Bình luận: Trò chơi chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Mỹ: Cuộc đọ sức giữa ngăn chặn và tự lực tự cường, mở cửa và đóng cửa

2023-12-27 17:11:38(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Một hiện tượng thú vị đã xuất hiện trong cuộc đọ sức chuỗi cung ứng Trung - Mỹ năm 2023, đó là Chính phủ Mỹ hòng thông qua áp đặt các biện pháp trừng phạt và chèn ép, phối hợp với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc để hình thành xu hướng ngăn chặn và kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với mong đợi, hàng loạt biện pháp chèn ép này đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường tính dẻo dai và ổn định của chuỗi cung ứng, đồng thời củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong chuỗi công nghiệp toàn cầu thông qua mở cửa hợp tác. Từ cấp độ chính sách đến thực tiễn doanh nghiệp, Trung Quốc đã thể hiện khả năng thích ứng mạnh mẽ và tinh thần đổi mới. Việc thực hiện chiến lược bổ sung và tăng cường chuỗi công nghiệp không chỉ nâng cao năng lực chống rủi ro của chuỗi cung ứng Trung Quốc, mà còn tiếp thêm động lực mới cho sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc, hình thành hiện tượng “áp đặt trừng phạt lại buộc Trung Quốc tiến bộ”.

Chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng sang “bờ biển thân thiện” của Mỹ không những không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mà còn không đạt được kết quả như mong đợi. Mỹ hòng đa dạng hóa rủi ro để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, tuy nhiên đã gặp phải hàng loạt khó khăn, trở ngại thực tế trong quá trình thực hiện. Xét từ góc độ kỹ thuật, mặc dù các khâu sản xuất đã chuyển dịch sang các nước khác, nhưng nguyên liệu và công nghệ chủ chốt vẫn cần phải nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này khiến quá trình “thoát khỏi Trung Quốc” trở thành một sự chuyển đổi mang tính hình thức hơn là thực chất. Từ “Made in China” sang “Made By China”, tưởng chừng như là sự chuyển dịch về mặt địa lý của chuỗi cung ứng nhưng thực chất là sự tiếp nối của sự phụ thuộc cốt lõi.

Cuộc đọ sức này về cơ bản là sự va chạm của hai quan niệm và chiến lược phát triển khác nhau. Trung Quốc đã lựa chọn mở cửa và hợp tác, xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng ổn định và bền vững hơn nữa bằng cách tăng cường kết nối chuỗi cung ứng với thế giới và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ngược lại, các chiến lược khép kín và bài xích bên thứ ba của Mỹ trên thực tế đã vấp phải trắc trở và tất sẽ không đạt được kết quả như mong đợi.

Cách đây không lâu, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập “Hội đồng phục hồi chuỗi cung ứng”, Trung Quốc đã tổ chức Hội chợ Xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất, thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Hội chợ đã thu hút 515 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tham gia triển lãm, số nhà triển lãm nước ngoài chiếm 26%, trong đó, số nhà triển lãm Mỹ chiếm 20%, bao gồm Amazon, Apple, Tesla, Intel, Qualcomm và một số công ty xuyên quốc gia khác trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ đang phát triển tại Trung Quốc đã dùng những hành động thiết thực để đưa ra những lựa chọn hoàn toàn khác với chính sách của Washington. Từ McDonald's đến Starbucks, từ Bridgewater đến Blackstone, các doanh nghiệp này đều tăng cường đầu tư vào Trung Quốc và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì, những lựa chọn này là sự khẳng định về tiềm năng thị trường và lợi thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc, cũng là sự phủ nhận gián tiếp đối với chính sách “hàng rào”, “cộng đồng nhỏ” và “tách rời” của Washington. Các quyết định của các doanh nghiệp này phản ánh tiếng nói thực sự của thị trường, vị thế của Trung Quốc với tư cách là một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu không thay đổi và sẽ mang đến cho các doanh nghiệp càng nhiều cơ hội hợp tác và lợi nhuận.

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, hệ thống chuỗi công nghiệp và cung ứng giữa các quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau, việc tách rời và cấu trúc lại chuỗi cung ứng chỉ dựa trên tư duy địa chính trị vừa không thực tế, vừa không bền vững. Trung Quốc không chỉ là nước tham gia và hưởng lợi từ hợp tác chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu, mà còn là nước bảo vệ và xây dựng kiên quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hút càng nhiều nước tham gia hợp tác chuỗi cung ứng với thái độ cởi mở.

Biên tập viên:La Thành