Bình luận: Phép màu kinh tế Trung Quốc trong cơn sóng gió

2024-01-19 00:32:34(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Nền kinh tế Trung Quốc không phải là một con thuyền nhỏ trôi theo thủy triều, sức mạnh của sự đổi mới, sức sống mở cửa và lòng dũng cảm thay đổi khiến con tàu khổng lồ của Trung Quốc vượt qua sóng gió.

Bất chấp những khó khăn đáng kể, nền kinh tế toàn cầu năm 2023 đã đạt được một số mục tiêu quan trọng, trong đó có mức  tăng trưởng vừa phải. Trong thành tích đó phải kể đến sự đóng góp đáng kể của Trung Quốc khi kinh tế Trung Quốc tổng thể phục hồi ổn định, tạo động lực và niềm tin vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), theo hạch toán bước đầu, GDP Trung Quốc năm 2023 vượt 126 nghìn tỷ Nhân dân tệ, đạt 126 nghìn 58 tỷ 200 triệu Nhân dân tệ, tính theo giá cả không thay đổi, tăng 5,2% so với năm trước. Mức tăng 5,2% của GDP Trung Quốc năm 2023 không những cao hơn mức tăng dự kiến khoảng 3% của toàn cầu, hơn nữa đứng hàng đầu các nền kinh tế chủ chốt trên toàn cầu. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế Trung Quốc cho tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2023 có triển vọng vượt mức 30%, là động lực lớn nhất thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng. Trong năm qua, có 400 triệu tấn ngũ cốc được tiêu thụ, đường sắt quốc gia đã chuyên chở 3,68 tỷ hành khách và 3,91 tỷ tấn hàng hóa, ngành bưu chính vận chuyển hơn 160 tỷ bưu kiện và sản lượng dầu khí trong nước vượt quá 390 triệu tấn. Những dữ liệu này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của truyền thông nước ngoài.

Thời báo phố Wall (Wall Street Journal) của Mỹ trong bài viết đưa tin, sản lượng ngành dịch vụ của Trung Quốc duy trì tăng trưởng 12 tháng liên tiếp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới tăng đáng kể; nhu cầu ở thị trường nước ngoài cũng tiếp tục được cải thiện và việc làm trong doanh nghiệp tăng lên, đánh dấu sự phục hồi đầu tiên về việc làm sau ba tháng. Ngoài ra, Wall Street Journal còn trích dẫn số liệu cho biết, chỉ số PMI của Trung Quốc vào  tháng 12/2023 đã tăng lên 52,6 từ mức 51,6 trong tháng 11, mức cao mới kể từ tháng 6/2023. Điều này cho thấy sản lượng ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Reuters, ngành du lịch Trung Quốc khởi sắc trong kỳ nghỉ Tết dương lịch kéo dài 3 ngày, lượng khách du lịch nội địa đạt 135 triệu, tăng 155% so với năm ngoái và doanh thu du lịch nội địa đạt 79,73 tỷ nhân dân tệ. Điều đáng chú ý là con số này cũng cao hơn 5,6% so với năm 2019, không chỉ củng cố đà phục hồi của ngành du lịch mà còn vượt xa thành tích trước Covid-19.

Những con số ấn tượng này là cơ sở để Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã nâng ước tính tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 lên 5,2%. Con số này đúng với con số của Cục Thống kế nhà nước Trung Quốc công bố vào ngày 17/1. Trong khi các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), v,v, cũng cho rằng, năm 2024 nền kinh tế Trung Quốc có triển vọng tiếp tục tăng trở lại theo hướng tốt.

Ông Selcuk Chorakkoglu, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động của Trung Quốc. Ông cho biết, không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc vượt trội so với các nước khác. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là nhờ sự tích cực đa dạng hóa và chú trọng phát triển chất lượng cao, chẳng hạn như sự chuyển đổi của Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô và sự phát triển thành công của ngành năng lượng mặt trời. Ông tin rằng, với chi phí sản xuất thấp, hiệu quả lao động cao và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Trong khi đó, ông Borge Brende- Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 15/1 cho biết,  Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo ông, Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để thúc đẩy nền kinh tế. Trung Quốc đang chuyển từ tăng trưởng dựa trên đầu tư và cơ sở hạ tầng sang tăng trưởng dựa trên các lĩnh vực mới như xe điện, chuyển đổi từ xuất khẩu sang dịch vụ và thương mại kỹ thuật số, đồng thời cũng là nhà sản xuất quan trọng các thiết bị liên quan đến năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát toàn cầu tiếp tục gia tăng, thị trường tài chính hỗn loạn, áp lực nợ ngày càng gia tăng, nền kinh tế các nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ, thì nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành ngọn hải đăng cho những cơ hội mới.

Những nhận định như của ông Borge Brende về nền kinh tế Trung Quốc còn rất nhiều. Thực tế vài thập kỷ qua đã chứng minh rằng, một Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy phát triển chất lượng cao sẽ trở thành trường hấp dẫn mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới, trở thành nền tảng chuỗi công nghiệp toàn cầu và mảnh đất màu mỡ cho đầu tư nước ngoài. Bởi nền kinh tế Trung Quốc không phải là một con thuyền nhỏ trôi theo thủy triều, sức mạnh của sự đổi mới, sức sống mở cửa và lòng dũng cảm thay đổi khiến con tàu khổng lồ của Trung Quốc vượt qua sóng gió và tạo ra niềm tin rằng “Phép màu Trung Quốc” vẫn tiếp tục ở lại Trung Quốc.

PV: PrimeK

Biên tập viên:Kiều Quân