Vài nét về Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc
Chính hiệp Trung Quốc được thành lập vào trước ngày ra đời của Nước cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tức ngày 21-9-1949. Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Chính hiệp Trung Quốc đã thay mặt Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc-Cơ quan quyền lực tối cao nhà nước Trung Quốc thông qua bản "Cương lĩnh chung hiệp thương chính trị Trung Quốc" mang tính chất Hiến pháp lâm thời, tuyên bố thành lập Nước cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong tình hình chưa đủ điều kiện để triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lúc đó. Hội nghị còn bầu ra Chính phủ khoá đầu tiên, xác định thủ đô, quốc kỳ và quốc ca. Sau khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa I của Trung Quốc, tức quốc hội họp hội nghị vào năm 1954 và thông qua Bộ Hiến pháp đầu tiên của Nước Trung Hoa mới, nhiệm vụ thay mặt quốc hội của Trung Quốc đã hoàn thành, nhưng là một cơ cấu quan trọng về sự hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, Chính hiệp vẫn là kênh và hình thức quan trọng trong việc nêu cao nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Kết cấu cơ bản của chế độ chính trị ở Trung Quốc là thi hành chế độ Đại hội đại biểu nhân dân tức Quốc hội, chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị, chế độ khu vực dân tộc tự trị dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Quốc hội thông qua bầu cử, bỏ phiếu để thi hành quyền lực cũng như tiến hành hiệp thương đầy đủ với chính hiệp nhân dân trước khi bầu cử và bỏ phiếu, đây là hai hình thức quan trọng nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Chính hiệp, quốc hội và Chính phủ là Chính hiệp tiến hành hiệp thương trước khi vạch quyết sách, quốc hội đưa ra quyết sách sau khi hiệp thương, Chính phủ là người thực hiện quyết sách, ba cơ quan này thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, phân công và hợp tác, thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây là thể chế chính trị phù hợp tình hình Trung Quốc và mang đặc sắc Trung Quốc. Chính hiệp có vị thế quan trọng trong thể chế này.
Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc là cơ quan hiệp thương và tham vấn cao nhất của Trung Quốc. Thành phần gồm đại biểu của đảng cộng sản Trung Quốc, các đảng phái dân chủ, nhân sĩ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc thiểu số và các tầng lớp xã hội, đại biểu đặc khu hành chính Hồng Công, Ma-cao, đồng bào Đài Loan, kiều bào về nước và các nhân sĩ được mời đặc biệt, đại diện cho 34 tầng lớp, có tính đại diện rộng rãi về mặt tổ chức.
Theo điều lệ của Chính hiệp, Chính hiệp có thể tổ chức cho các ủy viên bàn bạc việc nước thông qua nhiều hình thức như họp hội nghị, nêu đề án, thị sát, điều tra nghiên cứu chuyên đề...đồng thời tiến hành giám sát việc thực thi Hiến pháp, pháp luật, công tác của các cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước, nêu ra ý kiến và kiến nghị. Trong thực tiến, những nội dung đề cập trong ý kiến và kiến nghị của Chính hiệp đều được phản ánh trong phương châm chính sách của Chính phủ.
Nhiệm kỳ của ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc là 5 năm, mỗi năm họp hội nghị toàn thể một lần.
Biên tập viên:Vũ Minh