Bình luận: Trước có vụ Snowden, sau nữa có vụ Mạnh Vãn Châu, ông Assange nên lựa chọn thế nào?

2023-08-17 10:44:27(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Năm 2010, "trang mạng WikiLeaks" đã phanh phui một lượng lớn điện tín ngoại giao và tài liệu quân sự bí mật của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, vạch trần tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ. Sau đó, Chính phủ Mỹ đã triển khai cuộc điều tra hình sự đối với ông Julian Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks. Ban đầu, ông Assange đã không "trốn thoát" thành công như ông Snowden và bị bắt ở nước Anh. Mỹ sau đó yêu cầu dẫn độ ông Assange, một khi bị dẫn độ sang Mỹ, ông Assange phải đối mặt với án tù lên tới 175 năm.

Mới đây, tờ "Sydney Morning Herald" của Australia đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Australia Caroline Kennedy cho biết, Vụ án dẫn độ kéo dài 4 năm của công dân Australia Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, có thể kết thúc bằng một thỏa thuận nhận tội. Tuy nhiên, bài báo chỉ rõ, thỏa thuận nhận tội cũng đòi hỏi cả hai bên phải đạt được thỏa hiệp, hiện nay vẫn chưa biết liệu con đường này có khả thi hay không.

Thao tác này có vẻ quen thuộc. Vào cuối năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ từng thảo luận về một thỏa thuận với bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei. Thỏa thuận này cho phép bà Mạnh Vãn Châu trở về Trung Quốc từ Canada với điều kiện bà phải thừa nhận cái gọi là "hành vi sai trái" trong một vụ án hình sự. Tuy nhiên, bà Mạnh Vãn Châu đã chọn cách kiên quyết bác bỏ những đòi hỏi vô lý của Mỹ. Giờ đây, các quan chức Mỹ ám chỉ rằng họ có thể đạt được thỏa thuận nhận tội với ông Assange, điều này rất giống với trường hợp của vụ bà Mạnh Vãn Châu hồi đó.   

Những gì xảy ra với ông Assange đã làm dấy lên mối quan ngại và nghi ngờ rộng rãi trong dư luận quốc tế. Tháng 5 năm 2023, Tổng thống Brazil Lula từng lên án việc giam giữ ông Assange là "một điều trớ trêu" và "việc điên rồ ". Việc giam giữ ông Assange, người đồng sáng lập trang mạng WikiLeaks đã trái với "quyền bảo vệ dân chủ và tự do báo chí", kêu gọi mọi người huy động nguồn lực để bào chữa cho ông Assange.

Trước sự nghi ngờ của dư luận quốc tế và nhân sĩ các giới, Chính phủ Mỹ chưa bao giờ từ bỏ việc luận tội ông Assange. Trong chuyến thăm Australia, Ngoại trưởng Mỹ Blinken thậm chí còn cho rằng, ông Assange bị cáo buộc phạm "những tội rất nghiêm trọng", Mỹ sẽ không từ bỏ vụ kiện ông Assange. Tờ "Người bảo vệ" của Anh cho biết, việc ông Blinken bảo vệ các cáo buộc của Mỹ đối với ông Assange được coi là "một đòn giáng nặng nề vào nỗ lực giải cứu ông Assange của cộng đồng quốc tế."

Việc ông Assange có được trả tự do ngay lập tức và trở về Australia đoàn tụ với gia đình hay không, không chỉ liên quan đến sự lựa chọn của chính ông, mà còn sẽ thử thách quan hệ đồng minh giữa Australia và Mỹ. Hãng tin ABC News của Mỹ và các phương tiện truyền thông khác cho biết, do mang quốc tịch Australia, vụ án Assange được coi là "tấm đá thử vàng" để đo lường ảnh hưởng của Australia trong Chính phủ Mỹ.

Dù thế nào đi nữa, vụ án Assange đã cho mọi người nhận rõ cái gọi là “tự do báo chí” dễ bị tổn thương như thế nào. Việc ông Assange sẽ thỏa hiệp và nhận tội hay kiên quyết nói không với bá quyền của Mỹ trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế, nhưng bất kể ông đưa ra sự lựa chọn nào thì cũng đủ để kéo xuống mặt nạ giả dối của nền dân chủ kiểu Mỹ.

Biên tập viên:Mẫn Linh