Công tác bảo tồn văn hóa nhìn từ chuyến thăm quê hương của Lý Bạch

2023-11-30 10:24:26(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

“Ánh trăng chiếu sáng đầu giường.

 Ngỡ là mặt đất phủ sương móc dày.

Ngẩng đầu ngắm ánh trăng đầy.

Cúi đầu bỗng nhớ những ngày cố hương”.

Đọc bài thơ Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch, cảm giác háo hức khi chuẩn bị được đến thăm cố hương của một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thế giới trong tôi bỗng trào dâng.

Sau khi tham dự Hội chợ triển lãm Công nghệ quốc tế thành phố công nghệ Miên Dương (từ ngày 21-26/11), hoạt động chúng tôi mong chờ nhất chính là đến thăm nơi ở cũ của nhà thơ Lý Bạch, một đại thi hào nổi tiếng thế giới.

Khu thắng cảnh nơi ở cũ của Lý Bạch chiếm diện tích hơn 380 mẫu, lấy quỹ đạo nhân sinh của Lý Bạch làm tuyến chính, chia làm 12 khu vườn lớn như rừng bia Thái Bạch, Thanh Phong Minh Nguyệt Viên, Đăng Lầu Trích Tinh Viên, Lũng Tây Phong Gia Viên  v. v... Điểm đến cao nhất trong khu thắng cảnh là Thái Bạch Lâu. Đây là kiến trúc giả cổ kết cấu bằng gỗ cong ba tầng. Khi lên đến đây toàn bộ thị trấn Thanh Liên thuộc thành phố Giang Du được thu vào tầm mắt. Trong ánh sáng buổi sớm mai, không gian yên tĩnh, thoảng có tiếng gió nhẹ, chim hót, tiếng lá cây và người gọi nhau. Hít sâu một hơi dài, cái lạnh đầu đông thấm vào người, mùi không khí đậm chất cỏ cây, thật là sảng khoái.

Cái đẹp không tự nhiên được người ta khen ngợi, đây chính là cái gọi là hiệu ứng người nổi tiếng. Lý Bạch là một danh nhân rất nổi tiếng, là vua không ngai trong vương quốc thơ ca đời Đường, khi còn sống đã rất nổi tiếng. Nơi Lý Bạch sinh ra, nơi ngụ cư, nơi đề vịnh và nơi lưu truyền truyền thuyết của Lý Bạch đều có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách. Có một số điểm du lịch hấp dẫn du khách, chủ yếu là có di tích Lý Bạch hoặc là nơi đã được Lý Bạch đề vịnh qua. Chính vì thế, ngoài khu thắng cảnh nơi ở cũ của Lý Bạch còn có Nhà bảo tàng Lý Bạch và Nhà Kỷ niệm Lý Bạch.

Tại đây những người yêu thích nhà thơ Lý Bạch có thể đọc được các bài thơ của Lý Bạch với nhiều hình thức khác nhau như sách giấy, sách điện tử, thẻ tre..... Những hình ảnh hoặc dựng hình về quãng đời và những giai thoại của nhà thơ Lý Bạch cũng như rất nhiều bài viết nghiên cứu của các học giả đương đại và nước ngoài được trưng bày, giới thiệu tại đây. Đặc biệt là tại Nhà kỷ niệm Lý Bạch có rất nhiều hiện vật liên quan đến sinh thời của nhà thơ cũng được đưa về đây cất giữ. Có thể nói đây chính là kho tư liệu đầy đủ nhất cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thế giới.

Giống như Khu thắng cảnh nơi ở cũ của Lý Bạch, tại Trung Quốc có hàng nghìn những địa điểm khác được bảo tồn như thế. Vào năm 1985, Trung Quốc đã phê chuẩn Hiệp định về Bảo tồn Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cuối năm 2015, 48 di sản tại Trung Quốc đã được đưa vào trong Danh sách Di sản thế giới (Trung Quốc đã thành công trong đề cử các di sản trong Danh sách Di sản thế giới với chặng đường liên tục kéo dài 13 năm). Kể từ đó, không chỉ di sản thế giới, mà những di sản khác cũng được tăng cường công tác bảo tồn. Nhiều dự án cứu nguy và bảo tồn các di sản văn hóa sau động đất tại tỉnh Tứ Xuyên, thể hiện khả năng đáp ứng trong trường hợp khẩn cấp của các nhà bảo tồn học Trung Quốc trong xác định các thảm họa lớn. Ví dụ như Nhà kỷ niệm Lý Bạch bị hủy hoại gần 80% sau trận động đất năm 2008, hiện nay gần như đã được khôi phục nguyên vẹn.

Hữu xạ tự nhiên hương, khi làm tốt tất sẽ nổi tiếng. Hiện tại mô hình “văn hóa+du lịch” đã trở thành chìa khóa giải quyết bài toán bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Có thể hiện tại chưa phải là hoàn hảo nhất, nhưng từ cách bảo tồn văn hóa của mình đã giúp đất nước tỷ dân thay vì bảo quản di sản trong “tủ kính” thì Trung Quốc đã sử dụng di sản như một nguồn lực và chất liệu để phát triển nền kinh tế Xanh.

Đây được cho là giải pháp để hai “bánh xe” bảo tồn văn hóa và thúc đẩy kinh tế có thể song hành cùng nhịp, đưa “cỗ xe” phát triển của Trung Quốc vững bước tiến về phía trước. Cách làm này của Trung Quốc có thể là mẫu hình để thế giới tham khảo.

Biên tập viên:Hải Vân