Bình luận: RCEP tiếp tục tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế khu vực

2023-12-31 17:05:19(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Ngày 1/1/2024 đánh dấu kỷ niệm hai năm “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” (RCEP) chính thức có hiệu lực. Hiệp định RCEP là thành quả mang tính cột mốc trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng là bức tranh sống động về việc các nước trong khu vực chung tay tìm kiếm phát triển chung. Trong hai năm qua, hiệp định RCEP như một động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên, tiếp thêm động lực mạnh mẽ thúc đẩy hội nhập khu vực, thúc đẩy phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Việc hiệp định RCEP có hiệu lực đầy đủ phản ánh cam kết vững chắc của các nước trong khu vực trong việc tăng cường hội nhập kinh tế và thực hiện thịnh vượng chung. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn ngày càng gia tăng, hiệp định RCEP đã mang lại một khuôn khổ hợp tác ổn định cho các nước thành viên, thúc đẩy đáng kể dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người thông qua cắt giảm thuế quan, giảm các hàng rào phi thuế quan và các biện pháp khác. Mô hình hợp tác này không chỉ giúp các nước thành viên bổ sung thế mạnh cho nhau, mà còn tạo động lực mới mạnh mẽ cho quá trình phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu.

Không thể bỏ qua tác động tích cực của việc thực thi hiệp định RCEP đối với nền kinh tế của các nước thành viên. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước thành viên RCEP khác đạt 12,95 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền đầu tư thực tế từ các thành viên RCEP khác vào Trung Quốc là 23,53 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Những con số bắt mắt này không chỉ chứng minh tính dẻo dai và sức sống của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn phản ánh vai trò to lớn của RCEP trong việc thúc đẩy tiện lợi hóa thương mại và cải thiện độ minh bạch đầu tư.

Việc thực thi hiệp định RCEP đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực. Thứ trưởng Bộ Thương mại Campuchia KHA Leng cho biết, việc thực thi hiệp định RCEP đã tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Tương tự, chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào cũng cho rằng, việc thực thi hiệp định RCEP và vận hành tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lào. 

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung do Trung Quốc và Indonesia cùng xây dựng đã đi vào hoạt động được hơn hai tháng, tính đến ngày 24/12/2023, tổng lượng hành khách đã vượt quá 1 triệu lượt khách, mang đến cho người dân dọc tuyến một chuyến đi an toàn, thuận tiện, trải nghiệm du lịch ấm áp và thoải mái. Đồng thời, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đã tăng cường kết nối giữa Jakarta và Bandung, có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ở Indonesia. Điều này chứng tỏ đầy đủ vai trò quan trọng của RCEP trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên và tăng cường hợp tác kinh tế.

Việc thực thi hiệp định RCEP đã mang lại nền tảng rộng lớn hơn cho hợp tác thiết thực giữa các ngành nghề và doanh nghiệp. Phó Tổng thư ký ASEAN Satwinder Singh chỉ rõ, những cơ hội do hiệp định RCEP tạo ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác công nghiệp. Điều này có nghĩa là trong khuôn khổ RCEP, các nước thành viên có thể tận dụng tốt hơn lợi thế công nghiệp của mình và đạt được sự phân bổ nguồn lực tối ưu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của toàn khu vực.

Hiện nay, kinh tế thế giới phục hồi yếu ớt , toàn cầu hóa kinh tế và tự do hóa thương mại, đầu tư đang phải đối mặt với những thách thức cam go. Việc thực thi hiệp định RCEP đã tạo động lực mới cho sự phục hồi của nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời ngăn chặn hiệu quả sự xâm lấn của chủ nghĩa đơn phương cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư. Với việc đi sâu triển khai hiệp định RCEP và nhiều dự án hợp tác được triển khai sâu hơn, quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được đẩy nhanh hơn nữa, giải  phóng tiềm năng phát triển lớn hơn và đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền kinh tế thế giới mở và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Biên tập viên:La Thành