Sự nhộn nhịp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã thể hiện sinh động quan hệ hợp tác hai nước Việt – Trung

2024-02-10 07:00:05(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 171,84 tỷ USD đạt được trong năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2023 vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4%. Trong đó, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng nhất của hàng nông sản Việt Nam. Về sự gắn bó hợp tác về vấn đề phát triển nông nghiệp giữa hai nước, Ban Việt ngữ, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã trao đổi với TS Mai Bắc Mỹ- Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Sau đây là bài viết của ông Mai Bắc Mỹ.

Tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Đối với xuất khẩu nông sản cũng vậy, mặc dù trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu của nông sản trên toàn cầu giảm 9,5%, song xuất khẩu nông sản của Việt Nam như trái cây, gạo, hạt điều và cà-phê lại có đà tăng trưởng tốt, thúc đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng 11,5%. Điều này cho thấy, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đều đã nâng cao sức cạnh tranh của mình về hình thức, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, v.v, để càng có lợi thế tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề toàn cầu.

Trung Quốc là một trong những thị trường chính, gần gũi, thân thiết “chia ngọt sẻ bùi”, “thắng cùng thắng” và “rủi ro cùng chia sẻ”, “vừa là đồng chí và vừa là anh em” của Việt Nam. Những năm gần đây, với việc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không ngừng mở cửa và tăng cường quan hệ với bên ngoài, như việc đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm giao dịch Quảng Châu, Hội chợ hàng tiêu dùng quốc tế Trung Quốc, v.v, càng tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều doanh nghiệp nông sản Việt Nam bước vào thị trường Trung Quốc thông qua tham gia triển lãm, hội chợ. Hơn nữa, Trung Quốc - thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân, với các Nghị định thư được ký kết, cùng với hạ tầng thương mại giúp trao đổi giao thương 2 chiều sẽ thuận lợi hơn; việc cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác kiểm dịch động vật, thực vật; nhiều mặt hàng nông sản sắp được ký Nghị định thư,… Việt Nam càng có thêm những lợi thế nhất định trong xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường này trong thời gian tới.

TS Mai Bắc Mỹ- Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Gầy đây nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý sẽ mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đặc biệt sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, phía Trung Quốc rất muốn tăng cường hợp tác, kể cả gạo, trái cây và các sản phẩm OCOP. Thời gian tới, đoàn công tác của Chợ trung tâm nông sản Thâm Quyến sẽ sang Việt Nam để phối hợp cùng các doanh nghiệp Việt Nam bàn kỹ cách hợp tác theo chuỗi logistics nhằm đưa rau quả, nông sản Việt Nam tiến sâu hơn và giao thương ổn định ở thị trường 1,4 tỷ dân này. Từ những tiền đề đó, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục "bùng nổ" là hoàn toàn có cơ sở, bởi ngoài nghị định thư về dưa hấu thì hai bên đang đàm phán để chuẩn bị ký nghị định thư về chanh leo, bơ, sầu riêng đông lạnh, bưởi, dừa... Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam gần đây cho biết ngay trong tháng 1-2024 vừa qua, xuất khẩu rau quả ước tính đạt gần nửa tỉ USD (khoảng 480 triệu USD), tăng gấp đôi so với tháng 1 năm trước. Với những tín hiệu lạc quan về thị trường ngay trong tháng đầu năm, tin rằng, xuất khẩu rau quả của cả năm nay sẽ đạt kim ngạch từ 6 - 6,5 tỉ USD.

Một trong những điều kiện thuận lợi nữa là với Hiệp định đối tác kinh  tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được thực thi trong gần 2 năm. Trong 2 năm qua, Hiệp định thương mại tự do với dân số nhiều nhất, quy mô kinh tế thương mại lớn nhất, có tiềm năng phát triển nhất trên thế giới, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó bao gồm Việt Nam. Kể từ RCEP được thực thi đến nay đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản. Vì vậy, để tận dụng cơ hội từ RCEP để tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần cải thiện chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của Trung Quốc, nắm rõ các quy tắc xuất xứ và thủ tục hải quan, kiểm tra kỹ thông tin đối tác, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc… Từ đó, làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và góp phần nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam.

Như vậy, sự tăng cường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và nông sản của Việt Nam với sự đa dạng chủng loại và chất lượng ngày càng cao và vượt trội vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc chính là sự thể hiện sinh động quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt – Trung ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Biên tập viên:Sảnh Hoa