Cô gái xướng lên giai điệu Việt Nam tại ASIAD-19

2023-10-12 11:36:24(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:


Mới đây, tại phố cổ Hội An, Việt Nam, nơi đông đảo du khách đến tham quan, một cô gái xinh đẹp  mặc áo dài trắng và đội nón đang gảy đàn tranh Việt Nam những khúc nhạc thánh thót, giai điệu đôi lúc nhẹ nhàng, đôi khi say đắm đã khiến nhiều du khách dừng chân chụp ảnh và thưởng thức. Cô gái Việt Nam xinh đẹp này tên là Nguyễn Thị Thanh Huyền, là nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng. Cô đàn những giai điệu Việt Nam tại ASIAD-19 Hàng Châu. Lần này, cô cùng các nghệ sĩ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ chơi bản nhạc chủ đề của ASIAD-19 Hàng Châu "Trái tim hòa nhịp" được cải biên từ "Điệu múa hái trà" ở khu vực Giang Nam của Trung Quốc, cổ vũ các vận động viên Việt Nam tại Hàng Châu tham dự cho ASIAD-19 theo hình thức độc đáo của mình.

Thanh Huyền bắt đầu học đàn tranh Việt Nam từ năm 7 tuổi, đối với cô, hành trình học đàn tranh là một quá trình luyện tập không bao giờ kết thúc. Cuộc hành trình bắt đầu từ khoảnh khắc cô theo các thầy cô học đàn ở thành phố Huế cổ kính. Thanh Huyền học rất chăm chỉ. Cô kiên trì tập đàn trong khi hoàn thành chương trình trung học, vì ước mơ từ nhỏ của cô là thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để học đàn tranh một cách chính quy và có hệ thống. Vì vậy, nhiều lần, khi cô thấy bạn bè đi chơi sau giờ học, nhưng cô vẫn không bỏ tập đàn bất cứ hôm nào.

Có một lần, Thanh Huyền trong lúc ở nhà tập đàn, không may chạm vào điện bị giật, nhưng Huyền vẫn tập đến cùng! Về nhà Thanh Huyền mới cảm thấy hoàn toàn đuối sức, đau vài ngày liền. Thanh Huyền cho biết, “Việc học nghệ thuật từ khi còn nhỏ rất khổ sở, nhưng mọi nỗ lực được đền đáp khi mình trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Kể từ đó Huyền được tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp, được thử nghiệm và học hỏi rất nhiều thứ từ những đàn anh đàn chị và cả các bậc cao nhân trong nghề. Huyền nghĩ hiện nay với khả năng tiếp cận thông tin quá dễ dàng, thì để chơi được đàn tranh không hề khó. Quan trọng vẫn nằm ở tình yêu và sự kiên trì mà bạn dành cho âm nhạc.”

Những nỗ lực và sự kiên trì của Thanh Huyền trong những năm qua cũng đã giúp cô nhận được sự quan tâm và yêu thích của ngày càng nhiều người hâm mộ. Tại ASIAD-19 lần này, Thanh Huyền được mời cùng các nghệ sĩ châu Á gửi tặng món quà âm nhạc cho Đại hội thể thao châu Á- bản nhạc “Trái tim hòa nhịp”, kết hợp nhạc cụ dân tộc của 5 nước châu Á, đây cũng là lần đầu tiên 5 nhạc cụ dân tộc của 5 nước châu Á cùng hòa tấu. Với giai điệu dân tộc mang đặc sắc Chiết Giang, tác phẩm đã chú trọng việc thể hiện và hòa nhập âm sắc đặc trưng của các nhạc cụ dân tộc của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm các hình thức khác nhau như hòa tấu, nhạc pop, v.v..

Trong quá trình thiết kế MV đã chứa đựng các địa điểm lịch sử và nhân văn, các yếu tố đô thị hiện đại của Hàng Châu, cũng như hình ảnh của các kiến trúc mang tính tiêu biểu và đặc sắc của 4 quốc gia Việt Nam, Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc, cũng như vận động viên đến từ các nước châu Á. Để thể hiện tốt MV lần này, Thanh Huyền đã chọn bãi biển cát trắng, cầu Rồng của Đà Nẵng và phố cổ Hội An làm địa điểm quay, để giới thiệu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, kiến trúc hiện đại hùng vĩ và lịch sử truyền thống cổ xưa của Việt Nam. Nói về sự hợp tác nghệ thuật xuyên quốc gia đặc biệt này, Thanh Huyền cho biết: "Đúng như khẩu hiệu“Trái tim hòa nhịp” ( Heart to Heart ) truyền tải, tôi rất tự hào khi là nghệ sĩ đại diện Việt Nam góp mặt trong MV khi cùng nhiều nghệ sĩ trên toàn châu Á biểu diễn và chia sẻ cũng như giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của mỗi đất nước tới bạn bè quốc tế. Tôi chúc các tuyển thủ Việt Nam và tất cả các tuyển thủ các nước khác đến tham gia Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 cháy hết ngọn lửa trong trái tim mình, cùng nhau tạo nên kỳ tích, để lại dấu ấn đất nước tại Đại hội Thể thao châu Á Hàng Châu. "

 Sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thanh Huyền đã chọn học tiếp tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc để học tập nghiên cứu sáng tác. Du học ở Trung Quốc là một trải nghiệm đáng nhớ và đầy cảm xúc với Huyền. Khi qua Trung Quốc, Huyền mới biết mình là nghiên cứu sinh duy nhất của lớp Sáng tác trong vòng 20 năm qua! Huyền đã rất lo lắng về vấn đề giao tiếp vì tiếng Trung của Huyền thực sự không tốt lắm, nhưng may mắn thay thầy cô và các bạn Trung Quốc đã rất nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ Huyền kể cả khi phải sử dụng các ngôn ngữ cơ thể. Thanh Huyền cho biết, “Mọi người luôn luôn thăm hỏi, động viên mình, dù mình đã về Việt Nam vẫn thi thoảng hỏi thăm nhau về nhiều vấn đề cuộc sống cũng như chuyên môn.” Đối với Thanh Huyền, thời gian du học Trung Quốc rất quý báu, phong cảnh Trung Quốc cũng rất đẹp và hữu tình, khiến mọi người không thể nào quên. Cô nói, “Khi đi du học, vì yêu thích khung cảnh nơi mình học nên một ngày mình quyết định đi xe đạp dạo quanh thành phố một lúc. Tuy nhiên vì quá mải mê ngắm cảnh mà mình đã bị lạc lúc nào không hay haha! Thế nên đúng như sở nguyện, hôm đó mình đã đạp xe rất lâu trên những cung đường xinh đẹp, cả đời mình chưa từng đạp xe nhiều đến thế! Phải từ sáng đến tận chiều tối mình mới tìm được về tới trường. Nghĩ lại thấy thật vui.”

Sau khi trở về Việt Nam, Thanh Huyền trở thành nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam tại Nhà hát Trưng Vương của thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Cô thường xuyên biểu diễn trên khắp cả nước. Khả năng nghệ thuật xuất sắc và ngoại hình xinh đẹp của cô được nhiều người hâm mộ yêu thích. Thanh Huyền cũng không ngừng nghiên cứu để nâng cao trình độ biểu diễn của mình. Thanh Huyền cho biết: "Mình muốn góp sức cho việc phát triển âm nhạc cổ truyền Việt Nam, âm nhạc cổ truyền Việt Nam rất đẹp và độc đáo. Đàn tranh vừa có thể đệm hát và đệm cho các nhạc cụ khác, lại vừa có thể độc tấu, đàn tranh có khả năng thể hiện nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ Nhã nhạc cung đình cho tới các làn điệu dân gian, giúp người chơi mở rộng khả năng học hỏi và sức sáng tạo tốt hơn nhiều nhạc cụ khác, xứng đáng được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn nữa.”

Chơi cùng một tác phẩm với các nghệ sĩ từ 5 quốc gia châu Á để phát sóng trong ASIAD-19 lần này cũng là một trải nghiệm mới mẻ đối với Thanh Huyền. Thanh Huyền cho biết: "Đàn tranh cũng có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau, cấu trúc chính giống nhau, mỗi quốc gia đều có màu sắc âm hưởng đặc trưng riêng, sự khác biệt chính vẫn là nằm ở cách sử dụng nhạc cụ của mỗi nghệ sĩ để tạo ra âm thanh mang đậm văn hoá của đất nước mình. Đàn tranh Việt Nam âm tiếng cao và thanh hơn, đồng thời các ngón đàn cũng sử dụng tay trái nhiều hơn đàn tranh Trung Quốc hiện tại. Đó cũng là vì dây đàn mỏng và mềm hơn, người nghệ sĩ có thể dễ dàng sử dụng tay trái để nhấn với các cường độ và độ ngân khác nhau, tạo ra những tiếng đàn với sắc thái và cảm xúc phong phú."

Cuộc trình diễn lần này nhận được mọi người yêu thích cũng khiến Thanh Huyền rất vui và bất ngờ, cô cho biết: "Đó thật sự là một nguồn cổ vũ lớn lao. Huyền rất mong có thể quảng bá hình ảnh và âm nhạc dân gian Việt Nam tới với khán giả Trung Quốc, cũng như với khán giả toàn thế giới."

Biên tập viên:Dung Dung