ASIAD 19: Nối lại hợp tác thể thao toàn diện Trung – Việt

2023-10-16 10:08:16(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống về hợp tác thể dục thể thao (TDTD) với nhiều hoạt động quan trọng diễn ra thường xuyên và tốt đẹp. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 hoành hành 3 năm vừa qua đã gây tổn thất và mất mát lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khiến chuỗi hợp tác bị gián đoạn, đình trệ. Giới chuyên gia kỳ vọng rặng, Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đang diễn ra tại Hàng Châu lần này chính là sự khởi đầu lại của hợp tác toàn diện Trung Quốc – Việt Nam trong lĩnh vực TDTT.

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam) cho biết: Tính đến nay, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết 04 Thỏa thuận/Biên bản ghi nhớ  (MOU) hợp tác trong lĩnh vực thể dục thể thao, lần lượt là MOU ngày 14/11/1994 tại Hà Nội; MOU ngày 9/11/2004 tại Bắc Kinh; MOU ngày 19/7/2010 tại Bắc Kinh; và MOU ngày 28/8/2019 tại Quảng Tây.

      Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam

Trong nhiều năm qua, hàng năm phía Việt Nam đều duy trì mời/thuê các chuyên gia Trung Quốc huấn luyện cho các đội tuyển quốc gia của Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các môn: Bóng bàn, Bơi, Cử tạ, Thể dục, Wushu, Bóng chuyền, Điền kinh. Hai Bên kiên trì ủng hộ lẫn nhau để đề cử nhân sự tham gia vào các tổ chức thể thao quốc tế.

Từ năm 2006 đến nay, hàng năm hai bên đều phối hợp tổ chức Chương trình Diễu hành xe ô tô đường trường Trung Quốc - ASEAN (CAITA), Việt Nam là chặng đầu tiên đoàn xe đi qua trong hành trình xuyên ASEAN và kết thúc quay trở về Quảng Tây, Trung Quốc. Chương trình được tổ chức thành công tốt đẹp qua các năm và thu hút sự quan tâm của giới thể thao khu vực.

Trung Quốc cũng đã dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực TDTT, hỗ trợ tập huấn cho các VĐV đội tuyển thể thao quốc gia Việt Nam với mức giá ưu đãi. Các Trường Đại học TDTT của hai Bên có sự kết nối, hợp tác rất thuận lợi, một số trường có quan hệ kết nghĩa song phương như Trường Đại học TDTT Thượng Hải với các trường Đại học TDTT ở Việt Nam...

Đại diện Cục Thể dục thể thao đánh giá, hợp tác song phương giữa hai Bên trong nhiều năm qua có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tăng cường tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu hợp tác, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục thể thao ở hai nước. Phù hợp với đường lối, chủ trương “đẩy mạnh đối ngoại song phương” với định hướng “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng” của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thể thao Việt Nam cũng luôn tuân thủ và hợp tác với Trung Quốc trên phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài – Hướng tới tương lai”.

Thế giới trải qua hơn 3 năm đại dịch COVID-19, đã có nhiều tổn thất và mất mát lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, ASIAD 19 lần này là cơ hội tốt để tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á nhằm kết nối, tăng cường hợp tác không chỉ trong lĩnh vực thể thao, mà có thể mở rộng hơn ở những lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, kết nối cộng đồng, giao lưu nhân dân ...

“Thông qua việc tham dự ASIAD, các quốc gia có thể hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn về văn hóa, có cơ hội học hỏi và trau dồi về chuyên môn thể thao, là cơ hội tốt để vận động viên được cọ sát trình độ cao, cống hiến tài năng phục vụ người hâm mộ thể thao,” ông Đặng Hà Việt nói.

Cũng như các quốc gia khác, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực TDTT giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bị đình trệ do đại dịch COVID-19. Theo vị đại diện Việt Nam, Á vận hội lần này là một khởi đầu lại cho sự hợp tác toàn diện về lĩnh vực TDTT như thể thao học đường, thể thao thành tích cao, kinh tế thể thao, du lịch thể thao, các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực.

Thật vậy, hoạt động bên lề ASIAD lần này là lễ kí hợp tác phòng chống doping giữa thể thao Việt Nam và thể thao Trung Quốc đã tổ chức sáng 24/9 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đại diện cho phía Việt Nam là Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam còn đại diện cho phía Trung Quốc là Cơ quan phòng chống Doping Trung Quốc (Chinada). Đây là một trong những hoạt động làm việc bên lề ASIAD 19 năm nay. Chứng kiến lễ kí kết có Chủ tịch cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) Witold Banka, Phó Chủ tịch WADA Yang Yang, Tổng giám đốc WADA Olivier Niggli, Giám đốc văn phòng WADA châu Á, Thái Bình Dương Kazuhiro Hayashi.

Ngoài ra, Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập cơ chế hợp tác khu vực ASEAN+Trung Quốc. Hội nghị Bộ trưởng Thể thao Trung Quốc + ASEAN lần thứ 1 đã được diễn ra thành công tại Chiangmai, Thái Lan vào ngày 01/9/2023. Hội nghị đã bày tỏ quan điểm chung, coi thể thao là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa con người với con người và là một thành tố có giá trị trong hợp tác và đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Trên cơ sở thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN-Trung Quốc, các Bộ trưởng đồng thuận về các lĩnh vực ưu tiên hợp tác thể thao ASEAN-Trung Quốc gồm giao lưu nhân dân giữa ASEAN và Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác phát triển nghiên cứu khoa học thể thao, ứng dụng công nghệ và quản lý thể thao. Trong tương lai gần, sự tích cực của các bên liên quan trong việc thúc đẩy hợp tác, tổ chức các Diễn đàn/Hội nghị/Hội thảo sẽ mang lại hiệu quả cao nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo cơ hội hợp tác cho các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng như Trung Quốc.

 

Biên tập viên:Hạ Vi