Chuyên gia Việt Nam: Nhiều tiềm năng thúc đẩy tăng cường hợp tác thể thao Trung - Việt

2023-09-25 09:34:10(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Trung Quốc và Việt Nam có truyền thống hợp tác hữu hảo trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thể thao. Các hoạt động giao lưu thể thao thường xuyên được tổ chức là dịp để các vận động viên, nhân dân hai nước tiếp xúc, làm quen, học hỏi lẫn nhau, phát triển phong trào rèn luyện thể thao, từ đó tạo sự gắn bó, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Trung - Việt.

 Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, Tiến sĩ Trần Thị Thuỷ, trưởng phòng Nghiên cứu Văn hoá - Lịch sử Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng để tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thể thao.

 “Trước hết là sự gần gũi về địa lý. Sự kết nối thuận tiện trên cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không...đã góp phần gia tăng các cơ hội trao đổi, giao lưu về thể thao giữa các cơ quan quản lý, vận động viên và người dân giữa hai nước,” bà Trần Thị Thuỷ nói.

 

Tiến sĩ Trần Thị Thuỷ, trưởng phòng Nghiên cứu Văn hoá - Lịch sử Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Thứ hai là sự ổn định về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều năm qua: Đây là nền tảng chính trị hết sức quan trọng để thể thao hai nước mở rộng quan hệ hợp tác song phương. Các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc đều nhấn mạnh đến việc thúc đẩy giao lưu nhân văn để tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Thứ ba, các thuận lợi về mặt nhân chủng học cũng có góp phần làm cho cầu nối thể thao của hai nước dễ đi vào chiều sâu hơn. Thể trạng của người Việt Nam và người Trung Quốc phù hợp với các môn thể thao đòi hỏi sự mềm dẻo, khéo léo, nhanh nhẹn như võ thuật, cầu lông, cờ tướng, judo, cầu mây… Trung Quốc cũng có nhiều bề dày lịch sử và truyền thống trong những bộ môn này nên dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm đối với Việt Nam, đặc biệt là các giáo án tập luyện, kỹ năng thi đấu. 

Hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác về thể dục thể thao giữa các cơ quan hàng đầu về thể thao của hai nước như Thoả thuận về hợp tác thể dục thể thao trong giai đoạn 5 năm giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc; Thoả thuận hợp tác giữa Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Việt Nam) và Cục Thể dục thể thao Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)… Theo đó, mỗi năm Việt Nam đều mời từ 6 đến 10 chuyên gia Trung Quốc sang huấn luyện cho các đội tuyển quốc gia và địa phương, chủ yếu là các môn bơi, thể dục dụng cụ, bóng bàn, cử tạ, wushu, bắn cung. 

Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam huấn luyện và đào tạo vận động viên cho những đấu trường lớn ở khu vực và thế giới. Hai nước đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu thể thao nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Theo Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam), năm 2018-2019, có 56 đoàn thể thao Việt Nam đã sang giao lưu thể thao, tập huấn, thi đấu tại các giải quy mô khác nhau do phía nước bạn Trung Quốc (bao gồm vùng lãnh thổ Đài Loan) tổ chức như các đội tuyển điền kinh, bóng ném, bóng chuyền, cử tạ, karate, cầu lông, cờ tướng, judo, cầu mây, bóng rổ, xe đạp, wushu, bóng rổ, boxing, điền kinh dành cho người khuyết tật… 

Từ ngày 23/9 đến ngày 8/10 tới đây, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) sẽ được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Chuyên gia Trần Thị Thuỷ đánh giá, trên cơ sở các thuận lợi và truyền thống hợp tác về thể thao trong nhiều năm qua, ASIAD 19 chắc chắn là một cơ hội quý giá để hai nước Việt Nam và Trung Quốc đưa hợp tác thể thao đi vào chiều sâu hơn nữa. Trên thực tế, ngày 28 tháng 6 vừa qua, Uỷ ban Olympic Việt Nam và Ban Tiếng Việt Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phối hợp tổ chức Toạ đàm Thể thao Việt – Trung theo hình thức trực tuyến. Buổi toạ đàm đã tạo điều kiện để hai nước trao đổi thông tin về công tác chuẩn bị ASIAD lần thứ 19 và kinh nghiệm phát triển ngành thể thao trong mối tương quan với các ngành khác. 

“Trong lần tham dự ASIAD 19 này, Việt Nam đã cử 337 vận động viên tranh tài ở 31/40 môn thể thao thi đấu chính thức. Điều này cho thấy sự ủng hộ to lớn của Việt Nam đối với việc Trung Quốc đăng cai tổ chức Á vận hội lần này nói riêng và các sự kiện thể thao mang tầm cỡ châu lục và thế giới khác,” Tiến sĩ Trần Thị Thuỷ khẳng định.

Biên tập viên:Kiều Quân