Rau quả Việt Nam có triển vọng to lớn ở thị trường Trung Quốc

2023-08-30 11:18:25(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2023 có tăng trưởng mạnh mẽ, điều này đã được thể hiện ngay từ những tháng đầu năm. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2023 đạt 662 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước. Tính chung lũy kế trong 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt tới 2,68 tỷ USD, đạt mức trị giá xuất khẩu trong 6 tháng cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 60,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 6 tháng/2023 đã tăng tới hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự tăng trưởng ấn tượng này là do Trung Quốc bãi bỏ chính sách zero covid, giảm bớt và đi đến bãi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng hơn. Các biện pháp phong toả phòng dịch được dỡ bỏ cũng giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường tỷ dân. Thêm vào đó là Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho các loại trái cây mới của Việt Nam vào Trung Quốc.”

Các nghị định thư về trái cây đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Hiện nay, 14 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào. Đáng chú ý, sầu riêng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu quả sầu riêng tăng cao đột biến, đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với con số 44,2 triệu USD của cùng kỳ năm trước (theo Tổng cục Hải quan Việt Nam). Quả sầu riêng của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Xuất phát từ những thế mạnh và lợi thế của xuất khẩu rau quả Việt Nam, từ nhu cầu nhập khẩu rất lớn của thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Bình lạc quan cho rằng triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc là rất to lớn.

Vị đại diện Hiệp hội đánh giá, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng về nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng, Việt Nam còn nhiều trái cây đặc sản rất được lòng người tiêu dùng Trung Quốc. Hai nước còn có vị trí địa lý rất thuận tiện cho việc giao thương buôn bán và là lợi thế cạnh tranh về logistics so với các quốc gia khác. Rau quả vận chuyển từ Việt Nam sang Trung quốc có thời gian ngắn hơn các nước ASEAN khác nên khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng và độ tươi ngon tự nhiên.

“Chúng tôi luôn xác định Trung quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của mình, chiếm khoảng 55- 65% tổng giá trị kim ngạch rau quả xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Tuy vậy, thị trường Trung quốc vẫn còn nhiều dư địa cho rau quả Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Với hơn 1,4 tỉ dân cùng nhu cầu tiêu dùng lớn, Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho nhiều loại mặt hàng.  Trong khi đó, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần rau quả của mình tại thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để khai thác sâu hơn nữa tiềm năng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn và đầy đủ hơn về thị trường này, trước mắt là phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn nữa cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam, tiếp theo là đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm đối tác lớn…

Thị trường Trung Quốc giàu cơ hội đồng nghĩa với sẽ có rất nhiều sự cạnh tranh. Các thương hiệu Việt Nam sẽ phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của rau quả Việt nam so với sản phẩm của các quốc gia khác cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán. 

“Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực nâng cao khả năng cung ứng, xuất khẩu đặc biệt là năng lực tuân thủ các quy định và điều kiện nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng chiến lược xuất khẩu lâu dài đối với thị trường quan trọng này,” chuyên gia Nguyễn Thanh Bình chỉ ra. 

Theo vị chuyên gia, năng lực tuân thủ các quy định và điều kiện nhập khẩu của thị trường Trung Quốc là cực kỳ quan trọng, nếu làm không tốt thì không chỉ đơn giản là bị trả lại hàng mà còn có nguy cơ đánh mất niềm tin của thị trường Trung Quốc vào các sản phẩm Việt Nam.

Trên tinh thần này, phía Việt Nam gần đây đã có những chỉ đạo rất quyết liệt liên quan đến sự việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc gửi thông báo tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng trái cây xuất khẩu không đáp ứng đúng các quy định mà phía Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết.

Ngày 21/7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ra văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường kiểm soát vi sinh vật, đối tượng kiểm dịch thực vật trên các lô hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ này yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh, không được buông lỏng kiểm tra, giám sát. Các cơ sở đóng gói cũng được yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại các cơ sở đóng gói.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc trên, quan điểm của Hiệp hội là những quy định và những cam kết đã được đại điện hai nước ký kết phải được thực hiện nghiêm túc,” ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ, khẳng định rằng Hiệp hội sẽ cùng các cơ quan hữu quan tích cực làm việc, thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác giám sát, đảm bảo chất lượng xuất khẩu cho nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Biên tập viên:Hạ Vi