Bình luận: Việc hạ mức tín nhiệm của Mỹ là ba lần cảnh báo đối với Washington

2023-08-04 11:55:26(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Theo tin Đài chúng tôi: Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Mỹ lại “đấu đá”! Lần này là do cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch hạ mức tín nhiệm của Mỹ vào ngày 1/8, hạ mức xếp hạng của nhà phát hành ngoại tệ dài hạn là Mỹ từ mức AAA xuống AA+. Đảng Dân chủ cho rằng việc hạ mức tín nhiệm lần này là “kết quả của cuộc khủng hoảng vỡ nợ do Đảng Cộng hòa tạo ra”, trong khi Đảng Cộng hòa cho rằng nguyên nhân là do Chính quyền Biden xử lý các vấn đề kinh tế không hiệu quả.

Trò chơi “đổ lỗi” cho nhau mới nhất giữa hai đảng chính là một nguyên nhân quan trọng khiến Fitch hạ mức tín nhiệm của Mỹ. Cơ quan này ra tuyến bố cho biết, trong 20 năm qua, Mỹ liên tục gặp bế tắc chính trị về trần nợ, thường kéo dài đến phút chót mới được giải quyết, điều này đã làm xói mòn niềm tin đối với năng lực quản lý tài chính của Mỹ. Có phân tích cho rằng, đây là lời cảnh báo đầu tiên đối với Washington, sự phân cực chính trị dẫn đến tình trạng thiếu năng lực quản trị.

Đồng thời, tuyên bố của Fitch chỉ rõ, tình hình tài khóa của Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi trong ba năm tới, nợ chính phủ đang ở mức cao và tiếp tục tăng cao. Đây được coi là lời cảnh báo thứ hai đối với Washington, “mức nợ cao” của Mỹ khiến mọi người cảnh giác, triển vọng về một nền kinh tế phình to dựa vào nợ nần chồng chất đáng lo ngại.

Trang web của Bộ Tài chính Mỹ công bố thông tin cho thấy, tính đến ngày 31/7, nợ của chính phủ liên bang Mỹ đã lên tới 32,6 nghìn tỷ USD, tương đương với mỗi người dân Mỹ nợ gần 100.000 USD.

Dấu hiệu cảnh báo thứ ba liên quan đến uy tín của nước Mỹ, có thể đẩy nhanh quá trình “phi đô la hóa”. Một khi tín dụng bị xói mòn, mọi người tất sẽ đưa ra lựa chọn mới. Trong thời gian qua, từ Châu Mỹ Latin đến Trung Đông, Châu Phi tới các nước sản xuất năng lượng quan trọng khác của thế giới, rồi đến Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung dày đặc đồng minh của Mỹ, ngày càng nhiều quốc gia đã hoặc lên kế hoạch “phi đô la hóa”. Mới đây, Bolivia đã bắt đầu sử dụng Nhân dân tệ trong các giao dịch xuất nhập khẩu, trở thành quốc gia Nam Mỹ mới nhất thường xuyên sử dụng Nhân dân tệ.

Sau khi Fitch hạ mức tín nhiệm của Mỹ, nhiều quan chức Chính phủ Mỹ đã phản ứng quyết liệt, thay vì dành thời gian “đổ lỗi” đấu đá nội bộ, các chính khách Washington nên nghĩ cách giải quyết các vấn đề kinh tế Mỹ và lấy lại thể diện.

Biên tập viên:La Thành