Khoa học vũ trụ Trung Quốc: Đi sau nhưng phát triển vượt bậc

2024-02-20 08:58:56(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Toàn cảnh trạm vũ trụ Thiên Cung

Vũ trụ vẫn luôn là điều gì đó rất bí hiểm mà con người khát khao khám phá. Hơn nửa thế kỷ trước, Liên Xô và Mỹ bắt đầu chinh phục vũ trụ bằng cách phóng vệ tinh, đưa con người ra ngoài không gian. Từ đó đến nay các nước có nền công nghệ tiên tiến vẫn tiếp tục nghiên cứu và ngày càng đạt nhiều thành tựu, công cuộc nghiên cứu vũ trụ cũng ngày càng tầm cỡ hơn. Năm 2003, Trung Quốc lần đầu ghi tên mình vào hàng ngũ các “cường quốc không gian” với việc phóng tàu Thần Châu V, trở thành nước thứ ba có khả năng thực hiện chuyến bay vũ trụ độc lập có người lái. 

Trao đổi với Đài chúng tôi, Trung tướng Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ, Chủ tịch danh dự Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam, cho rằng trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài trong nghiên cứu vũ trụ, khẳng định mình tuy là một nước đi sau nhưng lại có nhiều bước “nhảy vọt” trong thời gian ngắn. 

Trung tướng Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ, Chủ tịch danh dự Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam

“Trung Quốc là quốc gia rất giàu tham vọng trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Trung Quốc đã đầu tư rất lớn, đã thiết kế rất nhiều chương trình, cũng như có nhiều tuyên bố mạnh bạo,” vị chuyên gia nói. 

Mới đây Trung Quốc đã công bố một số chi tiết trong kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030. Trước đó, những chương trình mà Trung Quốc đặt mục tiêu đều đã thực hiện thành công, tiêu biểu như xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung, thăm dò sao Hoả, các sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng của tàu Hằng Nga (gần đây nhất đã lấy được mẫu đất đá mang về Trái Đất - đánh dấu lần đầu tiên sau 44 năm mẫu vật Mặt Trăng được mang về thành công)… 

Trung tướng Phạm Tuân tin tưởng, trên cơ sở những bước tiến nhanh như vừa rồi, Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện được chương trình đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030. Ông đánh giá, thái độ cởi mở, sẵn sàng trong hợp tác quốc tế cũng là một thế mạnh giúp Trung Quốc nhanh chóng tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, tạo ra bước nhảy vọt cho chính mình. 

“Những thành tựu vừa qua đã chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, cũng như góp phần vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Vũ trụ bây giờ không thể thiếu Trung Quốc,” cựu phi hành gia Việt Nam khẳng định. 

Cục Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc hiện đã thay mặt Chính phủ Trung Quốc ký hơn 170 thỏa thuận hoặc bản ghi nhớ hợp tác với hơn 50 quốc gia, cơ quan vũ trụ và tổ chức quốc tế. Không chỉ hoan nghênh các nhà khoa học, nhà nghiên cứu các nước đăng ký sử dụng mẫu vật Mặt Trăng, Trung Quốc còn sẵn sàng mời phi hành gia các nước cùng tham gia các sứ mệnh bay trên trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây cũng là cách Trung Quốc tích cực thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, đóng góp vào quá trình xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại trong lĩnh vực ngoài không gian. 

Công nghệ và con người – hai sản phẩm của khoa học vũ trụ đóng vai trò quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển: Trung Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Theo Trung tướng Phạm Tuân, giờ đây trên thế giới có gì hiện đại thì ở Trung Quốc có, đến Trung Quốc là nhìn thấy cả thế giới. 

Vũ trụ mang lại rất nhiều lợi ích cho con người trên Trái Đất. Nghiên cứu vũ trụ quy tụ các ngành khoa học mũi nhọn hàng thế giới. Thông qua vô số các ứng dụng, công nghệ vũ trụ tạo động lực để công nghệ dân sinh phát triển. Đội ngũ chuyên gia nghiên cứu vũ trụ chính là nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển công nghệ ở mỗi quốc gia. 

“Tất nhiên cũng có khả năng chúng ta mang được gì đó từ vũ trụ về, nhưng khả năng đó còn xa và còn ít. Lợi ích ngay trước mắt chúng ta là công nghệ và con người, đó là những giá trị mà nghiên cứu vũ trụ giúp chúng ta có được, và Trung Quốc là minh chứng cho điều đó với nền khoa học công nghệ phát triển nhảy vọt cùng đội ngũ chuyên gia tuổi đời rất trẻ - đây chính là nguồn lực quan trọng để tiếp tục đưa đất nước Trung Quốc tiến xa hơn,” Trung tướng Phạm Tuân nói.

Phóng viên: Thanh Xuân

Biên tập viên:La Thành