như Weibo, Tik Tok, WeChat, QQ, Baidu,…

Trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (với mức tăng ấn tượng là 17% so với 5,0 triệu năm 2018), chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến quốc gia Đông Nam Á. Con số này vào năm 2023 chỉ là 1,74 triệu lượt khách, dù tăng 376% so với năm 2022 những vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

“Nhiều dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trở lại, đặc biệt là với sự thiện chí của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai bên, chúng ta cùng kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm chứng kiến sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ của hợp tác du lịch Việt – Trung,” chuyên gia Lưu Ngọc Trịnh bày tỏ./

Phóng viên: Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

 

 

Biên tập viên:Sảnh Hoa