Chương trình Tết mùng 2: Bài hát Tây Du bất hủ đón Xuân sang

2024-02-11 08:10:04(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Mời các bạn đến với chương trình đặc biệt mừng Xuân Giáp Thìn 2024 của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc

Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới, chúc mọi người năm Giáp Thìn vạn sự như ý, ước gì được nấy.

Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Những người phải xa nhà vì công việc, cuộc sống và học tập hãy tận hưởng những giây phút xum vầy bên gia đình nhé.

Mỗi khi xum họp, tụ tập bạn bè, mọi người tự nhiên sẽ nhớ đến những câu chuyện, ký ức năm xưa. Phim truyền hình “Tây Du Ký” phiên bản năm 1986 là bộ phim kinh điển hết sức tuyệt vời trong lòng rất nhiều khán giả, không chỉ khán giả Trung Quốc, mà cả khán giả các nước Đông Nam Á nữa. Phim “Tây Du Ký” sở dĩ có thể nhận được sự yêu thích của khán giả trong hàng chục năm qua, ngoài sự “chạm trổ công phu” của ê-kíp làm phim ra, các bản nhạc và ca khúc phát trong phim cũng có sự đóng góp cho sự “trường tồn” của bộ phim. Trong chương trình đặc biệt mừng Xuân hôm nay, Mẫn Linh sẽ cùng các bạn ôn lại một số bài hát trong phim, mong có thể góp vui cho mâm cỗ giải trí của mọi người trong ngày tết đầm ấm.

Chắc không cần Mẫn Linh giới thiệu thì mọi người cũng nhận ra đây là nhạc mở đầu bộ phim. Bản nhạc tên là “Tây Du Ký Tự Khúc”, hay còn gọi là “Vân Cung Tấn Âm”. Mặc dù là nhạc không lời, nhưng chỉ cần những nốt nhạc vang lên, khán giả sẽ bị cuốn hút ngay tức khắc.

Khi nghe bản nhạc này, liệu mọi người có cảm giác giống Mẫn Linh không? Bản nhạc nghe kỳ ảo, mộng mơ nhưng lại không thiếu phần bể dâu. Trong đó phần diễn đạt tình cảm khiến mọi người nghĩ ngay đến những gian nan, khúc khuỷu của thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh.

“Anh gồng gánh, tôi dắt ngựa

Đón ngày mới đến, tiễn biệt ánh chiều tà

San bằng những gập ghềnh làm thành con đường lớn

Đấu tranh chống lại nguy hiểm, lại xuất phát, lại xuất phát

….”

Lời ca thật ý nghĩa, phải không. Ngắn gọn, súc tích nhưng truyền tải đủ nội dung của bộ phim. Mặc dù sáng tác vào gần 40 năm trước, nhưng bài hát “Xin hỏi đường ở phương nào” kết thúc bộ phim “Tây Du Ký” thực sự có thể cổ vũ cho giới trẻ mọi thời đại. “Xin hỏi đường ở đâu? Đường ở dưới chân ta”, năm Giáp Thìn này, còn khó khăn gì có thể ngăn cản bạn cơ chứ, hãy lấy tinh thần của bốn sư đồ để cỗ vũ bản thân nhé. Ca khúc do Tưởng Đại Vĩ trình bày, nhạc Hứa Kính Thanh và lời Diêm Túc.

Ngoài câu chuyện đấu trí đấu dũng với yêu quái ra, trong phim “Tây Du Ký” còn có một số câu chuyện tình cảm, trong đó câu chuyện ấn tượng nhất phải kể đến là tập Nữ Nhi Quốc. Hồi còn nhỏ, khi xem tập này, Mẫn Linh thực sự mong Đường Tăng có thể ở lại, sau khi lớn lên mới biết đó là điều không thể. Bài hát “Nữ nhi tình” được chắp bút bởi đạo diễn Dương Khiết và phần nhạc do nhạc sĩ Hứa Kính Thanh sáng tác, ca sĩ Đồng Lệ trình bày mang giai điệu du dương, cổ điển, dễ hát, ca từ như thơ, khiến người nghe bồi hồi, xúc động, có thể nói là một trong những bài hát vô cùng kinh điển trong phim.

Bài hát trữ tình có thể sánh vai với bài “Nữ nhi tình” chắc thuộc về bài hát tiếp sau đây: “Thiếu nữ Thiên Trúc”. Đây là ca khúc được thể hiện bởi giọng hát đầy tỉnh cảm và ngọt ngào của ca sĩ Lý Linh Ngọc. Giai điệu bài hát mang đậm âm hưởng của Ấn Độ, vô cùng bắt tai và mang đến cho người xem một bài hát độc lạ, ấn tượng. Bằng giọng hát ngọt ngào như rót mật vào tai của Linh Ngọc tích hợp với giai điệu lạ tai mang hơi hướng mới thành công xuất sắc cho ra ca khúc nổi tiếng một thời.

Các bạn còn nhớ cảnh Tôn Ngộ Không bị Như lại trấn áp dưới Ngũ Chỉ Sơn không? Đây cũng là một khung cảnh khá là kinh điển. Trong phim truyền hình “Tây Du Ký” phiên bản năm 1986, chúng ta có thể thấy dưới chân núi có một hang động nhỏ, chỉ đủ để Tôn Ngộ Không thò ra một cánh tay. Nhiều người cho rằng hang động này chỉ là một đạo cụ dựng lên mà thôi, nhưng trên thực tế, đây là nơi mà đạo diễn Dương Khiết rất khó mới tìm thấy. Thật ngẫu nhiên, bà phát hiện một ngọn núi vừa vặn có một hang động chỉ đủ cho một người ra vào như vậy, thật kỳ diệu phải không?

Bài hát “500 năm bể dâu” được phát trong lúc Tôn Ngộ Không bị trấn áp dưới Ngũ Chỉ Sơn. Khi bài hát vang lên, phần đầu khiến người nghe thấy căm uất, đau thương, thậm chí tuyệt vọng, nhưng cùng với lời ca và giai điệu dần đi vào chiều sâu, bài hát lại mang đến cho mọi người sức mạnh vươn lên. Bát hát khích lệ mọi người không nên bỏ cuộc bất cứ gặp phải gian nan hiểm trở nào. Chỉ cần mạng còn sống, còn ước mơ thì sẽ có ngày vùng lên. Bài hát “500 năm bể dâu”, nhạc Hứa Kính Thanh, lời Diêm Túc, do Uất Quân Kiếm trình bày.

Cuối cùng, Mẫn Linh mời mọi người theo dõi một bài hát hào hùng, can đảm và mạnh mẽ trong phim “Tây Du Ký”. Các bạn thử nghe khúc dạo đầu xem có đoán được là ca khúc nào nhé.

Ca khúc được thể hiện bởi Hồ Dần Dần, do Hứa Kính Thanh sáng tác, là tác phẩm khi Tôn Ngộ Không nhảy ra khỏi lò bát quái sau khi đại náo thiên cung. Qua ca khúc, người nghe như tràn đây khí phách không sợ bất cứ điều gì. Lời ca khá là ngang ngược.

Một quay phim, một máy quay, 25 tập, quay mất 6 năm trời, cho dù kinh phí hạn hẹp, điều kiện gian khổ, nhưng bộ phim “Tây Du Ký” phiên bản năm 1986 đã trở thành huyền thoại, số lần phát hơn 4000 đủ để xin công nhận kỷ lục Guinness. Bất kể là bạn hay Mẫn Linh, mọi người đều có ký ức riêng về Tây Du Ký. Gần 40 năm đã qua đi, hành trình thỉnh kinh của bốn sư đồ đã kết thúc, nhưng bước chân của chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ phải không?

Xuân mới đã đến, chúng ta cùng dọn lại hành trang, bước lên một hành trình mới đầy thu hoạch nhé.

Biên tập viên:Mẫn Linh