Chuyên gia Việt Nam: Kinh nghiệm phát triển FinTech Trung Quốc vô cùng hữu ích với Việt Nam

2024-03-05 15:11:02(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Trong một giai đoạn mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư những năm gần đây, làn sóng số hóa, kỹ thuật số bùng nổ trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Các nền tảng công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), internet kết nối vạn vật (internet of things), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… đang thúc đẩy mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội loài người chuyển động và phát triển với một tốc độ “thần kỳ”. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) ra đời từ kết quả của những đổi mới tài chính dựa trên công nghệ, đã và đang góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số… Giữa sự bùng nổ của FinTech trên thế giới, Trung Quốc được xem là quốc gia đang dẫn đầu trong “cuộc đua toàn cầu” về lĩnh vực FinTech với một hệ sinh thái phát triển rất đa dạng, năng động với sự xuất hiện của nhiều “kỳ lân FinTech” hàng đầu thế giới. 

Thực tiễn phát triển công nghệ tài chính của Trung Quốc được nhiều nước đánh giá là một kinh nghiệm phát triển thiết thực, đáng học hỏi và dễ áp dụng đối với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này, vừa qua Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ (Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) của Trung Quốc và một số hàm ý cho Việt Nam” với mong muốn cung cấp cho người đọc một góc nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về lĩnh vực FinTech, đặc biệt là sự phát triển FinTech ở Trung Quốc, đồng thời cung cấp một số kinh nghiệm tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính, cũng như các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái FinTech tại Việt Nam. 

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) 

Chia sẻ với Đài chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ cho biết, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới khi làn sóng FinTech đang nhanh chóng lan rộng và tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong ngành tài chính ngân hàng tại nhiều quốc gia. Việt Nam là một thị trường có dân số trẻ đầy hứa hẹn cho các công ty ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển của FinTech tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi vậy, Việt Nam rất cần tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính còn non trẻ của mình, để vừa lường trước được những rủi ro, thách thức vừa học hỏi kinh nghiệm đã được tích lũy qua thực tế của những nước đi trước có thị trường FinTech phát triển. 

Trong khi đó, Trung Quốc, nước láng giềng gần gũi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, lại là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực FinTech trên toàn cầu. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới về thanh toán kỹ thuật số, chiếm gần 50% thị phần thanh toán toàn cầu. Trung Quốc cũng thống lĩnh mảng cho vay trực tuyến khi chiếm tới 3/4 thị trường thế giới và là thị trường giao dịch chứng khoán trực tuyến lớn nhất toàn cầu (PwC, 2020). Sự phát triển FinTech ở Trung Quốc đã và đang giúp cho hàng tỷ người dân của mình được hưởng lợi từ những dịch vụ tài chính số nói riêng và góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế số của đất nước nói chung. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong lĩnh vực FinTech, Trung Quốc là hình mẫu mà thế giới sẽ phải học hỏi kinh nghiệm. Đây là một trong số các quốc gia có những chính sách quản lý, phát triển FinTech một cách hiệu quả mà đã và đang cho thấy những sự thành công nhất định cả về mặt chiến lược lẫn thực tiễn. 

“Với kinh nghiệm phát triển FinTech mạnh mẽ trong hai thập kỷ vừa qua, bài học từ Trung Quốc sẽ vô cùng ý nghĩa và hữu ích đối với các nước đi sau như Việt Nam trong việc định hướng, lập kế hoạch và thực thi các chính sách quản lý và phát triển FinTech. Bởi vậy, nghiên cứu quá trình phát triển FinTech của Trung Quốc; những bài học thành công và hạn chế của quốc gia láng giềng trong quản lý và phát triển thị trường này sẽ có giá trị tham khảo to lớn cho Việt Nam,” Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ nhận định. 

 

Cuốn sách “Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) của Trung Quốc và một số hàm ý cho Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Hạ biên soạn 

Sự phát triển của FinTech đã đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả dịch vụ tài chính, giảm chi phí thương mại, cải thiện hệ thống thị trường và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các cải cách tài chính cũng như chuyển đổi mô hình phát triển trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc. Với sự phát triển của FinTech, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong cách chúng ta thực hiện các giao dịch tài chính hàng ngày, và cả các giao dịch thương mại trong nước và quốc tế, một cách tiện lợi, nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm hơn, mà ko cần dùng đến tiền mặt (giúp tiết kiệm chi phí in ấn, bảo quản và lưu thông tiền mặt…). Hoặc các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của FinTech như cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho phép các cá nhân và doanh nghiệp vay và cho vay trực tiếp với nhau thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này tạo ra một sự kết nối trực tiếp giữa người vay và người cho vay, giúp giảm thiểu các khoản phí trung gian. Insurtech sử dụng công nghệ để cải thiện quy trình mua bảo hiểm, quản lý rủi ro và xử lý các yêu cầu bồi thường. Các ứng dụng insurtech giúp tăng tính minh bạch và tốc độ xử lý trong lĩnh vực bảo hiểm…

Mã QR code được sử dụng để thanh toán tại một quầy hoa quả ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ cũng cho rằng, ngoài những nỗ lực đổi mới và phát triển của bản thân các doanh nghiệp, thì một trong những yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc thành công và đi đầu trong lĩnh vực FinTech trên toàn cầu là các chính sách phát triển FinTech của chính phủ với nhiều giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ cho sự phát triển của FinTech cũng như quản lý hiệu quả lĩnh vực này. 

“Nhiều chính sách của Trung Quốc đã phát huy tác dụng và góp phần không nhỏ vào thành công của lĩnh vực FinTech tại đây. Khung pháp lý của Trung Quốc đã không ngừng được cải thiện. Các cơ chế tài chính và quản trị kết hợp giữa giám sát hành chính và quản trị ngành đang được hình thành đã góp phần khiến cho ngành FinTech của Trung Quốc phát triển thịnh vượng và ổn định hơn. Nhờ có các chiến lược, giải pháp, quy hoạch tổng thể cho phát triển FinTech; các chính sách khuyến khích bồi dưỡng nhân tài, việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ và kết nối hợp tác cho phát triển FinTech qua các cơ sở ươm tạo, phát triển FinTech, như các cụm liên kết ngành và vườn ươm, lò ấp FinTech …tất cả đã giúp hình thành nên một hệ sinh thái FinTech năng động và đa dạng của Trung Quốc,” vị học giả cho hay./ 

Phóng viên: Nguyễn Thị Thanh Xuân

Biên tập viên:Mẫn Linh