Chuyên gia Việt Nam: Biện pháp kích thích kinh tế Trung Quốc đúng trọng tâm
Từ đầu năm đến nay, môi trường quốc tế không ngừng biến đổi hết sức phức tạp, mâu thuẫn mang tính chu kỳ và kết cấu đan xen chồng chéo đã có những tác động không nhỏ tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Trước hàng loạt khó khăn và thách thức, chính phủ Trung Quốc đã công bố hàng loạt gói biện pháp nhằm ổn định chính sách vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển chất lượng cao.
Chia sẻ với Đài chúng tôi, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng trọng tâm của những chính sách này là hỗ trợ nền kinh tế tư nhân, vực dậy niềm tin, mở rộng nhu cầu nội địa và thúc đẩy tiêu dùng.
“Đây là những trọng tâm phù hợp với tình hình hiện nay của kinh tế Trung Quốc, khi mà sức cầu đang yếu do niềm tin người dân vào sự phục hồi còn hạn chế,” vị chuyên gia đánh giá.
PGS- TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ngày 1/8, Trung Quốc đã công bố 28 biện pháp chi tiết sẽ được áp dụng trong thời gian tới, từ tiếp cận thị trường công bằng đến hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn và dịch vụ chính phủ tốt hơn, để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải và kích thích sự phát triển của nền kinh tế tư nhân.
Trước đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cũng cam kết thu hút thêm vốn tư nhân tham gia xây dựng các dự án lớn của quốc gia và các dự án chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp trọng điểm.
Các biện pháp này được công bố sau khi chính quyền trung ương ban hành hướng dẫn vào tháng trước về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tư nhân, vốn đóng vai trò là một động lực quan trọng cho quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc và là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển chất lượng cao. Khu vực tư nhân hiện đang đóng góp khoảng 50% doanh thu thuế của Trung Quốc, 60% GDP và tạo ra 80% việc làm mới ở thành thị.
Theo chuyên gia Võ Đại Lược, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ thần kỳ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, không có một mô hình nào có thể tăng trưởng mãi mà không có sự suy giảm, đặc biệt dưới tác động của các yếu tố mang tính chu kỳ, cơ cấu, cũng như nhiều yếu tố khách quan khác.
“Tôi tin rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục đổi mới tích cực thì sự suy giảm đó là không đáng ngại, các tác động tiêu cực cũng được hạn chế tối đa,” vị học giả nói, nhấn mạnh rằng không thể chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng để đánh giá một nền kinh tế, mà còn cần nhìn vào cơ cấu và trình độ phát triển chất lượng cao.
Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 5,5% trong nửa đầu năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đây là mức tăng đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Trong tuyên bố mới đây của mình, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ nỗ lực “khôi phục và mở rộng” tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ tăng thu nhập hộ gia đình, cải thiện tiền lương, ổn định việc làm cho thanh niên… Đây đều là những khía cạnh quan trọng trong việc thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong trường hợp của Trung Quốc, thị trường nội địa khổng lồ là động lực, là sức mạnh to lớn thúc đẩy phục hồi kinh tế, là thế mạnh mà không quốc gia nào khác trên thế giới có được, chuyên gia Võ Đại Lược đánh giá. Đặc biệt, thị trường tiêu dùng nông thôn đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng sôi động cùng với sự phát triển của kinh tế thương mại điện tử – thành quả của công cuộc chống đói nghèo và là một phần không thể tách rời trong tầm nhìn thịnh vượng chung của đất nước.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, tiêu dùng của Trung Quốc có tác động mạnh mẽ tới chuỗi sản xuất, cung ứng và thương mại toàn cầu. Việc Trung Quốc không ngừng mở cửa chào đón hàng hoá nước ngoài cũng củng cố niềm tin và chia sẻ cơ hội phát triển với các nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi yếu ớt, đầu tư thương mại toàn cầu chậm lại.
Sáu tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên vượt 20 nghìn tỷ Nhân dân tệ, đạt mức cao chưa từng có. Quan hệ thương mại với các đối tác trong đó có Việt Nam phục hồi nhanh chóng, liên tục ghi nhận các dấu mốc tăng trưởng mới.
Biên tập viên:Kiều Quân