Quản trị xã hội ở Trung Quốc trong thời đại mới: Khoa học công nghệ là con đường quan trọng hoá giải các vấn đề khó

2023-12-05 14:24:24(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Quản lý/quản trị xã hội là quy trình không thể thiếu đối với mọi quốc gia nhằm vận hành và thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực, tiến bộ và văn minh. Thời đại thông tin hóa với sự bùng nổ của nhiều lĩnh vực công nghệ mới đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, làm thay đổi phương thức, cách thức lãnh đạo, quản lý/quản trị xã hội dựa trên nền tảng công nghệ mới. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Đứng trước những thay đổi của thời đại, nhiều vấn đề mới được đặt ra đối với công tác quản trị xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Trao đổi với Đài chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang, công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng những kinh nghiệm quản trị xã hội của Trung Quốc trong thời đại thông tin hoá rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng vì mang nhiều ý nghĩa gợi mở cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. 

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Theo vị học giả, từ bài học của Trung Quốc, các nước trước hết cần xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của các thành tố trong quá trình quản trị xã hội. Mô hình quản trị xã hội của Trung Quốc gồm 5 yếu tố đó là “Đảng ủy lãnh đạo, chính phủ phụ trách, xã hội hiệp đồng, quần chúng tham gia, pháp luật đảm bảo”. Trong những năm qua, yếu tố luật pháp không những được coi trọng, mà còn là yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ trong mọi hoạt động quản lý. Những năm gần đây, Trung Quốc đã hoàn thiện nhiều pháp luật pháp quy có liên quan nhằm tăng cường hiệu quả cho công tác quản trị xã hội trong thời kỳ thông tin hóa. Đây là một việc làm hết sức cần thiết.  

Tiếp theo, trong bối cảnh mới hiện nay, Trung Quốc đặc biệt coi trọng vai trò của khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực quản trị xã hội, coi khoa học công nghệ là một con đường quan trọng để hóa giải các vấn đề khó trong quản trị xã hội. Lấy ví dụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua ở Trung Quốc, sàn thông tin dịch vụ điện tử nước này đã thông qua các hình thức như email, tin nhắn trên trang web để kịp thời thu thập được thông tin dư luận, sau đó chỉnh lý để có được thông tin hữu dụng sau đó đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp tương ứng, từ đó rút ngắn được thời gian trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

“Có thể thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình quản trị xã hội là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược,” thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang khẳng định. 

Vị học giả chỉ ra, thực tế đã cho thấy ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình quản trị xã hội ở Trung Quốc là một cách làm hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin hiện đại vào trong quá trình quản trị xã hội tại đây được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác, với nhiều cách thức. Lãnh đạo Trung Quốc sớm đã xác định khoa học công nghệ là một lực lượng trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội, chính vì thế chính phủ nước này luôn chú trọng đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đồng thời đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực này. Hiện nay, nhờ vào ưu thế của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ internet, Trung Quốc đã tạo ra mô hình quản trị xã hội mới “thông minh hóa” (智能化的社会治理新模式). 

Đứng trước nhu cầu mong muốn được tham gia của quần chúng nhân dân vào quản trị xã hội ngày càng được tăng cường, đưa các biện pháp công nghệ khoa học hiện đại vào trong quá trình quản trị xã hội trở thành con đường tiện lợi, nhanh gọn giúp quần chúng nhân dân có thể thông qua mạng để trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị xã hội. Bên cạnh đó các bộ ban ngành cũng có thể thông qua công nghệ mạng giúp cho công việc của mình thực hiện dễ dàng thuận lợi hơn.

Mạng xã hội đã giúp mở ra thêm một con đường linh hoạt hơn cho công dân Trung Quốc tham gia hoạch định chính sách công. Có thể nói rằng mạng xã hội là họ biểu đạt ý kiến mang tính chất tự do, cởi mở, tiện lợi nhất với tốc độ lan truyền nhanh nhất. Công dân Trung Quốc có xu hướng thông qua mạng xã hội để biểu đạt ý kiến của mình ngày càng nhiều. Họ tham gia hoạch định chính sách công qua mạng đã tập trung vào các vấn đề nóng của xã hội, điển hình như lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Theo một số liệu thống kê, có đến 74,6% công dân Trung Quốc muốn tham gia phòng, chống tham nhũng qua mạng, và chỉ có 1,27% công dân muốn tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua chế độ gửi đơn thư khiếu nại. 

Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng rất tích cực thúc đẩy việc người dân tham gia hoạch định chính sách thông qua mạng internet. Sau Đại hội 18 (2012), Trung Quốc đã triển khai xây dựng các trang web của các cấp từ các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, các cấp chính quyền dưới tỉnh, cho đến các thành phố, các khu,... Năm 2017, trên toàn Trung Quốc có 28.000 trang web của chính quyền các cấp đang hoạt động, có khoảng 80% trang web của các bộ ngành đưa ra được kim chỉ nam cho mọi hoạt động theo một quy phạm thống nhất. Xây dựng “Chính phủ số” cũng được xác định là “giải pháp quan trọng để đổi mới nhận thức và phương thức quản trị của chính phủ, hình thành mô hình quản trị số mới, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị nhà nước…”. Từ năm 2017 đến năm 2021, việc xây dựng nền tảng giáo dục thông minh quốc gia được đẩy nhanh, nền tảng thông tin bảo hiểm y tế quốc gia thống nhất được triển khai để thực hiện tự khai thác hồ sơ điều trị y tế trong cả nước; ứng dụng công nghệ thông tin vào xoá đói giảm nghèo và xây dựng làng xóm kỹ thuật số phát triển mạnh, thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang tổng kết.

Cuộc cách mạng thông tin là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người, tạo ra nhiều cơ hội mới hướng tới xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ văn minh hơn. Tuy nhiên, cuộc cách mạng đó cũng mang lại những thách thức mới cho quá trình phát triển. Quản lý xã hội trong bối cảnh đó cũng đứng trước những cơ hội và thách thức mới, buộc các nhà lãnh đạo, quản lý phải xây dựng và phát triển một văn hóa lãnh đạo phù hợp với những điều kiện mới, dẫn dắt tổ chức, cộng đồng, quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn. Nhận thức được những vấn đề đó, trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy mạnh pháp trị hóa, hiện đại hóa năng lực quản trị và hệ thống quản trị xã hội, nâng cao trình độ quản lý khoa học, vận dụng khoa học công nghệ và phát huy vai trò của Internet vào việc quản trị xã hội, định hướng, dẫn dắt xã hội cũng như truyền bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới. 

Biên tập viên:Kiều Quân