Học giả Việt Nam: Những thành quả đạt được của sáng kiến “Vành đai và Con đường”

2023-09-26 10:15:32(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Năm 2013, khi đến thăm các nước Trung Á và Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt đưa ra hai sáng kiến quan trọng, đó là Sáng kiến cùng xây dựng “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” và “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, thu hút sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế. Năm nay là dấu mốc kỷ niệm 10 năm ra đời của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Vậy sau 10 năm triển khai và phát triển, Sáng kiến “Vành đai và con đường” đã thể hiện ý nghĩa như thế nào đối với các quốc gia “dọc tuyến đường”?   

PGS.TS. Phùng Thị Huệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã từng làm Chủ nhiệm 02 đề tài cấp Bộ về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cho biết, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có ý nghĩa tích cực và vai trò thiết thực đối với các nước dọc tuyến, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần khai thác tối đa cơ hội từ “Vành đai và Con đường”, xúc tiến hợp lý hơn các hạng mục hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

PGS.TS. Phùng Thị Huệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

PGS.TS. Phùng Thị Huệ nêu rõ, tính đến tháng 1 năm 2023, Trung Quốc đã ký hơn 200 văn bản hợp tác với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, trên nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về năng lực sản xuất, kinh tế-thương mại, tài chính tiền tệ, khoa học công nghệ, xã hội, giao lưu nhân văn, bảo vệ môi trường sinh thái v.v...; Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã ký 19 Hiệp định thương mại tự do với 26 nước và khu vực tham gia “Vành đai và Con đường” thuộc châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ La Tinh, châu Âu và châu Phi. Những kết quả nêu trên đã mở ra cục diện và phương thức hợp tác mới giữa các quốc gia, khu vực và châu lục trên toàn thế giới, góp phần giúp các nước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thể hiện đầy đủ tính thụ hưởng và tính mở cửa của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Trong khi đó, Việt Nam hiện đang nằm trong giai đoạn then chốt xây dựng hiện đại hoá và công nghiệp hoá, rất cần thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trùng khớp với việc Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy hợp tác về năng lực sản xuất quốc tế và Chiến lược “đi ra nước ngoài”. Vì vậy, thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa “Vành đai và Con đường” với “Hai hành lang, một vành đai” là phù hợp lợi ích chung của hai bên. Đại lộ Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài 17,8 ki-lô-mét có 12 làn xe và 10 cây cầu, hiện đã trở thành con đường rộng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một trong những công trình quan trọng do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Việt Nam, công trình giai đoạn I của dự án này còn được trao Giải thành tựu công trình kiến trúc của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Ngày 6/11/2021, đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng đã được đưa vào sử dụng tại Thủ đô Hà Nội, đóng góp quan trọng cho việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương. PGS. TS Phùng Thị Huệ cho biết, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đem lại nhiều yếu tố đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng đầu tư thương mại.

Theo PGS.TS. Phùng Thị Huệ , trong quá trình cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”, Việt Nam và Trung Quốc cần dựa trên nguyên tắc “cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng thụ hưởng”, Việt Nam nên tăng cường điều phối hợp tác đa phương, nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, phát huy ưu thế để triển khai và thúc đẩy các hạng mục hợp tác phù hợp trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”. PGS. TS. Phùng Thị Huệ đã đưa ra hai đề nghị: Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục tìm hiểu kỹ càng để triển khai các hạng mục hợp tác phù hợp với yêu cầu kết nối của “Vành đai và Con đường” cũng như nhu cầu hội nhập khu vực của Việt Nam; Thứ hai, Việt Nam nên đẩy mạnh lộ trình hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực thông qua Con đường tơ lụa kỹ thuật số DSR. Kết nối chiến lược phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc thể hiện rõ ưu thế độc đáo và tính hiện thực mạnh mẽ, vì thế trong quá trình kết nối, cần tăng cường tin cậy lẫn nhau, nâng cao trình độ hợp tác, đem lại ngày càng nhiều thành quả hợp tác phát triển cho người dân hai nước một cách công bằng.

Biên tập viên:Mẫn Linh