Chuyên gia Việt Nam: Kinh nghiệm phát triển thể thao Trung Quốc có ý nghĩa quý báu

2023-07-24 10:18:48(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam

Chỉ khoảng 60 ngày nữa, Đại hội Thể thao châu Á – ASIAD 19 sẽ chính thức khai mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc. Trong những ngày này, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nước chủ nhà Trung Quốc dành cho sự kiện thể thao lớn thứ hai thế giới này là chủ đề thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, cùng với đó là câu chuyện về việc Trung Quốc làm cách nào trở thành một cường quốc thể thao. Nghiên cứu con đường phát triển của Trung Quốc, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam cho rằng có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà ngành thể thao Việt Nam có thể học tập để hoàn thiện chính mình.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, ngành thể thao Trung Quốc đang có xu hướng phát triển nhanh chóng, quy mô ngành liên tục đạt những đỉnh cao mới và vị thế của ngành thể thao trong nền kinh tế quốc gia đã dần được nâng cao. Theo Cục Thống kê Quốc gia và Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc, tổng quy mô ngành thể thao của đất nước năm 2021 là 3.117,5 tỷ nhân dân tệ, với giá trị gia tăng là 1.224,5 tỷ nhân dân tệ. Đây cũng là lần đầu tiên tổng quy mô của ngành thể thao Trung Quốc vượt quá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Hoàng Xuân Lương nói: “Trung Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng nền kinh tế thể thao. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu, cần rất nhiều nỗ lực để phát triển”.

Theo ông Hoàng Xuân Lương, thành công của ngành thể thao Trung Quốc có sự đóng góp to lớn của hệ thống các văn bản chính sách đồng bộ do chính phủ ban hành, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách sâu rộng ngành thể thao.

Ngay sau khi "Luật thể thao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" ra đời vào năm 1995, "Đề cương phát triển ngành thể thao giai đoạn 1995-2010" cũng được ban hành và thực thi, tạo cơ sở để xây dựng các chính sách đồng bộ cho ngành thể thao toàn quốc và các tỉnh, thành. Từ đó đến nay, rất nhiều văn bản chính sách như “Một số ý kiến về việc đẩy nhanh sự phát triển của ngành thể thao và thúc đẩy tiêu dùng thể thao”, “Ý kiến chỉ đạo về việc đẩy nhanh sự phát triển của ngành thể dục và giải trí”, hay “Đề cương quy hoạch Trung Quốc Khỏe mạnh 2030" cũng được đưa ra.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn chú trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành thể thao thông qua quần chúng với các chính sách khác như "Ý kiến về việc hội nhập sâu giữa giáo dục và thể thao, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên"v.v.

Ông Hoàng Xuân Lương cho rằng, bản thân ngành thể thao có đặc điểm tương quan chặt chẽ và có thể hội nhập sâu rộng với các ngành khác, từ đó giải phóng và mở rộng lợi ích kinh tế và xã hội của chính mình.

Trong mười năm qua, sự hội nhập và phát triển của thể thao và các ngành khác đã trở thành điểm nóng kinh tế tại Trung Quốc, thể thao kết hợp du lịch, văn hóa, giáo dục, chăm sóc người già... Theo tầm nhìn của "Đề cương xây dựng cường quốc thể thao" do Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra ngày 2/9/2019, đến năm 2035, ngành thể thao sẽ lớn hơn, năng động hơn và tốt hơn, trở thành ngành trụ cột của nền kinh tế quốc dân.

Giai đoạn đầu những năm 2000, ông Hoàng Xuân Lương là Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ tỉnh Nghệ An (Việt Nam). Là một lãnh đạo rất đam mê thể thao, ông Hoàng Xuân Lương thường xuyên chỉ đạo, tạo ra các cơ chế chính sách thúc đẩy phong trào thể dục thể thao địa phương như chế độ thưởng cho các vận động viên thành tích cao, đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong thể thao, vận động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp để nâng cấp cơ sở hạ tầng thể thao…Theo thời gian, tỉnh Nghệ An trở thành một trong những địa phương có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh, đặc biệt bóng đá trẻ Nghệ An được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo có thành tích tốt nhất trên cả nước. Hiện nay trên cương vị Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Xuân Lương càng quan tâm hơn về phương thức tạo động lực phát triển kinh tế thể thao, kêu gọi các nguồn lực thị trường tham gia vào cung cấp các dịch vụ thể thao.

Vị chuyên gia Việt Nam nhìn nhận, kinh tế thể thao không chỉ giúp giải quyết bài toán ngân sách cho phát triển thể thao chuyên nghiệp mà còn có nhiều tác động tích cực như giảm tổn thất kinh tế liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội; kéo dài tuổi thọ người dân bằng các yếu tố sức khỏe ảnh hưởng đến sự gia tăng khả năng lao động của con người; giúp chuẩn bị nguồn lực lao động, bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Ông Hoàng Xuân Lương đánh giá, để trở thành một cường quốc thể thao với thành tích nhiều môn đứng đầu khu vực và thế giới, Trung Quốc đã rất quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và đặc biệt là chính sách đãi ngộ nhân tài hết sức nhân văn.

“Các vận động viên sau khi được giải nghệ thì được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo chính sách. Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Chỉ khi giải tỏa nỗi lo của gia đình cũng như bản thân vận động viên, họ mới có thể yên tâm theo đuổi và cống hiến cho sự nghiệp, khích lệ được nhiều vận động viên giỏi cố gắng thi đấu hết mình, vì màu cờ sắc áo của tổ quốc,” ông Hoàng Xuân Lương nói.

Từ cách đây rất lâu, các quy phạm pháp luật của Trung Quốc về tuyển chọn và bảo vệ quyền lợi vận động viên đã rất hoàn chỉnh, có hệ thống bảo đảm đầy đủ từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương. Từ việc lựa chọn nhân tài đến việc ký kết và đến việc huấn luyện đều minh bạch và công bằng, các thành viên trong gia đình cũng có quyền được biết và có quyền hiệp thương.

Giờ đây, nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc như Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô, Bắc Kinh, Sơn Đông, v.v., đã có thể phân bổ đầy đủ các vận động viên giải nghệ và giúp họ tìm được những vị trí công việc phù hợp. Ngay cả đối với những vận động viên tự chọn nghề nghiệp, chính phủ sẽ cung cấp cho họ kinh phí giải nghệ dựa trên số liệu tổng hợp như số năm phục vụ và thành tích của họ để giúp họ tự lựa chọn nghề nghiệp của mình hoặc tự khởi nghiệp. Các tổ chức phúc lợi xã hội cũng có thể cung cấp chương trình đào tạo tương ứng về kỹ năng, tâm lý và lập kế hoạch nghề nghiệp hàng năm cho các vận động viên và vận động viên đã giải nghệ. 

“Sự phát triển của ngành thể thao nói chung không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao nhận thức và sức khoẻ cộng đồng, cải thiện chỉ số hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng một quốc gia khoẻ mạnh” ông Hoàng Xuân Lương nói, bày tỏ mong muốn hai nước Trung Quốc - Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thể thao, thúc đẩy giao lưu xuyên biên giới giữa nhân dân hai nước.

Biên tập viên:Kiều Quân